Dùng nước muối súc miệng đúng cách

Tôi thường pha muối với nước để súc miệng. Xin hỏi nước muối có tác dụng diệt khuẩn không và dùng thế nào cho đúng? Những trường hợp nào thì không nên dùng nước muối để súc miệng?

Nguyễn Tường Vi (Bắc Ninh)

Có thể nói súc miệng bằng nước muối là một phương pháp hiệu quả, rẻ tiền và dễ thực hiện để giảm đau và giảm các triệu chứng từ các điều kiện làm ảnh hưởng đến miệng và họng... Cụ thể: Làm giảm đau họng, giảm viêm loét miệng, giảm khó chịu do dị ứng, giảm bớt và ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp, cải thiện sức khỏe răng miệng... Thường xuyên súc miệng bằng nước muối có thể hỗ trợ loại bỏ vi khuẩn từ nướu, giúp làm sạch và ngăn ngừa sự tích tụ của mảng bám và cao răng. Sự tích tụ vi khuẩn trong miệng có thể dẫn đến bệnh nướu răng và sâu răng.

Nước muối có thể giết chết một số vi khuẩn chứ không phải là tất cả vi khuẩn có trong miệng và cổ họng. Tuy nhiên, khi súc miệng bằng nước muối chúng ta có thể đưa được một số lượng vi khuẩn, virus ra ngoài thông qua động tác súc miệng và nhổ dung dịch nước muối ra ngoài.

Nước muối có nồng độ là 0,9% là phù hợp nhất với cơ thể người. Nếu quá mặn hay quá nhạt đều không tốt. Để có nước muối sinh lý đạt chuẩn, bạn có thể mua ở bất kỳ các hiệu thuốc nào trên toàn quốc hoặc nếu tự pha cần đảm bảo: 1 lít nước đun sôi để nguội pha với 9g muối để có nồng độ 0,9%.

Trước khi súc họng cần súc miệng bằng nước trước. Cho một lượng nước muối vừa đủ vào miệng và súc sạch khoang miệng ít nhất 30 giây để loại bỏ vi khuẩn ở miệng. Khi súc họng nên ngửa cổ ra sau. Khi nước muối chạm thành sau họng, dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu “khò khò” đều đặn. Nên nhổ nước cũ đi rồi lặp lại động tác trên 3-4 lần với nước muối mới, cho đến khi họng không còn cảm giác vướng víu nữa. Sau khi súc miệng, họng xong bằng nước muối thì nên súc miệng lại bằng nước lọc để rửa hết lượng muối cũng như mảng bám đã bong ra...

Súc miệng bằng nước muối được coi là an toàn cho cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, những người gặp khó khăn khi súc miệng không nên sử dụng nước súc miệng, ví dụ như trẻ nhỏ... Những người bị tăng huyết áp hoặc những người có các điều kiện y tế khác cần hạn chế lượng natri (muối) nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nha sĩ trước khi súc miệng bằng nước muối.

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-nuoc-muoi-suc-mieng-dung-cach-n175552.html