"Dũng sĩ tái chế" là một dự án hoạt động vì môi trường. Hoạt động chính của nhóm đúng như tên gọi, thu gom các đồ vật cũ và tái chế thành nhiều sản phẩm sáng tạo, thân thuộc và hữu dụng.
Vừa qua, nhóm thực hiện dự án thu gom vỏ bao mì tôm và tiến hành tái chế loại vật liệu khó này thành các sản phẩm như đĩa, bình hoa, túi xách...
Theo Cao Thị Sao Mai, người sáng lập nhóm "Dũng sĩ tái chế": “Để phòng, chống dịch Covid-19, mọi người ở nhà nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng nhiều hơn nên nhóm nghĩ đây là lúc có thể dành thời gian để thu gom các vật phẩm sau sử dụng. Do đó, chiến dịch tái chế xuyên mùa dịch ra đời. Chúng tôi nhận thu gom từ vỏ mì ăn liền, bìa carton, chai nhựa hoặc thủy tinh, lon bia tới quần áo cũ... để làm đồ tái chế".
Chia sẻ về dự án thu gom vỏ mì tôm, Sao Mai cũng cho biết thêm, do dịch Covid-19 nên dự đoán lượng vỏ mì tôm tăng cao, vì thế nhóm đã nghiên cứu và nghĩ tới việc thu gom, tái chế vỏ mì tôm. Hiện nay, do chi nhánh tại Huế đang tạm dừng nên toàn bộ số vỏ mì tôm thu gom trong thời gian qua được tập kết tại “đại bản doanh” của nhóm ở khu chung cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Hiện tại nhóm mới chỉ nghiên cứu và thực hiện một số mẫu vật dụng đơn giản như đĩa, đồ đựng, túi xách, bình hoa… và kí gửi tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Các sản phẩm bán được sẽ đưa vào quỹ trồng cây, cải tạo môi trường, các dự án môi trường mà nhóm sẽ tham gia trong thời gian tới.
“Những vỏ mì tôm phải được xử lý phẳng phiu bằng bàn là rồi cuộn chặt lại, sau đó mới tạo hình. Điều khó khăn nhất đó là tính chất của nó khiến cho việc tái chế, tạo hình không hề dễ dàng. Hiện tại, nhóm chúng tôi mới đang thực hiện các mẫu đơn giản" - Sao Mai cho biết thêm.
Các "dũng sĩ tái chế" cho biết vỏ mì tôm sau khi xử lí nhiệt sẽ có nhiều tính chất tương tự như giấy cứng. "Chúng tôi dự định sẽ ép chồng 4-5 lớp vỏ mì tôm xử lí nhiệt để gia tăng độ cứng. Cái gì giấy làm được thì vỏ mì tôm cũng sẽ làm được tương tự như vậy" - người sáng lập dự án chia sẻ.
Ngoài vỏ mì tôm, nhóm thực hiện tái chế chủ lực là các sản phẩm từ vải cũ, quần áo cũ, vải jean...
Hiện tại, nhóm có 20 thành viên nòng cốt chưa kể cộng tác viên. Những sản phẩm tái chế của dự án được mọi người đón nhận rất tích cực. Rất nhiều người đặt mua để ủng hộ cũng như sử dụng các sản phẩm đó trong cuộc sống.
Thời gian đầu dự án gặp nhiều khó khăn như: Nhân lực, việc thu gom rác thải, chi phí vận chuyển các chai thủy tinh, nơi để đồ… đặc biệt là cách tạo ra các sản phẩm tái chế sao cho đẹp và được nhiều người đón nhận. Nhóm đã cùng nhau thử nghiệm và cải tiến dần sản phẩm.
Đến nay, "Dũng sĩ tái chế" cũng đã có nhiều hoạt động gây tiếng vang và dần lan tỏa lối sống tích cực, bảo vệ môi trường sống.
Nói về trào lưu sống xanh hiện nay, Sao Mai cho biết, việc bảo vệ môi trường sống thực chất phải là lối sống chứ không nên là trào lưu. Theo Sao Mai, “Dũng sĩ tái chế” được thành lập với mong muốn cùng cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động thiết thực chứ không phải chỉ bằng các hoạt động tượng trưng hay hô khẩu hiệu.
Khánh Huy