Dùng phanh tay ô tô đúng lúc, đúng chỗ để đảm bảo an toàn
Nhiều người dùng cho rằng, phanh khẩn cấp (thường mang tên gọi dân dã là 'phanh tay') không còn cần thiết trên ô tô hiện đại. Tuy nhiên, không phải tự nhiên các nhà sản xuất vẫn tích hợp cơ chế 'cũ kỹ' này, và việc tự hình thành thói quen sử dụng phanh khẩn cấp luôn đem lại nhiều ích lợi.
Nhiều người nghĩ rằng phanh khẩn cấp là thừa, nhưng sự chủ quan có thể đem tới nhiều hậu quả.
Khi xe của bạn được trang bị số tay
Nếu xe ô tô hay xe tải sử dụng số tay (số sàn), một trong những kỹ năng cơ bản khi dừng xe là ngay lập tức kéo phanh khẩn cấp. Ngoài ra, khi đỗ xe trên đường dốc, người lái cũng nên gài số thấp. Tuy nhiên, cần lưu ý kéo phanh khẩn cấp trước khi vào số để tránh hại hộp số.
Cài phanh khẩn cấp kết hợp đánh lái đúng hướng giúp xe không bị trôi khi đỗ trên dốc.
Nếu xe đỗ ở tư thế mũi hướng lên phía trên dốc, tài xế nên cài số 1 và đánh lái về phía trái. Như thế, nếu bị trôi, xe sẽ “mắc kẹt” vào vỉa hè. Tương tự như vậy, nếu đỗ cắm mũi về phía dưới dốc, tài xế nên cài số lùi và đánh lái về phía vỉa hè (phía phải). Dĩ nhiên, cả hai hướng thao tác này sẽ không đảm bảo tuyệt đối tránh được việc xe bị trôi trượt, đặc biệt là với đường trơn hoặc bộ côn - số của xe đã cũ, nhưng chắc chắn sẽ giảm đáng kể rủi ro.
Với xe sử dụng hộp số tự động
Tương tự như xe số tay, việc sử dụng phanh khẩn cấp trước khi về số P (dừng đỗ) là rất quan trọng. Cụ thể, người lái nên đưa xe về số N, cài phanh khẩn cấp, rồi mới về P. Dù nghe có vẻ rắc rối, nhưng việc tạo thành thói quen này lại rất đơn giản và có lợi cho chiếc xe.
Một số dòng xe đời mới (đặc biệt là xe sang) thay cơ cấu kéo tay của phanh khẩn cấp bằng hệ thống điều khiển điện tử tiện dụng hơn.
Thực tế, ít người sử dụng phanh khẩn cấp khi đỗ các dòng xe có số tự động trên mặt đất bằng phẳng vì cho rằng điều này không cần thiết. Tuy nhiên, việc sử dụng phanh thường xuyên sẽ giúp cơ cấu phanh không bị han rỉ, khô sét sau một thời gian dài “rảnh rỗi”, và có thể vô tác dụng khi tài xế cần đến nhất.
Trong tình huống khẩn cấp
Không phải tự nhiên các nhà sản xuất ô tô gọi tên “phanh khẩn cấp”. Đây là giải pháp phanh với kết cấu cơ khí đơn giản, dự phòng cho các loại phanh chính của ô tô. Việc không chứa các thành phần phức tạp khiến phanh khẩn cấp rất bền bỉ và luôn sẵn sàng vận hành khi có tình huống xấu xảy ra.
Thực tế, không ít người lái khi di chuyển trên phố và bị mất phanh chính đã dừng được xe bằng cách duy trì sự bình tĩnh, xi nhan xin đường vào vỉa hè, rồi từ tốn đánh lái và kéo phanh khẩn cấp để hãm tốc và dừng hẳn.
Khi đang sửa chữa xe
Trong một ngày đẹp trời, bạn quyết định lôi chiếc xe của mình ra để tự thay nước làm mát, dầu mỡ hay tháo bánh xe kiểm tra các chi tiết chuyển động? Đây là điều rất tốt, nhưng hãy luôn nhớ kéo phanh khẩn cấp trước tiên để đảm bảo chiếc xe không bất ngờ chuyển động, rất nguy hiểm, dễ dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, hãy đảm bảo bốn bánh xe luôn tiếp đất một cách hoàn hảo.
Sử dụng phanh tay giúp việc thay lốp xe dễ dàng và an toàn hơn.
Cũng cần biết rằng, một số thao tác như thay bánh xe khi gặp sự cố (kéo tay phanh trước khi vặn ốc), cũng như khi sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống phanh… sẽ dễ dàng hơn nhiều khi người lái biết sử dụng phanh khẩn cấp đúng lúc.
Luôn giữ cho phanh khẩn cấp trong tình trạng vận hành tốt nhất
Việc nhớ sử dụng phanh khẩn cấp khi cần thiết cũng quan trọng như việc nhớ nhả cơ chế này khi xe di chuyển. Nếu vẫn gài phanh khẩn cấp và đạp ga, chiếc xe sẽ rất ồn ào, tốn xăng, chạy bị giật hoặc thậm chí đứng yên (nếu phanh còn tốt), trong khi các má phanh sau sẽ mòn đi nhanh chóng.
Ngoài ra, để đảm bảo cho phanh khẩn cấp luôn ở tình trạng tốt, bên cạnh sử dụng thường xuyên như đề cập ở trên, người lái xe cũng cần hạn chế kéo phanh quá sớm khi xe chưa dừng hẳn (trong các tình huống thông thường hằng ngày), đồng thời cũng nên kéo tay phanh một cách từ tốn, với lực vừa phải.