Nếu 3 công khai tái diễn sai sót: Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu trường ĐH

Theo các chuyên gia, nếu tiếp tục có sai sót trong báo cáo 3 công khai, trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học.

Thời gian qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết thông tin về tình hình thực hiện báo cáo 3 công khai của các trường đại học, học viện, theo quy định của Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tin trong bài viết cho thấy, một số lỗi cơ bản mà nhiều cơ sở giáo dục đại học gặp phải như: nhầm lẫn số liệu, kê khai không nhất quán, có những sai sót trong thông tin, yêu cầu quyền truy cập... Những điều này cũng đã được đại diện các cơ sở giáo dục đại học thừa nhận khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Công khai chưa đúng thể hiện việc không trung thực

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội cho rằng: “Trên thực tế, đâu đó vẫn có tình trạng công khai chưa phản ánh đúng thực chất về điều kiện thực tế của nhà trường. Đó chính là thể hiện cho sự không trung thực và khách quan so với bản thân nguồn lực của nhà trường”.

 Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: M.T.

Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội. Ảnh: M.T.

Theo ông Lê Như Tiến, cơ quan quản lý nhà nước nên thanh tra, kiểm tra một cách nghiêm túc để có những chấn chỉnh kịp thời, không thể để những thông tin trong báo cáo công khai không phản ánh đúng thực tiễn tại trường, còn sai sót, nhầm lẫn trong số liệu.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến kết quả đào tạo hằng năm của các nhà trường, xem có báo cáo chuẩn xác, phản ánh đúng chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học đó hay không. Cần khảo sát và đánh giá một cách trung thực về chất lượng đào tạo, xem nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp ra trường, có được xã hội đón nhận, năng lực, kiến thức có đủ đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động hay không? Vì hiện nay đều kê khai đạt gần 100% có việc làm sau tốt nghiệp nhưng đúng chuyên môn như thế nào thì không được thống kê.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cũng bày tỏ: “Tôi cho rằng, khi đã có quy định phải công khai, minh bạch các thông tin để người học cũng như toàn xã hội được biết và nâng cao khả năng giám sát, các cơ sở giáo dục đại học cần phải nghiêm túc thực hiện. Một phần nào đó, những công khai này về nhà trường sẽ trở thành “kênh” thông tin hữu hiệu cho các thí sinh tiếp cận một cách chính thống, giữa bạt ngàn những tin tức trên mạng xã hội...

Thời gian qua, theo phản ánh của báo chí, cũng cho thấy một số trường hợp cơ sở giáo dục đại học đã thừa nhận có nhầm lẫn, sơ suất, thiếu sót trong việc thống kê, xử lý số liệu và tổng hợp thông tin trong các báo cáo công khai của nhà trường.

Về điều này, tôi cho rằng, việc tập hợp và kê khai các thông tin, số liệu cần phải được làm một cách cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực và khách quan, để người học và xã hội có căn cứ, đánh giá chính xác về điều kiện thực tế, chất lượng của nhà trường.

Khi đó, cần kiểm điểm trách nhiệm người cung cấp thông tin. Tuy nhiên, ở đâu đó có bất kỳ sai sót nào, tôi cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cao nhất, chứ không phải chỉ nằm ở cán bộ kê khai, bởi người làm lãnh đạo phải có nhiệm vụ kiểm duyệt thông tin trước khi đăng tải”.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: quochoi.vn.

Vị đại biểu cũng nhấn mạnh: “Thời gian qua, những vấn đề sai sót trong báo cáo 3 công khai của các cơ sở giáo dục đại học đã được báo chí nêu ra và chỉ điểm rõ ràng. Đó giống như một bài học kinh nghiệm để các nhà trường nhìn lại công tác công khai thông tin của mình”.

“Chính vì vậy, trong lần công khai thông tin tới đây (cụ thể là ngay trong báo cáo công khai của năm học 2023-2024 - PV), không thể nói lại tiếp tục lặp lại những lỗi sai tương tự bởi lẽ khi đã được chỉ ra lỗi sai thì phải biết sửa, biết khắc phục. Nếu cứ lặp đi lặp lại sự sai sót này, là điều hoàn toàn không thể chấp nhận.

Một mặt, việc thực hiện báo cáo 3 công khai đầy đủ và đúng theo quy định có thể giúp người học cùng phụ huynh nắm bắt thông tin, hiểu rõ hơn về nhà trường - môi trường mà bản thân/con em muốn lựa chọn. Tức là mang đến lợi ích cho đối tượng thụ hưởng là sinh viên, học viên của nhà trường.

Mặt khác, việc công khai chuẩn chỉnh các nội dung thông tin, đăng tải một cách minh bạch, chính xác, cũng là cách để đảm bảo uy tín của nhà trường. Nếu làm một cách thực sự nghiêm túc, các cơ sở giáo dục đại học này sẽ có được niềm tin của xã hội” - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho hay.

Cần chế tài mạnh mẽ hơn, nếu tiếp tục vi phạm, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đề cập, trước tiên, phải làm rõ: Tại sao các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện báo cáo 3 công khai?

 Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: T.D.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: T.D.

“Đây chính là trách nhiệm giải trình trước xã hội, minh bạch thông tin để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát và đánh giá các cơ sở giáo dục và đào tạo theo quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, phát huy dân chủ, tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thế nhưng, vẫn có những trường viện lý do đang cập nhật, đang sửa website hay đưa ra một lý do nào đó để chưa minh bạch những nội dung thông tin, số liệu công khai chưa chuẩn xác của nhà trường.

Đã có những quy định rất rõ ràng, nếu các cơ sở giáo dục đại học vẫn vi phạm, thậm chí đã được các cơ quan báo chí chỉ ra thiếu sót mà vẫn tiếp tục tái phạm, thì cần có chế tài mạnh mẽ hơn...” - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm.

Ngoài ra, Tiến sĩ Vinh cũng chia sẻ thêm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tăng cường giám sát thường xuyên. Có một thực tế hiện nay, mặc dù luật pháp đã quy định nhưng khi thực hiện, khâu kiểm tra, giám sát nhiều khi gặp khó vì lý do không đủ nhân lực để theo dõi.

Bởi vậy, Bộ phải có giải pháp “đi trước đón đầu”, để kiểm soát tốt hơn, có thể ứng dụng kiểm tra thường xuyên bằng công nghệ giám sát từ xa, có chuyên viên theo dõi và báo cáo thường xuyên.

Khi đôn đốc các trường mà trường vẫn không thực hiện đúng thì buộc phải có chế tài mạnh mẽ hơn. Như vậy, tôi cho rằng, các trường sẽ phải thực hiện một cách nghiêm túc, mọi việc sẽ đi vào nền nếp”.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (Trường Đại học Văn Lang) cũng cho rằng, những thông tin 3 công khai mà các cơ sở giáo dục đại học phải công khai theo luật định và các hướng dẫn/yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất cần thiết và quan trọng.

 Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (Trường Đại học Văn Lang). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Lê Văn Út - Trưởng nhóm Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (Trường Đại học Văn Lang). Ảnh: NVCC.

“Điều này thể hiện trách nhiệm giải trình đã được quy định rất rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; cụ thể, trách nhiệm giải trình là việc cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm báo cáo, minh bạch thông tin đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền, chủ sở hữu và các bên liên quan về việc tuân thủ quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định, cam kết của cơ sở giáo dục đại học. Luật định đã như thế, các cơ sở giáo dục cần tập trung thực hiện.

Hơn nữa, điều quan trọng không kém là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục đại học cũng cần thể hiện một cách đầy đủ quyền và trách nhiệm quản lý, lãnh đạo và giám sát để các trường thực hiện đúng luật đối với các báo cáo 3 công khai.

Ngoài ra, những thông tin từ các báo cáo 3 công khai rất cần thiết cho việc nghiên cứu các khía cạnh về Đo lường khoa học và Chính sách quản trị đại học. Với những dữ liệu công khai về năng lực của các đại học, chắc chắn sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu về các chủ đề quan trọng này và kết quả sẽ được chuyển giao vào chiến lược quản trị đại học và có thể thúc đẩy sự phát triển của cả hệ thống đại học của đất nước” - thầy Út phân tích.

Tiến sĩ Lê Văn Út cũng nhấn mạnh: “Như đã nói ở trên, việc thực hiện báo cáo 3 công khai là theo luật định. Các trường đại học, học viện có trách nhiệm thực hiện báo cáo theo quy định và các hướng dẫn; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đại học và các cơ quan chủ quản đại học thực hiện trách nhiệm quản lý, lãnh đạo và giám sát thực hiện.

Nếu vấn đề này thực hiện không đúng hoặc nửa vời, trách nhiệm trước tiên là thuộc về lãnh đạo của các cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, cũng cần phải xem xét thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan chủ quản của các cơ sở giáo dục này”.

Mộc Trà

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/neu-3-cong-khai-tai-dien-sai-sot-trach-nhiem-thuoc-ve-nguoi-dung-dau-truong-dh-post243688.gd