Dùng tàu lặn khám phá quốc gia 99% là biển, 1% là đất liền
Nhắc đến Maldives, người ta thường nghĩ đến những dãy biệt thự sang trọng trên mặt nước nhô ra từ những bến tàu dài bằng gỗ, hoặc các bãi biển đẹp như tranh với bãi cát trắng dài tít tắp. Trong khi đó, các nhà khoa học đang sử dụng hai tàu lặn để tìm hiểu về hệ sinh thái dưới nước đầy bí ẩn của thiên đường du lịch này.
Giờ đây, Chính phủ Maldives và Viện Nghiên cứu biển Nekton (Anh) hợp tác để làm sáng tỏ một số bí ẩn bằng cách khởi động một cuộc thám hiểm đầy tham vọng trong vùng biển chưa được khám phá của đất nước.
Sứ mệnh Nekton Maldives sẽ khởi động ngày 4/9 và bao gồm các nhóm nhà khoa học từ Maldives và nước ngoài. Họ có kế hoạch thực hiện nghiên cứu sâu rộng ở độ sâu hơn 30 mét bằng cách sử dụng hai tàu lặn công nghệ cao, một trong số đó có thể lặn sâu tới 1.000 mét.
Mục đích của cuộc thám hiểm là giúp Maldives quản lý tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu. Viện Nghiên cứu biển Nekton cho biết, Maldives có 99% là đại dương và chỉ 1% là đất liền, nằm ở độ cao trung bình 1,5 mét so với mặt biển.
Trong đợt thám hiểm đầu tiên, 10 nhà khoa học về biển của Maldives sẽ dẫn đầu hơn 30 nhà thám hiểm trong tàu lặn để khám phá các tầng sâu của nước này. “Chúng tôi đang xác định vị trí, sức khỏe và khả năng phục hồi của các rạn san hô, đặc biệt là các hệ sinh thái sâu hơn mà chúng tôi biết rất ít, để xác định các môi trường sống quan trọng nhằm bảo vệ và quản lý”, bà Shafiya Naeem, trưởng nhóm thám hiểm của Maldives, giám đốc Viện Nghiên cứu biển Maldives, thông báo.
Các rạn san hô bao quanh đảo san hô của Maldives giúp giảm tác động từ mực nước biển dâng cũng như tần suất và cường độ ngày càng tăng của các cơn bão, đồng thời tạo cơ sở cho nền kinh tế, sinh kế và thực phẩm của nước này.
Sứ mệnh 35 ngày
Tàu thám hiểm RV Odyssey sẽ chở các nhà khoa học từ Maldives, Anh, Ấn Độ và Nam Phi trong sứ mệnh 35 ngày thám hiểm vùng biển rộng lớn của Maldives. Con tàu này có hai tàu lặn, mỗi tàu có thể chở một người lái và hai nhà khoa học.
Các con tàu sẽ được sử dụng cùng với các hệ thống tự động, robot và hơn một chục công nghệ nghiên cứu để thu thập dữ liệu. Nekton cho biết, tàu lặn mới Aurelia đã trải qua các cuộc thử nghiệm ngoài khơi bờ biển Barcelona, Tây Ban Nha mùa hè này và được chứng nhận là tàu lặn tiên tiến nhất thế giới.
Chiếc tàu lặn thứ hai, Omega Seamaster 2, đã tham gia sứ mệnh năm 2019 thám hiểm Seychelles, nơi các nhà khoa học tìm thấy hàng chục loài sinh vật biển mới và lập bản đồ vùng biển ngoài khơi ở độ sâu hơn 30 mét chưa được khám phá trước đây.
Aurelia sẽ hoạt động ở độ sâu lên đến 1.000 mét, trong khi Omega Seamaster 2 sẽ được sử dụng để khám phá 500 mét đầu tiên dưới mặt nước.
Trong 35 ngày, các nhà sinh vật biển, nhà khoa học dữ liệu và nhà sản xuất phim sẽ thu thập các mẫu loài, lập bản đồ, quay video trạng thái của các rạn san hô xung quanh Maldives.
Đại học Oxford (Anh), nơi đang tham gia sứ mệnh, cho biết, các nhà khoa học cũng sẽ điều tra cách thức sinh vật biển thích nghi với mực nước biển dâng cao trong lịch sử do băng tan từ Kỷ Băng hà cuối cùng và khám phá các rạn san hô phần lớn chưa được biết đến và không được bảo vệ. Họ cũng sẽ điều tra mức độ phong phú của 40 loài cá mập và 18 loài cá đuối ở đỉnh của chuỗi thức ăn.
Trong số hoạt động lập bản đồ được lên kế hoạch có cuộc khảo sát một ngọn núi dưới biển ở Bắc Ấn Độ Dương. Theo Nekton, tất cả các mẫu và dữ liệu thu thập được sẽ vẫn là tài sản của Maldives - “một sự khác biệt so với một số cuộc thám hiểm khoa học do phương Tây dẫn đầu trong quá khứ”.
Hỗ trợ phát triển du lịch bền vững
Maldives được tạo thành từ 26 đảo san hô với hơn 1.000 hòn đảo - nơi có bởi hàng chục khu nghỉ dưỡng, tất cả trải rộng trên 90.000 km2. Theo Ngân hàng Thế giới, Maldives đã đón hơn 1,3 triệu lượt khách du lịch vào năm 2021 - bằng khoảng 80% của năm 2019. Du lịch chiếm khoảng 28% GDP.
Ghi lại tình trạng các vùng biển của Maldives có thể hỗ trợ phát triển du lịch bền vững. Nekton tuyên bố: “Sức khỏe của các rạn san hô là nền tảng cho hai lĩnh vực lớn nhất của nền kinh tế Maldives là du lịch và thủy sản. Ngoài lợi ích kinh tế, các rạn san hô là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại sóng và bão đang càng lúc càng nhiều và mạnh hơn”.
Bảo vệ các loài động vật sống ở các rạn san hộ cũng rất quan trọng, vì sẽ dẫn đến một đại dương khỏe mạnh hơn, hỗ trợ nghề cá bền vững và tăng trưởng ngành du lịch. Riêng du lịch ngắm cá đuối ở Maldives mỗi năm tạo ra doanh thu 15 triệu USD.