Đừng sáp nhập một cách cơ học

Phát biểu tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sắp tới một số môn nghệ thuật truyền thống có thể dừng đào tạo do không thể tuyển sinh, không có người học. Cùng đó, câu chuyện sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Hơn 5 năm qua, tiến hành đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành sáp nhập các nhà hát, đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc hợp nhất với các trung tâm văn hóa thành một đầu mối; có đơn vị chuyển hẳn sang hình thức ngoài công lập.

Tới nay đã có 9 tỉnh, thành sáp nhập các đơn vị nghệ thuật sân khấu vào trung tâm văn hóa, điện ảnh; 5 tỉnh sáp nhập các đơn vị sân khấu với ca múa nhạc; 7 tỉnh sáp nhập các đơn vị tuồng, chèo, cải lương, kịch nói vào thành một đơn vị; 1 địa phương sáp nhập nghệ thuật múa rối và xiếc.

Số đầu mối đơn vị nghệ thuật đã giảm khoảng 20% so với trước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị nghệ thuật một cách máy móc phần lớn không đạt hiệu quả, dẫn đến tình trang “nghiệp dư hóa” nghệ thuật chuyên nghiệp, khi mà họ mất đi khả năng chuyên sâu.

Đáng lo ngại là nhiều địa phương sau sáp nhập các đoàn nghệ thuật thì các vở diễn truyền thống gần như không còn. Tuồng, chèo, cải lương… dần mất bóng. Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng sự thiếu cẩn trọng, máy móc, lắp ghép một cách cơ học khi sắp xếp, hợp nhất đang phá vỡ sân khấu truyền thống vì mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng, không thể trộn lẫn vào nhau được.

Để các bộ môn nghệ thuật truyền thống thuộc kịch hát dân tộc không bị “nghiệp dư hóa” và phát huy được giá trị trong đời sống xã hội hiện tại vẫn đang là vấn đề nhiều trăn trở. Xã hội hóa là cần thiết, cơ chế tự chủ cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật là cần thiết, nhưng cái gì cần bảo tồn thì nhất định phải được đầu tư toàn diện, làm đến nơi đến chốn.

Tại Liên hoan các trích đoạn sân khấu hay toàn quốc, có tới 6 trích đoạn được phóng tác từ tác phẩm Chí Phèo, tất cả đều giống nhau từ hóa trang, phục trang, đạo cụ, tiếng nói… Có trích đoạn gọi là chèo nhưng thực chất là kịch nói lồng vào mấy làn điệu chèo. Điều đó cho thấy đã xuất hiện sự dễ dãi trong làm nghệ thuật truyền thống mà nếu không thận trọng thì sẽ càng đẩy các loại hình nghệ thuật này vào chỗ bế tắc hơn.

Trở lại vấn đề, nói như ông Nguyễn Đăng Chương - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thì việc sáp nhập thời gian qua đồng nghĩa với sự tồn tại của nhiều loại hình nghệ thuật trong một đơn vị, tạo nên sự bế tắc, bùng nhùng trong công tác chỉ đạo điều hành của tập thể lãnh đạo. Lãnh đạo đơn vị không xác định được phương hướng để định hướng nghệ thuật.

Việc sáp nhập cơ học các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật của nhiều địa phương vô hình chung đã “biến” nghệ sĩ biểu diễn trở thành diễn viên đa năng, nhưng lại mất khả năng chuyên sâu thuộc loại hình nghệ thuật được đào tạo. Nhiều năm học chèo xong về lại được phân hát cải lương, tân nhạc… thì thật uổng công.

Mà như thế, việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa dân tộc sẽ càng thêm khó khăn.

AN NHIÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dung-sap-nhap-mot-cach-co-hoc-10288765.html