Dùng 'thước' nào để 'đo' giá trị ngành Văn hóa?
Có lẽ chưa bao giờ ngành Văn hóa lại để xảy ra liền hai sự cố đáng tiếc như thời gian vừa rồi, khiến dư luận nổi sóng. Nhưng sau những ồn ào như lớp sóng trên mặt biển qua đi, chúng ta hãy bình tâm và công bằng nhìn lại.
Hai sự cố đáng tiếc vừa xảy ra đã tốn không ít giấy mực báo giới và sự chú ý của dư luận, ít nhiều làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành văn hóa. Tuy nhiên, không thể vì hai sự cố đã xảy ra mà phủ nhận những thành quả mà toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua.
Nếu không phải nỗ lực của ngành văn hóa thì mùa lễ hội năm nay những hình ảnh phản cảm đã không giảm đi rất nhiều so với trước đó. Chủ trương “mở cửa” Nhà hát Lớn Hà Nội, công diễn thường xuyên các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao đã nhận được sự tán đồng của dư luận. Cùng với đó, Nhà hát Lớn trở thành điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô cũng là nét mới được nhiều người hồ hơi ghi nhận. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã nhanh chóng có những bổ sung kịp thời các văn nghệ sĩ tên tuổi xứng đáng…
Nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng đã và đang diễn ra tại Nhà hát lớn.
Trong lĩnh vực Thể thao hẳn chúng ta vẫn chưa quên dư âm chiến thắng vang dội của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với chiếc Huy chương Vàng lần đầu tiên của Việt Nam trên đấu trường Đại hội Olimpic quốc tế, để hàng triệu con tim vỡ òa, sung sướng và xúc động khi thấy quốc ca, quốc kỳ của Việt Nam cùng bay vang. Tiếp đó Đội tuyển bóng đá Việt Nam lần đầu tiên tham dự vòng chung kết U20 World Cup…
Lĩnh vực Du lịch, lần đầu tiên Du lịch Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế trong một năm. Tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng, về đích trước 4 năm so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 5,2 triệu lượt người, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, Bộ Chính trị họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đạo diễn người Mỹ Jordan Vogt-Roberts của phim Kông: Đảo đầu lâu được bổ nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam giai đoạn 2017-2020…
Những dấu ấn thể thao Việt Nam khó quên. Ảnh: daidoanket.vn
Tại các địa phương, mỗi vùng miền đều duy trì ngày hội văn hóa dân tộc vừa bảo tồn, vừa kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp. Nhiều văn nghệ sĩ của ngành Văn hóa đã không ngại khó, ngại khổ sẵn sàng có mặt nơi đầu sóng ngọn gió trên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc để phục vụ các chiến sĩ biên giới hải đảo xa xôi…
Chỉ cần điểm lại một vài thành tựu nổi bật nhất trong thời gian gần đây của ngành văn hóa để thấy rằng, những kết quả đạt được không phải bỗng nhiên mà có, không phải phép lạ thần kỳ như Thánh Gióng một ngày kia vươn vai đứng dậy thành người khổng lồ, thành anh hùng… mà đó là nỗ lực, công sức, sự tích lũy, cố gắng hàng giờ, hàng ngày, hàng năm của bao con người với bao tâm huyết, mồ hôi và nước mắt.
Ông Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhìn nhận: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã muốn đưa những hoạt động văn hóa của chúng ta đi vào chất lượng và nề nếp. Thứ hai là cố gắng phát huy văn hóa dân tộc có chọn lọc. Thứ ba là, cố gắng đẩy một số hoạt động đặc trưng, thế mạnh của văn hóa, tạo đời sống tinh thần và tinh thần xã hội thật tốt, tận dụng thế mạnh của sinh hoạt văn hóa truyền thống. Và cuối cùng, một số hoạt động, ngành đã có nhiều cố gắng để chúng ta hội nhập quốc tế.
Nhiều hoạt động Du lịch quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế đã và đang diễn ra.
Chia sẻ thêm về những khó khăn của ngành Văn hóa hiện nay, Ông Phan Thanh Bình cho rằng: đây không phải là việc dễ dàng nhưng trong điều kiện một đất nước đang chuyển đổi và hội nhập như nước ta, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì hoạt động văn hóa cũng bị ảnh hưởng.
Nhìn rộng ra, không chỉ riêng ngành Văn hóa mà ở nhiều ngành khác cũng khó tránh khỏi những sự cố đáng tiếc xảy ra. Tất nhiên mọi sự so sánh đều khập khiễng và không thể lấy cái xấu hơn để biện hộ cho cái xấu. Sự thỏa hiệp với những mặt “tồn tại” là không nên. Nhưng như ai đó từng nói, phàm là người chỉ có thể hạn chế sai lầm chứ không thể không mắc sai lầm. Chỉ có người chưa bao giờ làm gì mới không sai lầm. Và điều đáng ghi nhận và dường như còn “hiếm thấy” ở ngành nào như ngành Văn hóa là dám nhìn thẳng vào sự việc để dũng cảm, thẳng thắn nhận trách nhiệm về sai sót, kịp thời và kiên quyết sữa chữa. Không chỉ nói lời xin lỗi mà cá nhân để xảy ra sự cố đáng tiếc còn bị điều chuyển, chịu trách nhiệm…
Văn hóa là ngành nhạy cảm, phức tạp và dễ đụng chạm, trong khi ranh giới đúng sai, xấu đẹp phụ thuộc vào cảm quan cá nhân, bối cảnh thời đại và cả tâm lý đám đông hơn là một thước đo chuẩn mực chính xác của toán học với một cộng một bằng hai. Vì thế, lắng nghe dư luận để điều chỉnh, thay đổi hay thậm chí xóa bỏ là điều cần thiết. Vấp ngã của ai đó không những là bài học của người trong cuộc mà cả người ngoài cuộc. Hai “sự cố” vừa xảy ra, sẽ khiến người trong cuộc nhìn lại thấu đáo bản chất của vấn đề, và quan trọng hơn là để ngành Văn hóa tiếp tục tiến lên hoàn thành nhiệm vụ và trọng trách của mình. Chỉ có rút bài học kinh nghiệm từ sai lầm cụ thể, quyết tâm vượt lên, đi tiếp, mới là cách để duy trì, phát triển…
Lâu nay dư luận thường dễ nhìn vào bề nổi, cái xấu để đánh giá, quy kết mà không nhìn vào bản chất, không nhìn vào một quá trình là chưa công bằng. Lấy bộ phận để đánh giá toàn cục rất dễ trở thành “thầy bói xem voi” phiến diện, phủ nhận những thành quả, công sức của biết bao người.
Có một câu nói rất hay và đáng ngẫm ngợi rằng: Giá trị của một con người không nằm ở những thứ mà anh ta có, hay những điều mà anh ta làm, mà là bản chất của anh ta.