Đừng nằm dài trên giường cả ngày nữa

'Bed rotting' là trend mới của Gen Z, ám chỉ việc một người nằm trên giường cả ngày. Các chuyên gia cho rằng hành vi này có thể gây rối loạn cảm xúc, giấc ngủ.

Sau ca làm việc cuối tuần, Tiến sĩ Jessica Gold trở về nhà với cảm giác kiệt sức. Cô không thể cưỡng lại ham muốn nghỉ ngơi, nằm trên giường xem TV và ngủ cả ngày.

Theo trào lưu mới nhất của Gen Z, Gold đang "thối rữa trên giường" (bed rotting).

"Tôi nghĩ mọi người có thể nằm lì trên giường nếu cần. Tôi đã làm như vậy, miễn là tôi hiểu tại sao mình làm thế", Gold, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Trường Y Đại học Washington, nói.

Xu hướng "nằm im để chữa lành"

Theo CNN, "bed rotting" là trào lưu mới nhất lan truyền trên TikTok, nó được người trẻ sử dụng như một thuật ngữ liên quan đến chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Trong khi việc nằm lì trên giường bị nhiều người coi là dấu hiệu của sự lười biếng, Gen Z lập luận đó là cách họ chữa lành thông qua "lắng nghe tâm trí và cơ thể".

Những người trẻ chọn bed rotting khi thấy quá tải về mặt cảm xúc, như lo lắng hay căng thẳng. Họ chia sẻ video ghi lại cảnh đang trùm chăn xem Netflix, hoặc ăn uống, gọi điện trò chuyện với ai đó, và tất nhiên mọi thứ diễn ra trên giường.

 Nằm trên giường quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, rối loạn giấc ngủ.

Nằm trên giường quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, rối loạn giấc ngủ.

Gold cho biết "thối rữa trên giường" cũng tương tự như việc mọi người cho mình một ngày lười biếng, nhưng là hành vi mang tính "bất động" nhiều hơn.

Theo Simon A. Rego, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Y khoa Albert Einstein, thoạt nhìn có thể thấy có nhiều lợi ích từ việc sống chậm lại để nạp năng lượng.

Tuy nhiên, ông cho biết nằm trên giường quá lâu có thể gây ra những xáo trộn về mặt cảm xúc, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần, bởi sự cân bằng rất quan trọng để tạo ra hạnh phúc.

"Dù việc nằm lì trên giường giúp bạn thấy tốt hơn ở hiện tại, hãy lưu tâm và đừng làm chuyện đó quá mức", Rego nói.

Gold cho biết nằm dài trên giường hơn một hoặc hai ngày liền là điều đáng lo ngại và có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần khác nhau.

"Cảm giác thôi thúc muốn nằm trên giường cả ngày, nếu xảy ra với tần suất dày đặc, không phải đơn giản vì muốn chợp mắt hay nghỉ ngơi, có thể vì người ta muốn trốn chạy cảm giác đau đớn hay căng thẳng khi tỉnh giấc", vị chuyên gia giải thích.

 Theo các chuyên gia, chúng ta cần học những cách đối phó khác nhau khi căng thẳng, thay vì nằm lì trên giường cả ngày.

Theo các chuyên gia, chúng ta cần học những cách đối phó khác nhau khi căng thẳng, thay vì nằm lì trên giường cả ngày.

Theo Gold, loại hành vi này có thể liên quan đến các triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu.

Bed rotting không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần mà còn gây hại cho giấc ngủ của một người.

Kelly Glazer Baron, phó giáo sư về gia đình và y tế dự phòng tại Đại học Utah ở Thành phố Salt Lake, cho biết: "Từ góc độ khoa học về giấc ngủ, việc 'thối rữa' trên giường đi ngược với thứ mọi người nên làm".

Baron cho biết giường chỉ nên là nơi chúng ta ngủ hoặc quan hệ tình dục, không nên dùng nó cho các hoạt động như ăn uống, xem phim hay làm việc. Theo hướng dẫn chung, nếu không thể ngủ được sau 20-30 phút nằm trên giường, mọi người nên dậy và tìm đến một không gian khác.

"Mệt mỏi sau một ngày dài là điều bình thường, nhưng nếu nó cản trở công việc, đời sống xã hội hoặc các hoạt động quan trọng khác thì bạn nên thảo luận về các triệu chứng của mình với bác sĩ", Baron nhấn mạnh.

Gold cho biết "thối rữa" trên giường có thể cho phép một người tự cô lập, phớt lờ cảm xúc của mình và có thể ngăn cản họ tham gia vào các hoạt động chăm sóc bản thân.

Còn theo Rego, chúng ta cần học các cách đối phó khác nhau với cảm xúc tiêu cực và sự mệt mỏi, thay vì chỉ nằm trên giường cả ngày. Một số gợi ý có thể là đi chơi với bạn bè, tập thể dục hoặc thực hành chánh niệm.

Nếu không muốn ra khỏi nhà, mọi người có thể đọc sách hoặc viết nhật ký. Nói chuyện với một nhà trị liệu cũng giúp chúng ta tìm ra gốc rễ khiến mình kiệt sức, hiểu xem liệu mình có đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/dung-nam-dai-tren-giuong-ca-ngay-nua-post1446088.html