'Đừng soi mói, hãy nhìn vào những việc Thủy Tiên đã làm…'
Nhiều người đang băn khoăn chuyện lòng tốt của Thủy Tiên đang vướng vào một số quy định của pháp luật và về tính hợp pháp của hoạt động cứu trợ tự phát gần đây.
Sau nhiều ngày kêu gọi quyên góp để ủng hộ giúp đỡ những người dân chịu ảnh hưởng của lũ lụt ở miền Trung, ca sĩ Thủy Tiên cho biết, số tiền cô nhận được đến nay là hơn 100 tỷ đồng. Hiện tại, Thủy Tiên đã về Tp.HCM để nghỉ ngơi vài ngày trước khi quay ra miền Trung để cứu trợ tiếp cho bà con vùng lũ.
Hoạt động từ thiện của cá nhân hay tổ chức luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc ta. Đây là một điều đáng được khuyến khích, hoan nghênh. Song việc làm từ thiện như thế nào cho đúng đắn, mỗi cá nhân làm từ thiện phải tuân thủ những quy định nào của pháp luật là điều chúng ta phải quan tâm. Bởi lẽ, không chỉ trong đợt mưa lũ nặng nề mà miền Trung đang phải gánh chịu lần này mà rất nhiều những thiên tai, dịch bệnh khác, nhiều nhà hảo tâm đã đứng lên quyên góp tiền của để ủng hộ nhân dân nhưng lại bị nhiều người nhìn nhận với ánh nhìn kỳ thị bởi họ sợ, nhiều người sẽ vì danh nghĩa làm từ thiện để đánh bóng tên tuổi, để tư lợi cá nhân.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: “Đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2019/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện ngày 25/11/2019. Theo đó: Quỹ là tổ chức phi chính phủ do cá nhân, tổ chức tự nguyện góp một phần tài sản nhất định để thành lập hoặc thành lập thông qua di chúc, hiến, tặng tài sản thành lập quỹ, có mục đích tổ chức, hoạt động theo quy định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ. Quỹ từ thiện là quỹ được tổ chức, hoạt động với mục đích hỗ trợ khắc phục sự cố do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn và các đối tượng khác thuộc diện khó khăn, yếu thế cần sự trợ giúp của xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Quỹ xã hội, quỹ từ thiện do công dân, tổ chức Việt Nam thành lập phải đảm bảo tài sản đóng góp thành lập quỹ được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam như sau: Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có 6,5 tỷ đồng (quy định cũ chỉ yêu cầu quỹ có 05 tỷ đồng); Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh có 1,3 tỷ đồng; Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện có 130 triệu đồng; Quỹ hoạt động trong phạm vi cấp xã có 25 triệu đồng”.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm: “Nghị định này cũng bổ sung những hành vi nghiêm cấm trong việc thành lập và tổ chức các hoạt động của quỹ như sử dụng ngân sách Nhà nước, sử dụng hoặc hỗ trợ tài sản được ngân sách Nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh thì Nghị định này quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện (sau đây gọi chung là quỹ) được thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái. Chỉ khi nào các cá nhân, tổ chức nhận ủy quyền nhưng không thực hiện việc chuyển tài sản đến cho người dân nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Nói về cơ chế giám sát của pháp luật đối với việc làm từ thiện của cá nhân, luật sư Bình cũng cho biết, hiện nay không có cơ chế nào giám sát vấn đề này theo luật định. Pháp luật chỉ giám sát cơ chế hoạt động của quỹ từ thiện. Do đó, khi các "mạnh thường quân" muốn làm từ thiện, quyên góp ủng hộ để giúp đỡ người dân gặp khó khăn nên lựa chọn các tổ chức, cá nhân uy tín, làm việc thiện phải xuất phát từ cái tâm. Và từ trước đến nay, những người nổi tiếng, có uy tín thường kêu gọi được nhiều tiền ủng hộ vì họ được nhiều người tin tưởng.
Nói về những ý kiến trái chiều khi Thủy Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ làm từ thiện, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư HN) chia sẻ: “Pháp luật không cấm hoạt động từ thiện, thậm chí còn khuyến khích. Hoạt động từ thiện có thể đơn giản chỉ là việc tặng, cho tài sản của người có tài sản với người đang có nhu cầu. Cũng có thể hoạt động từ thiện thông qua các cá nhân, tổ chức. Cá nhân, tổ chức đó sẽ là bên trung gian để kêu gọi, thúc đẩy hoạt động từ thiện diễn ra thuận lợi hơn, quy mô hơn, hiệu quả hơn góp phần đảm bảo nhu cầu về vật chất, tinh thần cho những người đang gặp khó khăn, hoạn nạn, những người yếu thế trong xã hội. Đây là vấn đề đạo đức xã hội và pháp luật cũng ghi nhận, đảm bảo cho hoạt động này được diễn ra đúng mục đích, đúng ý nghĩa.
Tuy nhiên, nếu không có bên thứ 3, bên trung gian đưa ra các thông tin về nhu cầu từ thiện, nhu cầu hỗ trợ và không có người đứng ra tổ chức tiếp nhận tài sản, đứng ra quyên góp tài sản và phân phối tài sản, thì hoạt động tự nguyện tự phát thường không đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo tôi, hoạt động kêu gọi ủng hộ quyên góp cho đồng bào đang gặp khó khăn như nữ ca sĩ Thủy Tiên và một số tổ chức, cá nhân khác đang thực hiện là rất tốt và phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, phù hợp với đạo đức xã hội nên cần phải phát huy và tạo điều kiện để những hoạt động này được lan tỏa và phát huy những giá trị nhân văn trong bối cảnh nhiều người dân miền Trung đang gặp khó khăn như hiện nay. Những quy định pháp luật không còn phù hợp có thể là những rào cản cho những hoạt động thiện nguyện nên cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hoặc có những hướng dẫn cụ thể để tránh những tranh cãi không đáng có”.
Đừng soi mói, hãy nhìn vào những việc Thủy Tiên đã làm…
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc Hội cho PV hay: “Việc làm của Thủy Tiên là đáng biểu dương, Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, dù quy định nào thì cũng có sự linh hoạt. Nếu dân kêu gọi lập quỹ, hình thành các quỹ tài chính để phục vụ cho lợi ích của cá nhân thì không thể chấp nhận. Nhưng khi họ dùng uy tín, tấm lòng kêu gọi ủng hộ, đó là điều không phải ai cũng làm được. Chúng ta nhìn lại để thấy rằng quy định về việc này đã lỗi thời, cần rà soát, sửa đổi cho phù hợp thực tiễn.
Với số tiền lớn hơn 100 tỷ đồng, Thủy Tiên và đoàn thiện nguyện cần thận trọng để tránh thất lạc, mất mát cũng như tránh những chuyện không may có thể xảy ra. Đoàn từ thiện có thể liên hệ với cơ quan công an, các lực lượng bảo vệ pháp luật ở địa phương để được hỗ trợ, giúp đỡ, đảm bảo an ninh, an toàn”.
Nói về chuyện từ thiện của Thủy Tiên, chuyên gia Văn hóa Lê Xuân Hương cho biết: “Phải nói rằng, Thủy Tiên là một người rất có uy tín khi một mình mà kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng để ủng hộ miền Trung lũ lụt. Số tiền lớn, chứng tỏ nhiều người đồng lòng với cô ấy mà nhờ cô ấy là “sứ giả” để chuyển tấm lòng của mình đến tới tay người dân vùng lũ. Một cá nhân hoàn toàn có thể kêu gọi được, nhưng một người điều hành 100 thì cần một cái đầu “lạnh” tỉnh táo và khoa học thì mới có có một kế hoạch dài lâu để làm từ thiện được."
Danh hài Chiến Thắng cho PV hay: “Thủy Tiên làm từ thiện ở vùng lũ những ngày vừa qua là minh chứng cho việc nghệ sĩ có uy tín, được khán giả tin tưởng, gửi gắm tấm lòng của mình. Theo tôi đây là câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng cho nhiều người về việc từ tâm, giúp đỡ người nghèo khó, vất vả hơn mình. Mỗi người có 1 cách và theo khả năng, tầm ảnh hưởng, sức lực của mình. Chúng ta nên dành sự yêu quý, tôn vinh cho những người như Thủy Tiên. Tôi được biết, không chỉ lần này cô ấy mới làm từ thiện mà thường xuyên âm thầm giúp đỡ bà con vùng sâu vùng xa rồi. Đó là nghĩa cử cao đẹp, cần nhân rộng.
Tôi tin rằng, Thủy Tiên không vi phạm pháp luật, bởi bản chất của việc mọi người ủng hộ tiền gửi cô ấy chính là việc: Cho, tặng tài sản. Thủy Tiên là bên trung gian nhận vận chuyển và giao tài sản. Việc giao dịch hoàn toàn hợp pháp, tự nguyện. Cô ấy không vi phạm điều cẩm của luật, không lừa đảo, không vụ lợi, không trái đạo đức xã hội nên không trái luật. Chúng ta đừng soi mói, hãy nhìn vào những việc Thủy Tiên đã làm…”.
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương sửa quy định về quyên góp, hỗ trợ
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xây dựng Nghị định mới thay thế cho Nghị định 64/2008/NĐ-CP.
Ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân, tại phiên họp thường kỳ tháng 8 năm 2020, Chính phủ đã thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, xây dựng Nghị định nêu trên để thay thế Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi trách nhiệm của mình khẩn trương phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động cứu trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm minh bạch, khách quan, công bằng giữa các đối tượng hưởng cứu trợ....
Tại Điều 5 của Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định 3 nhóm tổ chức, đơn vị được phép tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ, gồm:
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; báo, đài của trung ương, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.
Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập, hoạt động theo quy định.
Các tổ chức, đơn vị ở trung ương được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho phép; các tổ chức, đơn vị ở địa phương được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện cho phép.
Ngoài các đơn vị nêu trên, Nghị định 64/2008/NĐ-CP nhấn mạnh không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.