Kể từ khi núi lửa Cumbre Vieja phun trào vào giữa tháng 9 đến nay, nham thạch đã bao phủ và gây thiệt hại gần 600 hecta đất. Sau khi đỉnh núi lửa sụp đổ một phần hôm 9/10, một dòng dung nham mới chảy ra phía biển, phá hủy các đồn điền trồng chuối, bơ và hầu hết ngôi nhà còn lại ở thị trấn Todoque trên đường đi.
Viện Núi lửa Quần đảo Canary cho biết trong 3 tuần kể từ khi vụ phun trào xảy ra, 1.186 ngôi nhà bị phá hủy và khoảng 6.700 người buộc phải sơ tán.
Dung nham tràn xuống lòng đường ở Los Llanos khi núi lửa Cumbre Vieja tiếp tục phun trào ở La Palma thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 13/10.
Dung nham từ núi lửa Cumbre Vieja lan đến sát một nhà máy xi măng vào hôm 11/10, sau đó "nhấn chìm" cơ sở này, tạo ra những đám khói lớn.
Theo Kế hoạch Khẩn cấp Núi lửa Quần đảo Canary (Pevolca), chính quyền địa phương hôm 12/10 ra lệnh cho 700-800 người dân ở La Laguna đi sơ tán. Họ mang theo đồ đạc và vật nuôi để chuẩn bị rời đi.
“Cả đời cả đời chúng tôi sống tại ngôi nhà đó và chúng tôi không thể thu thập hơn 30 năm chỉ trong vòng 5 phút", Enrique Gonzalez (50 tuổi) nói với Reuters.
"Chúng tôi buộc phải sơ tán dân. Dòng nham thạch đang tiến gần. Mọi người cần có thời gian để mang theo các vật dụng cần thiết và bất cứ thứ gì giá trị", Miguel Angel Morcuende, Giám đốc kỹ thuật của Pevolca, cho biết. Trong ảnh, lực lượng Vệ binh dân sự Tây Ban Nha đang giúp người dân sơ tán.
Người dân khẩn trương mang theo đồ đạc sơ tán để đề phòng dung nham từ núi lửa Cumbre Vieja lan tới khu vực sinh sống. Cùng ngày, Viện Địa chất Quốc gia Tây Ban Nha cho biết có tới 64 rung động địa chất. Cơn địa chấn mạnh nhất có độ lớn là 4,1 độ.
Hôm 12/10, các nhà chức trách cũng dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cho phép hơn 3.000 cư dân ra ngoài, sau khi đám khói bụi bao trùm hai ngôi làng do vụ phun trào núi lửa gây ra. Sân bay La Palma vẫn mở cửa, nhưng 11 chuyến bay bị hủy và nhiều chuyến khác phải hoãn, theo công ty vận hành AENA.
Minh An
Ảnh: Reuters