Dùng thân mình nối mạch thông tin

'Ác liệt như thế, đồng chí có sợ hy sinh không?'. 'Báo cáo thủ trưởng, chúng em luôn sẵn sàng hy sinh để bảo đảm thông tin liên lạc, giúp các thủ trưởng chỉ huy chiến trường đi đến thắng lợi', Anh hùng LLVT nhân dân Trần Duy Hoan ở xã Vũ Bản (Bình Lục, Hà Nam) kể về cuộc đàm thoại ngắn giữa ông với một người chỉ huy nơi mặt trận Bình Trị Thiên năm xưa...

Vừa vào đầu câu chuyện, ông Hoan dừng lại húng hắng ho, rồi giải thích: "Tôi đi khám bệnh thì biết phổi bị vôi hóa, nguyên nhân là do thời ở chiến trường phải sống chung với khói, hơi bom đạn nên những ngày trở trời thường bị bệnh đường hô hấp". Sau đó, ông Hoan kể: "Ngày ấy cũng chẳng biết gan dạ hay dũng cảm là gì đâu, nhưng sâu thẳm trong tim, chúng tôi luôn thấy mình phải có trách nhiệm với đồng đội. Bởi chỉ cần chậm trễ vài phút do sợ sệt, tránh né thì hậu quả sẽ khôn lường".

Ông Hoan xung phong nhập ngũ năm 1968. Lúc đó, ông gầy gò, ốm yếu, chỉ có 37kg. Để được đi bộ đội, trong lúc gọi tên khám sức khỏe, ông phải “gian lận” bằng cách nhờ người khác vào cân thay cho đủ tiêu chuẩn. Sau thời gian huấn luyện, tháng 10-1968, ông được điều về làm chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 134 (nay là Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin liên lạc). Đầu năm 1972, ông được cấp trên điều về chỉ huy Tổ 29, Trung đội 1, Đại đội 5, có nhiệm vụ bảo đảm đường dây thông tin dài khoảng 15km từ Đồng Hới (Quảng Bình) kéo đến phà Long Đại, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Để tránh bom đạn, ông Hoan cùng đồng đội lựa chọn chỗ vệ suối cao ráo, đào hầm làm nơi trú ẩn. Mỗi khi dứt một trận bom, ông và đồng đội lại kiểm tra tín hiệu đường dây và khắc phục nếu đường dây bị đứt. Có ngày, địch đánh phá nhiều lần, ông và đồng đội phải khắc phục gần 20 mối nối.

Ngày 20-6-1972, sau một trận bom của địch, Tổ 29 kiểm tra thì phát hiện sự cố thông tin ở gần phà Long Đại. Ông Hoan xung phong đi nối đường dây. Mang theo trang thiết bị, ông Hoan nhanh chóng cơ động giữa khói bom mù mịt. Theo quy luật, ông đoán rằng máy bay địch sẽ tiếp tục đánh bom trên địa bàn này. Lần theo đường dây, tới một khu rừng gần phà Long Đại, ông phát hiện hai đầu dây bị đứt. Mỗi tay cầm một đầu dây, ông Hoan kéo hai đường dây căng ra và chạm hai đầu vào nhau.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Duy Hoan (thứ hai, từ trái sang) và cán bộ Lữ đoàn 134.

Anh hùng LLVT nhân dân Trần Duy Hoan (thứ hai, từ trái sang) và cán bộ Lữ đoàn 134.

Để giữ dây, ông đưa hai đầu dây vào miệng và dùng răng cắn chặt. Lúc đó, tay trái ông vẫn giữ một đầu dây và dùng tay phải đưa ra phía sau để lấy kìm. Đột nhiên, ông Hoan tê người vì có dòng điện chạy qua. Biết là thủ trưởng đang chỉ huy chiến dịch, ông đã dũng cảm dùng răng cắn hai đầu dây thông tin bị đứt, nối liền đường truyền. Kết thúc cuộc gọi cũng là lúc toàn thân ông co rúm vì điện giật...

Chỉ riêng năm 1972, ông Hoan đã hơn 150 lần khôi phục liên lạc trong lúc địch đánh phá ác liệt. Có lần, sau nhiều ngày địch đánh phá liên tục, Tổ 29 bị cắt đường tiếp phẩm lương thực. Cả tổ bị kiệt sức vì đói. Thế nhưng, khi đường dây liên lạc bị mất, ông Hoan gượng sức, lao ra khỏi hầm để khắc phục sự cố. Vừa lên khỏi mặt đất, ông bị mảnh bom bi văng trúng phần mềm sau lưng. Tuy bị thương nhưng ông vẫn tiếp tục nhiệm vụ tìm và đấu nối đường dây.

Khi vừa đấu nối xong, ông thấy choáng váng và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình trong lán trại của một đơn vị thanh niên xung phong. Qua lời kể của mọi người, khi họ đang đi khắc phục hậu quả bom đạn thì gặp ông Hoan nằm đè lên cuộn dây. Đến kiểm tra thì phát hiện ông còn sống. Ông bị ngất có lẽ là do đuối sức cộng thêm mất nhiều máu. Sau khi được sơ cứu, hồi sức, ông trở về đơn vị, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.

Ông Hoan nghẹn ngào chia sẻ: "Vào tháng 5-1972, tôi cùng hai đồng chí: Vũ Thiện Đạm quê Bình Lục, Hà Nam và Mai Văn Xủng quê Hà Bắc (Tổ 30, phụ trách bến phà Long Đại) cùng thực hiện nhiệm vụ nối đường dây bị đứt. Khi khắc phục xong, hai đồng chí vừa xuống hầm thì máy bay địch ném bom. Một quả bom rơi trúng hầm, khoan sâu xuống đất, khiến hầm bị sập. Khi dứt đợt bom, tôi cùng đồng chí ở đơn vị pháo binh gần đó tổ chức đào đất đá, đưa các anh lên. Hai đồng chí đã hy sinh và được chúng tôi tổ chức an táng ở vệ suối gần nơi hầm sập. Hết chiến tranh, chúng tôi đã trở lại chiến trường tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. Đây cũng là điều tôi trăn trở cho đến tận bây giờ".

Năm 1993, vì hoàn cảnh gia đình, ông Hoan xin nghỉ hưu rồi trở về quê sinh sống. Được chính quyền đến gặp, động viên, với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ, ông đứng ra kêu gọi, tuyên truyền, động viên các cựu chiến binh (CCB) thành lập Hội CCB xã Vũ Bản. Năm 1994, Hội CCB xã tổ chức Đại hội lần 1, ông Hoan được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB xã. Phát huy trách nhiệm trên cương vị mới, ông Hoan đã đến học tập kinh nghiệm tổ chức hoạt động ở hội CCB các xã khác. Sau đó, ông họp phổ biến kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hoạt động, góp phần xây dựng Hội CCB xã Vũ Bản trở thành một trong những tổ chức điển hình thi đua... Đến nay, tuy không còn tham gia vào các nhiệm vụ công tác nhưng đối với người dân địa phương, ông Hoan luôn là tấm gương sáng hết lòng vì quê hương.

Bài và ảnh: VIỆT HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/dung-than-minh-noi-mach-thong-tin-719858