Dùng thẻ BHYT của người tử vong đi khám bệnh
Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) đã thống kê hơn 80 trường hợp dùng thẻ BHYT của người đã tử vong đi khám bệnh.
Mới đây Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) và Thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) đã thống kê được rất nhiều trường hợp mượn thẻ BHYT đi khám bệnh. Trong số này có 82 trường hợp sử dụng thẻ của người đã tử vong đi khám chữa bệnh 135 lần với tổng số tiền trên 38,46 triệu đồng. Ngoài ra, có 33 trường hợp mượn thẻ đi khám chữa bệnh sau đó tử vong với tổng số tiền 553,2 triệu đồng; 16 trường hợp mượn thẻ BHYT để nằm viện sinh con, phẫu thuật tử cung với số tiền 82,8 triệu đồng; 2 trường hợp mượn thẻ BHYT của cùng một người đi điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau và Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng số tiền 9,3 triệu đồng…
Cơ quan bảo hiểm cũng phát hiện có trường hợp nhân viên y tế dùng mã thẻ của người bệnh để tiếp tục kê khống đơn lĩnh thuốc và đề nghị thanh toán BHYT.
Trước đó, trong năm 2019 cơ quan bảo hiểm cũng phát hiện người bệnh đã qua đời nhưng vẫn có chỉ định chạy thận và thuốc trong hồ sơ thanh toán bảo hiểm, có nơi người bệnh mất từ đầu tháng 6-2019, nhưng cả tháng 6 vẫn khám chữa bệnh thêm 12 lần.
Theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), tình trạng gian lận, trục lợi quỹ BHYT ngày càng phức tạp, tinh vi, gây tổn hại cho quỹ cũng như quyền lợi của người tham gia BHYT. Tình trạng gian lận, trục lợi xảy ra tại 2 quá trình chính gồm: Trục lợi trong tham gia BHYT (thu/đóng BHYT, phát hành thẻ BHYT) và trục lợi trong khám chữa bệnh BHYT.
Ông Phúc cho biết cuối tháng 5-2020, Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến phía Bắc cũng đã gửi Công văn số 242 về việc cảnh báo, giám định chuyên đề năm 2020. Công văn nhấn mạnh và lưu ý các tỉnh cần tập trung xác minh những dấu hiệu lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Theo quy định của pháp luật, hành vi mượn thẻ BHYT hoặc cho người khác mượn thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh vi phạm Điều 215 của Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHYT, được hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết 05 của Hội đồng Thẩm phán (TAND Tối cao). Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại, sẽ có các hình thức như thu hồi thẻ BHYT, bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, truy cứu trách nhiệm hình sự (phạt tù không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm).