Dùng thuốc giải rượu có an toàn không?
Hiện nay, nhiều người có thói quen dùng thuốc giải rượu để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Thực chất thuốc giải rượu có tác dụng gì, dùng thuốc giải rượu có an toàn không?
1. Quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể
NỘI DUNG
1. Quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể
2. Thuốc giải rượu có an toàn và hiệu quả không?
3. Những đối tượng không nên sử dụng thuốc giải rượu
Rượu gồm nước, ethanol và một lượng nhỏ các chất riêng biệt tạo nên màu sắc, hương liệu riêng.Sau khi vào cơ thể, rượu được hấp thụ hoàn toàn trực tiếp vào máu (20% ở dạ dày, 80% ở ruột non).
Việc hấp thu rượu vào máu nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào lúc đói hay lúc no, tốc độ hấp thu của rượu sẽ nhanh hơn khi đói.
Khi vào cơ thể, rượu tác động chính đến gan và thần kinh trung ương:
- Tác động đến thần kinh trung ương: Rượu sẽ ức chế từ trên xuống, từ vỏ não, tiểu não, tủy sống và cuối cùng là trung tâm hành tủy. Đây chính là nguyên nhân vì sao khi uống một lượng nhỏ rượu sẽ thấy dễ chịu, tuy nhiên uống nhiều sẽ gây giảm khả năng phán đoán, hoa mắt, không làm chủ được hành vi của mình.
- Tác động đến gan: Khi vào cơ thể, 90% lượng cồn từ rượu sẽ được các tế bào gan xử lý và trải qua quá trình khử độc trước đào thải ra ngoài.
Nếu uống quá nhiều bia rượu, gan bị quá tải, không kịp sản xuất đủ lượng men để chuyển hóa giải độc rượu, dẫn đến tích tụ rượu và gây độc trong cơ thể, đặc biệt là gan. Về lâu dài gây ra các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
2. Thuốc giải rượu có an toàn và hiệu quả không?
Hiện nay, nhiều người có thói quen dùng thuốc giải rượu để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại. Thực chất, các thành phần trong đó sẽ có tác dụng hỗ trợ chuyển hóa rượu thành các chất không độc như CO2 và nước. Thuốc giải rượu không có tác dụng phục hồi hay bảo vệ các cơ quan bị rượu tác động.
Khi dùng ở liều lượng cho phép, thuốc giải rượu có thể giúp giảm nhức đầu, đau nhức, khó chịu. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc giải rượu quá thường xuyên hoặc quá liều có thể dẫn đến rủi ro tăng men gan. Các tác dụng phụ khác có thể gặp bao gồm:
Làm giảm các chất có chức năng bảo vệ gan;
Tăng tổng hợp acid béo và triglyceride trong tế bào gan khiến cho tình trạng gan nhiễm mỡ tăng cao;
Hoại tử tế bào gan;
Viêm loét đường tiêu hóa, thậm chí tử vong do thuốc giải rượu giữ lại lượng cồn trong ruột mà gan không thể lọc chất độc kịp thời.
3. Những đối tượng không nên sử dụng thuốc giải rượu
Để đảm bảo an toàn, người dùng không nên lạm dụng, sử dụng thuốc giải rượu quá thường xuyên. Những đối tượng sau đây không nên dùng thuốc giải rượu:
Người bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc
Phụ nữ có thai và cho con bú
Người bị men gan cao
Người bị suy gan, suy thận
Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng…
Thay vào đó, người say rượu có thể sử dụng một số phương pháp dân gian để giải rượu, chẳng hạn như nước chanh, nước sắn dây…
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Mọi tổ chức, cá nhân tuân thủ thực hiện các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Trong trường hợp có uống thì không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần.
Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một ly nhỏ/cốc nhỏ rượu mạnh 40 ml (30%).
Lưu ý, khi có biểu hiện ngộ độc rượu cần đến bệnh viện ngay để được xử trí kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dung-thuoc-giai-ruou-co-an-toan-khong-169230209151733435.htm