Dùng máy bay không người lái trong sản xuất lúa: Giảm sâu bệnh, nông dân nhẹ công
Kết quả khảo nghiệm sử dụng máy bay không người lái (MBKNL) HLD18 phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) phòng trừ các đối tượng gây hại chính trên lúa tại tỉnh Nam Định bước đầu cho thấy, thiết bị này giúp tiết kiệm 5% lượng thuốc BVTV, giảm 95% lượng nước so với phương pháp phun truyền thống.
Đặc biệt, MBKNL giúp nông dân tiết kiệm sức lao động, giảm tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động và hóa chất BVTV.
Chủ động được công nghệ
Tại Việt Nam, từ năm 2018 nhiều địa phương đã trình diễn sử dụng MBKNL vào việc bón phân, phun thuốc BVTV phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các kết quả về sử dụng MBKNL trên thực địa còn thiếu tính ổn định, độ chính xác của thiết bị chưa như mong muốn, đặc biệt là trong bối cảnh các loại thuốc BVTV sản xuất ra hiện nay chủ yếu phục vụ các thiết bị phun rải truyền thống, có lượng nước pha cao gấp nhiều lần…
Trước thực trạng đó, Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng đã giao cho Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) chủ trì phối hợp Viện Bảo vệ thực vật, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc và đơn vị quản lý thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành thực hiện nhiệm vụ "Hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng máy bay không người lái (UAV) - HLD18 phun thuốc BVTV trên cây lúa".
Cận cảnh máy bay không người lái HLD18 và cánh đồng của xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định) - nơi trình diễn máy bay phun thuốc BVTV. Ảnh: M.N
Cận cảnh máy bay không người lái HLD18.
"Nếu dùng phương pháp thủ công để phun thuốc BVTV thì 1 ngày, 3 người chỉ phun được 20 mẫu. Nhưng giờ đây có máy bay này, chúng tôi không còn vất vả khâu phun thuốc BVTV nữa, năng suất tăng lên đáng kể". Nông dân Nguyễn Văn Phong (xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, Nam Định)
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG cho biết, thiết bị này do Việt Nam sản xuất, do đó chúng ta hoàn toàn làm chủ về công nghệ, phần mềm, phần cứng và chế độ bảo hành, đào tạo "phi công" để chuyển giao cho các đơn vị, tổ hợp tác, dịch vụ nông nghiệp… Đặc biệt thiết bị HLD18 đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như vấn đề cấp phép vùng bay cho thiết bị.
Để đánh giá kết quả khảo nghiệm việc sử dụng MBKNL HLD18 phun thuốc BVTV trên cây lúa, mới đây TTKNQG đã tổ chức hội nghị trình diễn sử dụng MBKNL HLD18 tại huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.
Tại ruộng khảo nghiệm, các đại biểu và bà con nông dân được chứng kiến các "phi công" trong tổ dịch vụ trình diễn kỹ thuật điều khiển máy bay HLD18 phun thuốc BVTV với các tốc độ bay ở các công thức khác nhau.
Kết quả khảo nghiệm cho thấy, sử dụng máy bay HLD18 giúp giảm 5% lượng thuốc BVTV đầu vào, giảm 5 - 10% lượng nước.
Việc sử dụng máy bay giúp kiểm soát dịch bệnh trên cây lúa hiệu quả nhờ dập dịch nhanh và tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại, đồng thời giảm tổn thất sản lượng lúa từ 1 - 2%/ha so với phun thuốc thông thường do lúa không bị giẫm đạp trong quá trình phun.
Lượng thuốc BVTV phun bằng MBKNL lên đất và nước ở giai đoạn phát triển ban đầu của cây lúa không thay đổi so với phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, sang giai đoạn sau thì lượng thuốc BVTV lên cây lúa cao hơn do thuốc phun rải ngoài môi trường giảm. Công suất hoạt động của một thiết bị bay HLD 18 dao động từ 10 - 20ha/ngày.
Nhân rộng mô hình
Tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc TTKNQG chia sẻ: "Từ thực tiễn cho thấy, hiệu quả lớn nhất của mô hình là cách ly được người nông dân với thuốc BVTV, qua đó giúp bảo vệ sức khỏe bà con và môi trường. Máy móc giúp tăng hiệu suất làm việc, không ngại địa hình hoạt động, tiết kiệm nước và thuốc, tăng hiệu quả sản xuất".
Bà con nông dân và các đại biểu thăm mô hình trồng lúa sử dụng máy bay không người lái HLD18 tại xã Trực Hùng (Trực Ninh, Nam Định)
Cũng tại hội nghị, TTKNQG đã trao chứng chỉ cho 18 học viên được đào tạo điều khiển MBKNL HLD18.
Ngoài những ưu điểm trên, thông qua mô hình cơ quan chuyên môn còn đào tạo được lực lượng vận hành để sử dụng thiết bị MBKNL phục vụ nông dân.
Những kết quả đạt được ban đầu sẽ làm cơ sở cho tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức nhân rộng, góp phần nâng cao tỷ lệ sử dụng công nghệ vào đồng ruộng.
Là đơn vị có hơn 700ha diện tích trồng các giống lúa lai, ông Lâm Văn Chiểu - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh, Nam Định) cho biết, Cường Tân là đơn vị phối hợp thực hiện Đề án NN-08II. Quá trình triển khai đề án, công ty đã cử cán bộ tham gia lớp học nghiệp vụ kỹ thuật điều khiển MBKNL HLD18.
"Sau hơn 10 ngày học, các học viên được thực hành trực tiếp trên những cánh đồng lúa của Công ty TNHH Cường Tân và đến giờ này có thể nói rằng, những kỹ thuật cơ bản của việc điều khiển MBKNL HLD18 phun thuốc BVTV đã thành thục" - ông Chiểu chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, TTKNQG đã bàn giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương và Công ty TNHH Cường Tân, mỗi đơn vị 3 chiếc MBKNL HLD18 để áp dụng phun thuốc BVTV trong sản xuất lúa.
Bà Phạm Thị Đào - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay Hải Dương có khoảng 115.000ha trồng lúa. Sản lượng lúa bình quân đạt 745.000 tấn/năm. Với việc được TTKNQG bàn giao máy bay HLD18, đây sẽ là động lực cho người nông dân có thể sản xuất lúa hiệu quả, giảm công sức lao động, hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV mà lúa vẫn đảm bảo năng suất.