Dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh của Paranoma trên đỉnh Mã Pì Lèng

Ngày 14/10, tấm biển 'Panorama Mã Pì Lèng tạm dừng hoạt động' đã được trưng ở quầy lễ tân. Mọi hoạt động kinh doanh của trạm dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng (Hà Giang) đã được dừng lại.

Sáng nay (14/10), lực lượng chức năng huyện Mèo Vạc (Hà Giang) đã trực tiếp đến công trình vi phạm Panorama trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng yêu cầu chủ đầu tư dừng toàn bộ mọi hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Hằng, Chánh văn phòng huyện Mèo Vạc cho biết: "Trước đó, huyện đã mời bà Vũ Thị Ánh, chủ công trình Panorama về huyện làm việc. Tinh thần chung bà Ánh nghiêm túc chấp hành".

Công trình nằm ở vị trí đắc địa, đẹp nhất của đèo Mã Pí Lèng.

Công trình nằm ở vị trí đắc địa, đẹp nhất của đèo Mã Pí Lèng.

Theo ghi nhận trong sáng nay, tấm biển "Panorama Mã Pì Lèng tạm dừng hoạt động" đã được trưng ở ngay quầy lễ tân. Mọi hoạt động kinh doanh của trạm dừng chân này đã được dừng lại. Khách du lịch vẫn có thể vào chụp ảnh hẻm Tu Sản tại địa điểm này.

Trước đó, ngày 11/10, chủ công trình đã cho người sơn phủ Panorama bằng màu xanh thẫm - gần giống với màu lá cây được cho là gần gũi hơn với tự nhiên. Tuy nhiên, động thái này vẫn không đồng nghĩa với việc số phận của công trình sẽ được giữ lại cho đến khi có quyết định của tỉnh Hà Giang.

Mã Pì Lèng Panorama ra thông báo tạm ngừng hoạt động.

Mã Pì Lèng Panorama ra thông báo tạm ngừng hoạt động.

Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang đề xuất tháo dỡ 6 cấp giật theo sườn đèo, giao UBND huyện Mèo Vạc tiến hành cải tạo, chỉnh trang 2 đơn nguyên giáp quốc lộ (phần xây bám mặt quốc lộ gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của du khách.

6 cấp giật theo địa hình sườn núi chạy xuống phía sông Nho Quế bị đề nghị phá dỡ để trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Làm gì để không còn những công trình xâm hại di sản như trên Mã Pì Lèng?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, các di sản, danh thắng nổi tiếng là những tài nguyên quý giá của địa phương, của quốc gia.

Việc khai thác các tài nguyên này để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, phục vụ khách du lịch là nhu cầu chính đáng của các địa phương. Không thể nhân danh bảo vệ các giá trị di sản, danh thắng mà tước đi cơ hội phát triển nhưng cũng không thể vì như thế mà các địa phương khai thác ào ào, phát triển lấy được.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, trong quá trình khai thác tài nguyên từ danh thắng, di sản nổi tiếng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương sẽ nảy sinh những mâu thuẫn nhất định giữa phát triển và bảo tồn. Các sai phạm, đặc biệt là những công trình xây dựng phá vỡ cảnh quan, làm ảnh hưởng đến các danh thắng, di sản tại nhiều địa phương thời gian qua là những trường hợp điển hình.

Các quy hoạch này phải được xây dựng trên cơ sở phối hợp với các chuyên gia, nhà nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Khi làm quy hoạch phải quan tâm chú ý làm sao để người dân địa phương phải là đối tượng được hưởng lợi và khi đã có quy hoạch thì phải thực hiện đúng, không vì lợi ích khác nhau mà phá vỡ quy hoạch.

Nhật Tân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/dung-toan-bo-hoat-dong-kinh-doanhcua-paranoma-tren-dinh-ma-pi-leng-20191014142810144.htm