Dừng tổ chức sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định

Để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ, tỉnh Thái Bình dừng tổ chức sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định.

Ngày 9/9, tỉnh Thái Bình đã ban hành Kế hoạch số 144/KH-UBND về tổ chức sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Cầu vượt sông Hồng nối 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) nhìn từ trên cao.

Cầu vượt sông Hồng nối 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) nhìn từ trên cao.

Theo đó, thời gian tổ chức sự kiện hợp long cầu sẽ được diễn ra vào 8h ngày 14/9/2024. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Bình do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, mực nước các sông đang lên cao.

Mặt khác, mực nước trên sông Hồng và sông Trà Lý, đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình ngày 11/9/2024 cao hơn mức báo động II và dự báo tiếp tục tăng lên; cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ ở cấp 2 đến cấp 3, gây ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính.

Clip: Công nhân hối hả thi công các hạng mục cuối để chuẩn bị cho hợp long cầu vượt sông Hồng.

Địa điểm tổ chức hợp long cầu vượt sông Hồng có độ cao lớn (trên 12m), khu vực cửa biển Ba Lạt có gió to. Khu vực dự kiến tổ chức sự kiện bị ngập nước do ảnh hưởng của bão và hoàn lưu sau bão; điều kiện thời tiết không thuận lợi, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới việc tổ chức sự kiện.

Đồng thời, để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ, phòng chống thiên tai, UBND tỉnh Thái Bình thông báo dừng thực hiện sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.

Tỉnh Thái Bình dừng tổ chức sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ, phòng chống thiên tai.

Tỉnh Thái Bình dừng tổ chức sự kiện hợp long cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định để tập trung chỉ đạo công tác khắc phục bão lũ, phòng chống thiên tai.

Cầu vượt sông Hồng nối Thái Bình - Nam Định có tổng chiều dài 1,4km với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, nối hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định) là một hạng mục trong dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến bộ ven biển Bắc - Nam (dài 550km đi qua 6 tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa).

Những ngày gần đây mặc dù thời tiết mưa nắng thất thường do chịu ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu bão nhưng để chuẩn bị cho ngày hợp long cầu, tại công trường nhà thầu vẫn tập trung nhiều thiết bị máy móc với hàng trăm cán bộ công nhân kỹ thuật hối hả khẩn trương gấp rút hoàn thiện các hạng mục công trình.

Theo tìm hiểu, cầu sông Hồng có chiều dài 1.400m với 27 nhịp, trong đó có 5 nhịp cầu chính và nhịp chính giữa sông vượt khẩu độ 120m, tổng mức vốn đầu tư của công trình gần 1.000 tỷ đồng.

Đến nay các hạng mục kết cấu chính của cầu như: cọc khoan nhồi, mố, trụ cầu, dầm cầu… của 27/27 nhịp cầu đã hoàn thành, đạt khoảng 98% kế hoạch.

Ngoài ra đơn vị thi công đang triển khai thi công phần đường dẫn chân cầu, các hạng mục phụ trợ như: lan can, hệ thống đèn điện chiếu sáng…

Nhà thầu triển khai thi công tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Nhà thầu triển khai thi công tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Sau khi dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam hoàn thành và đi vào hoạt động, với vị trí chiến lược, phía Bắc giáp các vùng kinh tế tiềm lực như Quảng Ninh, Hải Phòng, phía Nam giáp với Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình sẽ tận dụng được triệt để các lợi về giao thương khi tuyến đường ven biển hoàn thành, trở thành cầu nối liên kết giao thông hành lang ven biển giữa các tỉnh.

Thời gian di chuyển từ Thái Bình đi Hạ Long (Quảng Ninh) còn 90 phút thay vì 2,5 giờ như trước đây, đến Sân bay Vân Đồn chỉ 150 phút và và Cửa khẩu Móng Cái còn 180 phút.

Trần Kim

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dung-to-chuc-su-kien-hop-long-cau-vuot-song-hong-noi-thai-binh-nam-dinh-192240913144244345.htm