Đừng tạo áp lực quá nhiều cho con cái

Thời gian gần đây, ở các địa phương trong cả nước xảy ra liên tiếp những vụ học sinh phổ thông tự tử do áp lực trong học tập, để lại những nỗi đau cho gia đình, sự bàng hoàng của dư luận. Do đó, các bậc phụ huynh cần lắng nghe, đồng hành, khuyến khích con cái nhiều hơn, đừng tạo áp lực và đặt quá nhiều kỳ vọng trong việc học tập với con cái.

Học nhiều mệt lắm!

Trong giờ đợi đón con tan trường, tôi vô tình bắt chuyện với em Nguyễn Thị H, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Gia Nghĩa) cũng đang đợi đón đứa em về.

Hỏi về chuyện học tập, em H chia sẻ: “Học nhiều mệt lắm cô à, ngày nào, cháu cũng phải học cả buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, rồi học thêm nữa nên đuối luôn, gần như không tiếp thu nổi, lắm lúc không nhớ gì luôn. Cũng may là có một số buổi chiều học môn thể dục thì đầu óc đỡ mệt hơn. Bây giờ, cháu xin được bố mẹ bỏ bớt học thêm Toán, chỉ học thêm một buổi Anh văn để củng cố kiến thức vì cũng yêu thích bộ môn này, còn lại xin đi học đàn guitar”.

 Việc kỳ vọng quá nhiều của phụ huynh, thầy cô giáo có thể tạo áp lực nặng nề đối với học sinh

Việc kỳ vọng quá nhiều của phụ huynh, thầy cô giáo có thể tạo áp lực nặng nề đối với học sinh

Qua lời tâm sự, tôi thầm nghĩ, may mà em biết cách điều chỉnh và cũng may bố mẹ đã ủng hộ về sự điều chỉnh ấy của em. Hiện nay, không khó để thấy nhiều bố mẹ đặt lịch học cho con gần như kín cả thời gian trong ngày, từ học chính khóa, học thêm, học năng khiếu… Thậm chí, chính bố mẹ cũng là người vất vả trong đưa đón con đi học.

Giật mình nhìn lại

Gần đây, việc học sinh tự tử do bị trầm cảm, do áp lực học tập diễn ra liên tiếp. Vụ việc một học sinh nam Trường THPT chuyên Amsterdam (Hà Nội) tử vong vì nhảy từ tầng 28 xuống đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Trước đó, vào cuối năm 2021, một bé trai 12 tuổi ở chung cư Goldmark City, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã rơi từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong, nguyên nhân chính do áp lực việc học hành, làm bài thi không tốt nên đã bất ngờ nhảy từ tầng 22 xuống.

 Trong độ tuổi phổ thông, các em đang tìm hiểu chính mình nên rất cần bố mẹ, thầy cô giáo hiểu, đồng hành

Trong độ tuổi phổ thông, các em đang tìm hiểu chính mình nên rất cần bố mẹ, thầy cô giáo hiểu, đồng hành

Đến ngày 23/3/2022, dư luận lại tiếp tục bàng hoàng khi nữ sinh lớp 9 đã tử vong sau khi rơi từ tầng 26 chung cư ở Hà Nội. Được biết, sáng cùng ngày, em đi học về trong tâm trạng không vui, sau đó chia sẻ với chị gái về việc học tập thì đến tối đã xảy ra vụ việc đau lòng.

Gần đây nhất 31/3, một nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh đã tìm đến cái chết bằng cách treo cổ tại nhà. Theo thông tin, trước đó em có dấu hiệu trầm cảm. Ngày 4/4, một học sinh nam Trường THCS Lê Hồng Phong ở quận Hà Đông (Hà Nội) tử vong khi rơi xuống từ tầng 18 khu chung cư. Nghi vấn ban đầu được cho là liên quan đến áp lực học hành. Từ những vụ việc trên, nhiều phụ huynh ở Đắk Nông có con đang độ tuổi phổ thông cũng phải giật mình nhìn lại.

 Cần tạo nhiều hơn môi trường vui chơi lành mạnh để trẻ có thể phát huy khả năng của mình

Cần tạo nhiều hơn môi trường vui chơi lành mạnh để trẻ có thể phát huy khả năng của mình

Cần thấu hiểu hơn

Các em bậc phổ thông là độ tuổi đang chưa định hình được bản thân, nếu không có sự quan tâm sâu sát, lắng nghe của phụ huynh, giáo viên dễ dẫn đến những suy nghĩ không đúng hướng. Theo một khảo sát mới đây thì có đến trên 54% học sinh cho rằng bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, muốn các em học tốt hơn, hoặc trở thành người giỏi hơn.

 Vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng trong phát triển mọi mặt của trẻ từ thể chất đến tinh thần, trí lực

Vai trò của gia đình, nhà trường rất quan trọng trong phát triển mọi mặt của trẻ từ thể chất đến tinh thần, trí lực

Cô giáo Nguyễn Thị Sơn, Trường THCS Nâm N'đir, xã Nâm Nâm N'đir (Krông Nô) chia sẻ: "Mỗi em có những tư chất, khả năng khác nhau nên việc bố mẹ định hướng có tính áp đặt con đi theo một con đường đã lập trình sẵn là không phù hợp. Các em chỉ cảm thấy hạnh phúc và phát triển tốt nhất khi được học môn yêu thích và làm công việc mà mình đam mê. Do đó, các bậc phụ huynh cần lắng nghe, đồng hành, khuyến khích con cái nhiều hơn là đặt quá nhiều kỳ vọng".

Theo thầy giáo Phan Sĩ Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa), đối với những học sinh cuối cấp thì sự lo lắng, căng thẳng sẽ càng nhiều hơn vì các em đối diện với các kỳ thi quan trọng sắp tới. Vì vậy, trường quán triệt giáo viên, tổ chức đoàn thể tăng cường lồng ghép các hoạt động ngoại khóa để giáo dục, định hướng, giúp các em có những suy nghĩ tích cực. Giáo viên cố gắng gần gũi, hỗ trợ, không để các em tụt lại kiến thức, tạo áp lực..

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền

6,385

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/giao-duc-dao-tao/dung-tao-ap-luc-qua-nhieu-cho-con-cai-92364.html