Dừng thông qua Dòng chảy phương Bắc 2: Bước đi khó khăn của Đức và phản ứng các bên

Động thái của Đức khi dừng thông qua Dòng chảy phương Bắc 2 được các nước đồng minh phương Tây hoan nghênh, trong khi Nga bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định này.

Hôm qua (22/2), Đức tuyên bố đã thực hiện các bước để ngăn chặn quá trình thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 giữa bối cảnh phương Tây bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, chính phủ của ông đã đưa ra quyết định này để đáp lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, mà ông cho rằng đã đánh dấu “sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

“Tôi đã yêu cầu Bộ Kinh tế Đức hôm nay rút lại báo cáo về việc phân tích đảm bảo cung cấp năng lượng từ cơ quan quản lý. Nghe có vẻ kỹ thuật nhưng đó là thủ tục bắt buộc nên bây giờ không thể có chứng nhận cho đường ống Dòng chảy phương Bắc 2. Nếu không được cấp giấy chứng nhận, Dòng chảy phương Bắc 2 không thể vận hành”, Thủ tướng Đức cho hay.

Quyết định này là một động thái khá khó khăn đối với chính phủ Đức, vốn từ lâu đã chống lại việc rút khỏi dự án bất chấp áp lực từ Mỹ và một số nước châu Âu. Trong nhiều năm, Mỹ đã lập luận rằng việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên khác từ Nga đến Đức làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Chính vì thế, ngay sau thông báo này của Thủ tướng Đức, Mỹ và nhiều nước phương Tây đã bày tỏ sự ủng hộ. Từ Washington, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, Mỹ đã tham vấn chặt chẽ với Đức và hoan nghênh tuyên bố chấm dứt quá trình phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba viết trên Twitter rằng, đây là bước đi đúng đắn cả về đạo đức, chính trị và thực tiễn trong tình hình hiện tại. Lãnh đạo thực sự là người có thể ra những quyết định khó trong thời điểm khó khăn. Động thái của Đức đã chứng minh điều đó.

Trước thông tin từ phía Đức, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin bày tỏ rất lấy làm tiếc về quyết định của Đức đồng thời khẳng định:

“Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 không liên quan và sẽ không có bất cứ mối liên hệ nào với chính trị. Đây đơn thuần là dự án kinh tế, thương mại, có thể là yếu tố giúp cân bằng thị trường khí đốt tại châu Âu để đôi bên cùng có lợi. Các nhà cung cấp và bên nhận khí đốt, đầu tiên là Đức, sau đó là các quốc gia châu Âu khác, đều có lợi ích ở đó”.

Gay gắt hơn, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga chỉ trích quyết định của Đức rằng: “Chào mừng đến với thế giới mới - nơi người dân châu Âu sẽ sớm phải trả tới 2.000 euro cho 1.000 mét khối khí đốt”, ý chỉ giá khí đốt sẽ tăng gấp đôi so với giá hiện tại.

Dòng chảy phương Bắc 2 chủ yếu là một dự án thương mại nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng cho châu Âu. Khi đi vào vận hành, đường ống này có thể vận chuyển mỗi năm khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt từ Nga tới Đức, cung cấp khí đốt cho khoảng 26 triệu hộ gia đình. Hiện tại, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt cho châu Âu và nhu cầu về khí đốt của châu Âu vẫn đang tiếp tục tăng khi các dự án năng lượng xanh tỏ ra kém hiệu quả.

Việc tạm ngừng thực hiện phê chuẩn dự án này của Đức đã khiến giá khí đốt tăng tại châu Âu. Giá khí đốt giao dịch tại Hà Lan đã tăng tới 13% ngay trong ngày hôm qua và giá khí đốt còn có thể tiếp tục leo thang trong những ngày sắp tới. Chính vì thế các nhà phân tích chính trị hy vọng, căng thẳng chung quanh vấn đề Ukraine không vượt tầm kiểm soát, đặc biệt là các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga để giúp giữ được an ninh và ổn định khu vực, trong bối cảnh cả thế giới vừa lo đối phó dịch Covid-19, vừa tìm cách khôi phục đà tăng trưởng kinh tế./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dung-thong-qua-dong-chay-phuong-bac-2-buoc-di-kho-khan-cua-duc-va-phan-ung-cac-ben-post926000.vov