Đừng 'ô dề thinking' để năm mới yên bình

'Ô dề thinking', tiếng lóng Gen Z dùng để chỉ tình trạng suy nghĩ quá mức (overthinking), cùng với làm việc quá sức có thể tác động xấu đến sức khỏe tinh thần trong năm mới.

 "Tham công tiếc việc" là tình trạng nguy hiểm đối với tâm lý người lao động. Ảnh minh họa: Kim Salt/Wall Street Journal.

"Tham công tiếc việc" là tình trạng nguy hiểm đối với tâm lý người lao động. Ảnh minh họa: Kim Salt/Wall Street Journal.

Bước vào năm mới sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, nhiều người có thói quen lên danh sách các mục tiêu cần thực hiện, bao gồm tập thể dục nhiều hơn, làm việc nhiều hơn, tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn.

Tuy nhiên, các mục đích này dễ dàng chuyển hóa thành áp lực khi những người thực hiện suy nghĩ quá mức, làm việc quá sức hay quá nỗ lực đạt thành tích, theo Wall Street Journal.

 Sự sợ hãi là nguyên nhân của tình trạng làm việc, suy nghĩ quá mức. Ảnh minh họa: Pexels/Felicity Tai.

Sự sợ hãi là nguyên nhân của tình trạng làm việc, suy nghĩ quá mức. Ảnh minh họa: Pexels/Felicity Tai.

Bắt nguồn từ nỗi sợ

Nhà tâm lý học thần kinh Julia DiGangi cho rằng sự quá đà thường bắt nguồn từ tâm lý sợ hãi, bất an.

Ví dụ, khi tưởng tượng ra viễn cảnh sếp nổi cáu vì chưa hoàn thành nhiệm vụ, nhân sự dễ dàng lao đầu vào công việc để đáp ứng mong muốn của cấp trên.

Như vậy, nỗi sợ tạo nên việc lao động quá sức dễ dàng tác động xấu đến tâm lý, gây hại cho sức khỏe tinh thần.

Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm sai lầm rằng nỗ lực đạt thành tích tốt là động lực giúp nâng cao hiệu suất làm việc.

Theo phân tích tổng hợp năm 2018 được thực hiện trên 25.000 người do tiến sĩ Dana Harari, đến từ Đại học nghiên cứu Technion (Haifa, Israel), và đồng nghiệp thực hiện, không có mối liên hệ nào giữa chủ nghĩa cầu toàn của những người đạt thành tích vượt mức và hiệu suất thực tế.

Nói cách khác, việc luôn phấn đấu để trở thành người tốt nhất không làm cho bạn trở thành người tốt nhất. Traíi lại, việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất.

Không chỉ làm việc quá sức, suy nghĩ quá mức cũng tạo ra nhiều hệ lụy. Theo nhà tâm lý học thần kinh Julia DiGangi, nhiều người tin rằng khi nghĩ nhiều hơn, họ có thể giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh điều ngược lại. Việc nghĩ quá nhiều về một số tình huống khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn, kéo dài quá trình ra quyết định.

Mối quan hệ giữa các cá nhân cũng dễ dàng bị đứt gãy nếu người trong cuộc suy diễn về những mâu thuẫn, khúc mắc.

 Đặt ranh giới, giảm thiểu áp lực từ môi trường xung quanh là chiến lược có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh. Ảnh minh họa: Pexels/Mikhail Nilov.

Đặt ranh giới, giảm thiểu áp lực từ môi trường xung quanh là chiến lược có thể áp dụng trong nhiều hoàn cảnh. Ảnh minh họa: Pexels/Mikhail Nilov.

Làm thế nào để không ‘quá mức’?

Để tránh đẩy bản thân vào tình trạng suy nghĩ và hành động nhiều hơn mức cần thiết, bạn cần tuân thủ một số chiến lược, theo Wall Street Journal.

Thứ nhất, bạn cần đặt ra một ranh giới, chấp nhận cảm giác lo lắng, sợ hãi trong một thời gian để không vượt qua ranh giới đó. Ví dụ, bạn có thể tự quy định không trả lời tin nhắn, email công việc sau 19h.

Ban đầu, bạn dễ dàng cảm thấy lo lắng về tiến độ công việc, khả năng bỏ qua tin nhắn quan trọng, khiến sếp nổi giận. Tuy nhiên, khi biến hành vi này thành thói quen, nỗi sợ trong bạn sẽ giảm dần.

Khi lặp đi lặp lại hành động tắt điện thoại hoặc để chế độ máy bay sau 19h, bạn sẽ dần quen, không còn cảm thấy việc này nguy hiểm nữa.

Thứ hai, nhà tâm lý học thần kinh Julia DiGangi khẳng định rằng bạn không có nhiệm vụ làm hài lòng người khác. Ví dụ, khi bạn ngừng đáp ứng một số nhu cầu của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, họ dễ dàng nổi cáu, tức giận với bạn. Đó là phản ứng hoàn toàn tự nhiên.

Tuy nhiên, hệ quả của việc tự bảo vệ bản thân không nghiêm trọng như bạn nghĩ. Việc chịu đựng những cảm xúc tiêu cực khi làm việc quá sức, tham gia các hoạt động xã hội quá mức để làm vui lòng những người xung quanh mới ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

Thứ ba, bạn cần giảm thiểu áp lực từ môi trường xung quanh. Nhiều người nghĩ quá mức, làm quá sức để cạnh tranh với người khác. Cảm giác bất an của họ bắt nguồn từ sự so sánh, đối chiếu.

Để duy trì cảm giác an toàn nội tại lâu dài, bạn cần học cách chấp nhận, hài lòng với bản thân thay vì liên tục tranh đấu với bạn bè, đồng nghiệp.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://znews.vn/dung-o-de-thinking-de-nam-moi-yen-binh-post1452490.html