Đừng tiếp tay cho sách lậu hoành hành trên mạng
Trong cuộc chiến chống sách giả, một số bạn đọc - nạn nhân của sách vi phạm bản quyền - đôi khi chưa được trang bị kiến thức, đã vô tình tiếp tay cho vấn nạn này.
Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của tác giả Rosie Nguyễn là sách best-seller trong vài năm nay của công ty sách Nhã Nam. Trên Sachv…, website có rất nhiều ebook, 2 phần nội dung trong cuốn sách này được đăng tải cho mọi người đọc miễn phí, hoặc tải về với các định dạng epub, mobile, pdf. Phần nội dung có 417.887 lượt xem, 1.300 lượt thích, 72 bình luận.
Ông Nguyễn Xuân Minh - Giám đốc bản quyền công ty Nhã Nam - cho biết công ty ông chưa hợp tác với bất cứ đơn vị nào để khai thác ebook của Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Vì thế, phần nội dung trên trang mạng là bất hợp pháp.
“Hơn 400.000 lượt xem lớn hơn rất nhiều lần số sách chúng tôi đã xuất bản trong vài năm qua”, ông Minh nói.
Một bộ phận ưa “đọc chùa”
Trường hợp như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? là sách ăn khách, nhưng lượng phát hành thua xa lượt xem ebook trên một trang web không bản quyền.
Sachv… chỉ là một trong nhiều trang web đăng tải ebook không bản quyền cho mọi người đọc miễn phí. Ngoài ra, sách lậu trên mạng xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức. Đôi khi, nó ẩn dưới danh nghĩa một “thư viện vì cộng đồng”, một “dự án phi lợi nhuận”…
Cũng có hiện tượng, sách giả được lưu chuyển trên chính những cộng đồng của người đọc sách như các “hội yêu sách”, “hội đọc sách”… Ở đó, các thành viên gửi link tải miễn phí các cuốn sách mà bản quyền vẫn đang được bảo hộ.
Một website cho đọc, tải ebook miễn phí còn đưa ra dòng thông báo bản quyền, đại ý “toàn bộ ebook trên trang được sưu tập và tổng hợp từ các nguồn trên Internet, các dự án ebook của cộng đồng”. Phía dưới, các thành viên bình luận, đa phần cảm ơn trang đã “chia sẻ sách hay”.
Khánh Dương - người sáng lập công ty truyện tranh Comicola - từng cay đắng, nói: "Tôi còn bị tẩy chay vì bán truyện bản quyền".
Dương chia sẻ câu chuyện một bộ phận bạn đọc chỉ thích “đọc chùa” tác phẩm trên mạng. Có lần, công ty của Dương mua bản quyền cuốn truyện Hàn Quốc “hot” trong giới truyện tranh. Truyện này đang bị đăng tải trên một trang web không bản quyền tại Việt Nam.
Công ty của Dương đã tiến hành các biện pháp nhằm bảo vệ bản quyền truyện mà mình mất công sức và tiền bạc mua về. Đến khi trang web đăng bản lậu phải gỡ truyện xuống, công ty truyện tranh nhận những phản hồi không ngờ tới.
Trong số các bình luận của bạn đọc yêu thích tác phẩm, có ý kiến gọi việc mua bản quyền rồi tiến hành bảo vệ bản quyền là “chơi dơ”, “thấy truyện đang hot thì lấy về rồi chặn bên khác”.
Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Minh, hiện nay, ý thức của bạn đọc trong việc tuân thủ bản quyền sách đã có những tiến bộ so với 10 năm trước.
“Giờ đây, bạn đọc ít chia sẻ link tải ebook lậu, ebook không bản quyền. Đây là bước tiến nho nhỏ. Song, tình trạng đọc lậu vẫn chưa chấm dứt”, ông Minh nói.
Người mua sách hãy tiêu dùng thông thái
Bên cạnh bộ phận nhỏ những người thích "đọc chùa", có những bạn đọc là nạn nhân của sách lậu, nhưng chưa được trang bị kiến thức về bản quyền.
Trong một nhóm đọc sách hội tụ 854 nghìn thành viên, tham gia khảo sát “Bạn đã bao giờ mua phải sách lậu, sách giả? Nếu mua phải, bạn sẽ xử lý ra sao?”, nhiều thành viên bình luận từng mua phải sách giả.
Bên cạnh những người nói rất khó chịu khi mua sách giả, cũng có ý kiến cho rằng “sách giả nhưng kiến thức không giả”. Một số thành viên cho biết cách xử lý của họ là lỡ mua rồi thì cứ đọc và gìn giữ, vì sách giả và sách lậu vẫn chứa kiến thức.
Giờ đây, bạn đọc ít chia sẻ link tải ebook lậu, ebook không bản quyền. Đây là bước tiến nho nhỏ. Song, tình trạng đọc lậu vẫn chưa chấm dứt.
Ông Nguyễn Xuân Minh
Có những ý kiến lý giải nguyên nhân của việc đọc sách lậu: “Những người thích đọc sách chỉ cần sách họ sẽ mua chứ chẳng có quyển sách giả nào ghi là ‘sách không thật’ để họ đừng mua cả. Đơn giản vì vẫn có người không phân biệt được đúng và sai”.
Trong khi một số người cho rằng việc ngăn chặn sách giả, sách lậu là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, vẫn có những người nêu cao ý thức bản quyền.
Nhà báo Trương Anh Ngọc nói nếu mua phải sách giả, anh sẽ lập tức báo cho nhà xuất bản, đơn vị giữ bản quyền sách để thông báo tác phẩm của họ đã bị làm lậu. Bên cạnh đó, anh cũng viết bài chia sẻ trên trang cá nhân để cảnh báo bạn bè không mua phải sách lậu.
“Việc ngăn chặn phụ thuộc cả vào ý thức của chúng ta. Không thể nói rằng vì cơ quan chức năng không ngăn chặn được sách giả, nên tôi thấy sách giả tôi sẽ mua. Điều đó không khác gì bảo vì cửa hàng không có nhân viên bảo vệ, tôi thích thì tôi lấy đồ”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.
Khi được hỏi về công tác phòng chống sách giả, sách lậu, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông - cũng nhấn mạnh vai trò của bạn đọc.
Ông Nguyên cho rằng nếu làm tốt công tác tuyên truyền để bạn đọc ý thức, chấp hành bảo vệ bản quyền, không ai mua sách giả, sách lậu nữa. Khi độc giả là người tiêu dùng thông thái, các đầu nậu, in lậu, các “sách tặc” có làm ra bao nhiêu sách lậu, sách giả đi nữa, cũng không có đất sống.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dung-tiep-tay-cho-sach-lau-hoanh-hanh-tren-mang-post1104265.html