Dùng thuốc chống đông máu có những tương tác bất lợi gì?

Nhiều bệnh nhân cần phải dùng thuốc chống đông để điều trị bệnh, thậm chí trong thời gian dài. Vậy cần lưu ý gì trong quá trình sử dụng thuốc, đặc biệt là những tương tác thuốc có thể gặp phải?

1. Thuốc chống đông máu được dùng như thế nào?

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 BCA

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8 BCA

Theo ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, thuốc chống đông máu, hay còn gọi là thuốc làm loãng máu, có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông bên trong mạch máu, ngăn ngừa các biến cố nguy hiểm liên quan đến cục máu đông gây ra.

Thông thường, quá trình đông máu xảy ra khi mạch máu bị tổn thương. Các tiểu cầu kết dính lại với nhau tạo thành cục máu đông (huyết khối) ngăn chặn sự chảy máu. Đây là quá trình mang lại lợi ích lớn, ngăn chặn sự mất máu của cơ thể.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, quá trình đông máu hình thành huyết khối là nguyên nhân gây ra một số bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng. Cục máu đông có thể di chuyển theo lòng mạch gây tắc động mạch não, động mạch tim dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ

Có 3 nhóm thuốc chống đông máu chính, bao gồm:

- Nhóm heparin: Có tác dụng nhanh hoặc chậm tùy vào trọng lượng phân tử của thuốc, thường dùng trong điều trị và dự phòng các bệnh như thuyên tắc phổi, chạy thận nhân tạo, huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới và hội chứng mạch vành cấp.

- Warfarin và các thuốc chống đông máu kháng vitamin K: Là nhóm các thuốc chống đông máu ngăn chặn gián tiếp chu trình đông máu bằng cách cạnh tranh với vitamin K, ngăn cản quá trình tổng hợp một số yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K ở gan.

- Nhóm các thuốc chống kết tập tiểu cầu: Các thuốc như aspirin, clopidogrel (plavix), dipyridamole (persantine), prasugrel (effient), ticagrelor (brilinta), vorapaxar (zontivity) ngăn cản các tiểu cầu kết tập tạo ra các nút tiểu cầu, dẫn tới hình thành cục máu đông.

Các thuốc chống kết tập tiểu cầu được sử dụng trong sơ cứu cầm máu, phòng ngừa huyết khối ở những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hội chứng mạch vành cấp, đau thắt ngực...

2. Những tác dụng và tương tác bất lợi khi đang sử dụng thuốc chống đông máu

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền nhấn mạnh, thuốc chống đông máu được ví như con dao hai lưỡi. Một mặt, thuốc có tác dụng ngăn ngừa hình thành cục máu đông, tránh tai biến. Mặt khác, việc sử dụng thuốc có thể tiềm ẩn nguy cơ chảy máu, đặc biệt đối với bệnh nhân cao tuổi có thể có nguy cơ xuất huyết nội tạng và nội sọ cao hơn những người khác.

Các biểu hiện của tác dụng phụ có thể gặp như xuất huyết tiêu hóa, mất máu nhiều khi có kinh nguyệt, chảy máu từ nướu, ho hoặc nôn ra máu, chảy máu không cầm với các vết xước nhẹ…

Bên cạnh đó, thuốc chống đông có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác. Một số thuốc làm tăng hiệu quả của thuốc chống đông trong khi loại khác làm giảm hiệu quả. Do đó bệnh nhân cần báo cho bác sĩ biết mình đang dùng loại thuốc gì để loại trừ tương tác. Cụ thể:

- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) có thể làm tăng hiệu quả của thuốc chống đông, đồng thời tăng tác dụng phụ khi sử dụng cùng lúc. Bệnh nhân có thể dễ bị viêm loét dạ dày và xuất huyết dạ dày.

- Thuốc ức chế bơm proton như omeprazole và esomeprazole không được khuyến cáo sử dụng đồng thời với clopidogrel (thuốc chống kết tập tiểu cầu) trong dự phòng xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân có nguy cơ cao. Thay vào đó, pantoprazole là lựa chọn thích hợp cho bệnh nhân bệnh mạch vành có chỉ định điều trị clopidogrel trong phòng xuất huyết tiêu hóa ở nhóm người có nguy cơ cao.

- Warfarin, heparin khi sử dụng kết hợp với thuốc clopidogrel sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.

Ngoài ra, với nhóm thuốc chống đông máu kháng vitamin K, cần chú ý tương tác với các nhóm thuốc sau bởi có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông:

Nội tiết tố androgen
Hormon tuyến giáp
Thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái thu hồi chọn lọc serotonin
Kháng sinh nhóm cephalosporin, nhóm cyclin, kháng sinh nhóm fluoroquinolon, kháng sinh nhóm macrolid, sulfamethoxazole
Dẫn chất 5 nitro-imidazol (metronidazol), cisaprid, colchicin.
Thuốc hạ mỡ máu nhóm fibrat (fenofibrat, gemfibroziI), thuốc nhóm statin.
Một số thuốc chống nấm fluconazol, itraconazol, voriconazol
Cimetidin (liều ≥ 800mg/ngày),
Glucocorticoid
Heparin khối lượng phân tử thấp và heparin không phân

Thuốc chống đông máu cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

Thuốc chống đông máu cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

3. Lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu

- Cần dùng đúng liều thuốc, đúng thời điểm, thời gian mà bác sĩ đã kê toa và hướng dẫn. Không nên tự ý tăng hay giảm liều vì có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

- Người bệnh nên thực hiện xét nghiệm đông máu định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường như chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi tiểu đỏ, đi ngoài ra máu, phân đen... để thầy thuốc có thể điều chỉnh liều lượng nếu có các biểu hiện bất thường về máu.

- Không nên uống rượu khi dùng thuốc chống đông máu.

- Thuốc chống đông warfarin có thể tương tác với nhiều loại thức ăn chứa nhiều vitamin K như: Măng tây, rau cải xoăn, súp lơ trắng, cải ngọt, bắp cải, bông cải xanh, củ cải...

- Tránh dùng vitamin K, thực phẩm chức năng chứa vitamin K...

Mới đây tòa soạn nhận được câu hỏi từ độc giả: “Tôi bị xơ vữa động mạch và đang sử dụng thuốc chống đông máu, tôi có thể dùng saw palmetto để điều trị phì đại tiền liệt tuyến được không?”.

Giải đáp câu hỏi này, ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền cho biết, saw palmetto (cọ lùn) là dược liệu có công dụng hỗ trợ chức năng tiền liệt tuyến, thường dùng trong điều trị phì đại tiền liệt tuyến. Tuy nhiên, saw palmetto cũng có thể gây tác dụng không mong muốn trên một số người. Đặc biệt, cần tránh dùng saw palmetto khi đang sử dụng thuốc chống đông máu như warfarin, plavix (clopidogrel)… bởi tương tác thuốc có thể làm tăng khả năng bị bầm tím và chảy máu.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Đột quỵ do tự ý dừng thuốc chống đông máu | SKĐS

Minh Tâm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-chong-dong-mau-co-nhung-tuong-tac-bat-loi-gi-169240531155732801.htm