Dùng metformin trị đái tháo đường sao cho hiệu quả và an toàn?

Đối với người bị đái tháo đường và được kê đơn dùng metformin, cần hiểu rõ về những ưu và nhược của loại thuốc mình đang sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý để việc sử dụng thuốc được an toàn...

Đái tháo đường type 2là một bệnh chuyển hóa ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Đó là tình trạng lượng đường huyết trong cơ thể tăng cao. Không có cách chữa trị cho tình trạng này, nhưng thuốc và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Metformin là liệu pháp đầu tay cho những bệnh nhân cần dùng thuốc uống để kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2. Thuốc không chữa khỏi bệnh đái tháo đường, nhưng nó sẽ làm giảm lượng đường trong máu xuống mức an toàn.

Đối với người bệnh bị đái tháo đường được bác sĩ kê đơn metformin, thường cần phải dùng thuốc trong thời gian dài. Thuốc có thể dùng đơn độc hoặc kết hợp với các loại thuốc trị đái tháo đường khác.

Metformin là liệu pháp đầu tay trị đái tháo đường

Metformin là liệu pháp đầu tay trị đái tháo đường

1. Tác dụng phụ thường gặp của metformin trị đái tháo đường

Nhiều người gặp phải các tác dụng phụ sau đây khi lần đầu tiên bắt đầu dùng thuốc này:

Ợ chua
Buồn nôn
Đau bụng
Đầy hơi

Các triệu chứng này thường biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này trở lên nghiêm trọng, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, các vấn đề tiêu hóa khác như tiêu chảy và táo bón cũng có thể xảy ra. Một số người có thể bị sụt cân, hoặc phàn nàn về vị kim loại trong miệng, đau đầu tái phát…

Để khắc phục các bất lợi này, có thể dùng thuốc cùng với thức ăn hoặc có thểbắt đầu với liều lượng thấp và sau đó tăng dần liều lượng… sẽ giúp cơ thể người bệnh thích nghi với thuốc một cách tốt hơn.

Metformin không phải lúc nào cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên, ở một số người có thể gặp một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn cần lưu ý như: Nhiễm toan lactic (xảy ra do sự tích tụ của metformin trong cơ thể với biểu hiện khó thở, mệt mỏi, suy nhược chung, giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn, chóng mặt và cảm giác choáng váng...), thiếu máu, hạ đường huyết...

Khi xảy ra các bất lợi này cần được điều trị y tế thích hợp.

Một số người bị phản ứng nghiêm trọng với metformin

Một số người bị phản ứng nghiêm trọng với metformin

2. Một số lưu ý khi dùng thuốc

Liều dùng của metformin sẽ khác nhau đối với những bệnh nhân khác nhau (đã được bác sĩ cân nhắc khi kê đơn trên từng người bệnh). Do đó, người bệnh cần tuân thủ liều dùng thuốc theo đơn của bác sĩ và tái khám theo lịch hẹn.

Metformin nên được dùng trong bữa ăn để giúp giảm các tác dụng phụ đối với dạ dày hoặc ruột có thể xảy ra trong vài tuần đầu điều trị.

Đối với thuốc dạng viên hoặc viên nén giải phóng kéo dài, không được nghiền nát, phá vỡ hoặc nhai thuốc mà phải nuốt nguyên viên thuốc với một cốc nước đầy.

Metformin có thể gây tương tác với một số loại thuốc, vì vậy, người bệnh cần cho bác sĩ biết về những loại thuốc mà mình đang sử dụng, kể cả thuốc bổ, vitamin hay thảo dược... giúp bác sĩ cân nhắc tránh tối đa sự tương tác bất lợi...

Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường xảy ra (có thể do tác dụng phụ của thuốc hoặc tình trạng nặng hơn của bệnh... ) cần thông báo cho bác sĩ biết để được ứng phó kịp thời, thích hợp.

Người bệnh không được tự ý bỏ thuốc điều trị mà không có ý kiến của bác sĩ. Vì nếu không được điều trị, mức đường huyết cao có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: Suy giảm thị lực (bệnh võng mạc tiểu đường), vấn đề về thận (bệnh thận do tiểu đường), tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh do tiểu đường)...

Lưu ý, bên cạnh việc dùng thuốc, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn uống và tập luyện theo khuyến cáo của bác sĩ...Không tự ý sử dụng tăng liều mà chưa có ý kiến của bác sĩ bởi nếu không bạn sé gặp phải các tác dụng phụ rất nặng mà bản thân không ngờ tới.

Mời độc giả xem thêm video:

DS Hoàng Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//dung-metformin-tri-dai-thao-duong-sao-cho-hieu-qua-va-an-toan-169220630143110812.htm