Dùng người nổi tiếng để lấy cái đẹp, dẹp cái xấu trên Internet
Bộ TT&TT tập hợp người có sức ảnh hưởng trên Internet (KOL) để phối hợp truyền thông, tạo trào lưu, xu hướng với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Những năm qua, Bộ TT&TT đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp mới, đạt hiệu quả cao trong công tác quản lý không gian mạng và truyền thông xã hội.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT) Lê Quang Tự Do cho hay, ở vai trò của một đơn vị thực thi, Cục PTTH&TTĐT rất tâm huyết, dành nhiều công sức, thời gian để tìm tòi suy nghĩ những cách làm mới, sáng tạo để quản lý lĩnh vực này.
Quản lý không gian mạng phải vừa xây, vừa chống
Trong quá trình quản lý không gian mạng và truyền thông xã hội, Cục PTTH&TTĐT nhận thức được hai vấn đề. Internet đã trở thành không gian sống mới của loài người, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng chính là bảo vệ chế độ.
Quản lý không gian mạng nói riêng và quản lý truyền thông xã hội nói chung không thể và không chỉ là nhiệm vụ của một vài đơn vị chủ chốt như trước đây mà là của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, muốn quản lý thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải quản lý tốt các nền tảng xuyên biên giới.
Từ hai tiền đề này, Cục PTTH&TTĐT đã tìm tòi, rút ra những cách làm mới, đó là kết hợp giữa xây và chống, phải cùng nhau xây và cùng nhau chống.
Cách làm này có thể khái quát thành 4 ý chính: xây quy định, xây cách "đánh", xây lực lượng, xây thế trận, để đạt được mục tiêu là chống thông tin xấu độc và chống mất kiểm soát truyền thông xã hội trên không gian mạng.
Cục PTTH&TTĐT cũng tìm ra một cách đấu tranh, cách “đánh” để quản lý được không gian mạng trong điều kiện quy định pháp luật chưa hoàn thiện.
Cách “đánh” này kết hợp đồng bộ 4 biện pháp, đó là đấu tranh về pháp lý, yêu cầu các nền tảng phải tuân thủ các quy định pháp luật về nội dung, quảng cáo, dòng tiền, đóng thuế.
Tiếp theo là đấu tranh về truyền thông, dùng truyền thông để tuyên truyền, vạch trần những hoạt động vi phạm pháp luật, từ đó gây sức ép, buộc các nền tảng, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Điều nữa là đấu tranh về kinh tế, thể chế hóa việc không cho phép quảng cáo trên những nền tảng vi phạm pháp luật. Cuối cùng, biện pháp then chốt, quyết định là nếu nền tảng vẫn không tuân thủ, không hợp tác thì ngăn chặn hoạt động Việt Nam bằng các biện pháp kỹ thuật.
Bộ TT&TT vừa quản lý báo chí, vừa quản lý quảng cáo trên mạng, vừa quản lý về nội dung thông tin, rất am hiểu về công nghệ số và nắm chắc hạ tầng số, hạ tầng viễn thông nên triển khai 4 giải pháp này đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Kết quả là, năm 2024 giữ kỷ lục về số lượng đáp ứng của các nền tảng (đạt trên 93%), số lượng link thông tin xấu độc bị chặn gỡ cực lớn và số lượng chặn gỡ các tài khoản, trang, kênh cũng rất nhiều.
Nhận thức của toàn hệ thống chính trị cũng đã thay đổi. Các bộ, ngành đều đã có các quy định để cùng quản lý không gian mạng. Ví dụ như Luật Điện ảnh; Luật Thuế sửa đổi, thu thuế các nền tảng xuyên biên giới; Luật quảng cáo, bổ sung về việc quản lý quảng cáo trên mạng và trên các nền tảng xuyên biên giới.
Các quy định này giúp Bộ TT&TT quản lý tốt nội dung thông tin trên không gian mạng, cũng giúp Nhà nước thu thuế được nhiều hơn, giúp các ngành khác hoạt động tốt hơn.
Dùng KOL để lấy cái đẹp dẹp cái xấu
Để giữ vững thế trận trên không gian mạng, nếu chỉ có lực lượng quản lý nhà nước thì chưa đủ. Do đó, Bộ TT&TT đã tập hợp những người có sức ảnh hưởng trên mạng (KOL), các công ty quản lý KOL, công ty quản lý đa kênh trên mạng, các công ty quảng cáo, các nhãn hàng và các nền tảng xuyên biên giới.
Bộ TT&TT không coi đây là các đối tượng quản lý đơn thuần mà coi họ vừa là đối tượng quản lý, nhưng cũng đồng thời là đối tác đồng hành cùng Bộ để triển khai các chiến dịch truyền thông, vì mục đích tốt đẹp, ích nước lợi dân.
Năm 2023, Bộ TT&TT đã triển khai xây dựng, mở rộng lực lượng, tổ chức gặp gỡ, kết nối các đơn vị. Đến năm 2024, lần đầu tiên Bộ TT&TT đưa lực lượng này vào các chiến dịch truyền thông cụ thể, tạo ra những trào lưu, xu hướng tích cực với phương châm lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Khi triển khai thành công các chiến dịch truyền thông, Bộ TT&TT cũng tổ chức ngày hội để tôn vinh, vinh danh những cá nhân, đơn vị có sức ảnh hưởng trên mạng. Điều này đã truyền đi thông điệp, các nhà sáng tạo nội dung làm nội dung sạch sẽ được nhà nước vinh danh, được cộng đồng ghi nhận.
Cục PTTH&TTĐT cũng đã tổ chức xây dựng thế trận mạng với báo chí là dòng thông tin chủ đạo, định hướng dư luận, truyền thông xã hội sẽ cộng hưởng và lan tỏa thông tin chính thống từ báo chí.
“Một bài báo về người tốt việc tốt chỉ khoảng vài ngàn view, nhưng bằng các hình thức lan tỏa cộng hưởng của truyền thông xã hội, bài báo đó có đến 117.000 lượt like và 1.600 lượt bình luận”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nêu ví dụ.
Trong dịp quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có 36,6 triệu video tưởng nhớ Tổng Bí thư, đạt 967 triệu view. Trào lưu chào cờ yêu nước nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024 cũng được hưởng ứng từ các KOL và sau đó lan tỏa ra toàn xã hội.