Đừng trở thành nạn nhân của tiền ảo Pi
Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội (MXH), nhiều người rầm rộ đăng tin về các giao dịch, trao đổi hàng hóa bằng đồng tiền ảo Pi gây nhiều tranh cãi, hoang mang cho dư luận. Chưa cần đến những kiến thức kinh tế, tài chính, nhiều người tỉnh táo chỉ nhìn qua cũng biết đây là chiêu trò thổi giá, 'lùa gà' để bán Pi lấy hàng hóa, tiền mặt và nhiều vật dụng có giá trị, đồng thời người dùng có nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Ảo tưởng đổi Pi lấy tiền thật
Ngày 25/6/2023, trên nhiều trang MXH lan truyền hình ảnh chương trình "Việt Nam GCV 314.159$ Event” được tổ chức tại một nhà hàng ở TP Từ Sơn (Bắc Ninh). Nội dung của chương trình xoay quanh đồng tiền ảo Pi và những giá trị nó mang lại cho người sở hữu. Trung bình mỗi người phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng để có thể tham dự sự kiện, bao gồm chi phí mua đồng phục màu tím, mua vé, ăn uống. Một số mặt hàng có giá trị tại sự kiện như: Xe máy, ti vi, máy giặt, tủ lạnh… được các thành viên trong Ban tổ chức cũng như những người đào Pi mang đến để trao đổi. Điều đáng nói, họ đồng thuận giá trị 1 đồng Pi bằng 7 tỷ đồng, tương đương 314.159 USD. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đây là "chiêu trò” kích cầu của Ban tổ chức nhằm tự đề cao giá trị của Pi.
Nhiều hội nhóm trên MXH được lập với mục đích trao đổi, mua bán Pi lấy tiền mặt và nhiều hàng hóa tương đối náo nhiệt với hàng chục bài đăng hàng ngày. Trên nhóm "Pi Network Việt Nam” trên facebook với khoảng 260.000 thành viên, tài khoản tên M.K viết: "Sau 2 năm cày cuốc dành hết tâm huyết cho dự án, bỏ mặc lời nói của những người không hiểu biết giá trị của Pi. Cuối cùng cũng được hưởng trái ngọt, có giá trị cao đầu tiên mình bỏ 324 Pi trao đổi lấy xe máy Future trị giá 37 triệu”, kèm theo đó là hình ảnh chiếc xe máy Future và ảnh chụp màn hình điện thoại giao dịch chuyển Pi. Nếu tính ra thì 1 Pi có giá trị tương đương hơn 114.000 đồng. Hay có tài khoản khoe mua xe Honda SH với giá 150 Pi, iPad2 với giá 15 Pi… Tuy nhiên, nhiều thành viên muốn gặp gỡ, trao đổi, giao dịch trực tiếp bằng Pi lấy hàng hóa, tiền mặt thì lại rơi vào im lặng, không có ai trả lời.
Được biết, có nhiều bài đăng bán những hàng hóa có giá trị cao và nhận thanh toán bằng Pi nhưng khi có người hỏi mua bằng Pi thì họ không bán, hoặc yêu cầu chuyển cọc Pi trước nhưng sau đó chặn liên hệ. Việc thổi giá, tạo giao dịch ảo để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người liên tưởng tới cơn sốt lan đột biến cách đây không lâu, đánh vào tâm lý sợ bỏ lỡ: "nếu không tham gia, tất cả sẽ trở thành triệu phú trừ bạn”.
Ngày 11/7/2023, tại nhà số 70, đường Chi Lăng (TP Hòa Bình) treo biển "Trao đổi hàng hóa Pi Network”, tuy nhiên đã phải gỡ ngay biển hiệu sau khi các bài đăng lên facebook của cửa tiệm vấp phải nhiều bình luận chỉ trích.
Nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân
Pi Network là ứng dụng ra đời năm 2019, đến nay đã có hàng chục triệu lượt tải tại Việt Nam. Được biết, thứ được gọi là "tiền ảo” này nhiều lần bị các chuyên gia cảnh báo về thiếu tính minh bạch, thậm chí không loại trừ khả năng lừa đảo, có thể được tạo để thu thập thông tin người dùng. Cuối năm 2022, Pi được niêm yết trên một số sàn giao dịch, tuy nhiên đây là đồng Pi được các sàn tự niêm yết, không liên quan đến đồng Pi mà người dùng "đào” thông qua ứng dụng Pi Network trên điện thoại; người dùng cũng không thể chuyển số Pi từ điện thoại lên sàn được.
Sau 1h tải và dùng ứng dụng "Pi Network”, anh K.K.T, tổ 14, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) cho rằng ứng dụng đào Pi này có nhiều vấn đề: "Việc đào những đồng tiền điện tử được niêm yết trên sàn giao dịch như Bitcoin, ETH... đều đòi hỏi cấu hình thiết bị máy tính rất cao, thậm chí đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi máy đào cùng đường truyền internet tốc độ cao, liên tục; việc đào rất tốn công sức, thời gian và cả tiền bạc, cạnh tranh khác. Còn với Pi thì mỗi ngày chỉ cần điểm danh trên điện thoại, xem quảng cáo, lôi kéo thêm người tham gia, thậm chí không cần kết nối mạng, nó gần như miễn phí. Bên cạnh đó, chỉ là một ứng dụng trên điện thoại nhưng "Pi Network” can thiệp rất sâu vào dữ liệu người dùng, yêu cầu tới 28 quyền truy cập, bao gồm các quyền như: yêu cầu cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, kiểm soát danh bạ, sử dụng phần cứng sinh trắc học, sử dụng vân tay, kiểm soát trạng thái mạng... Điều này rất nguy hiểm đối với người dùng, bởi khi lộ lọt nhiều thông tin như vậy, đối tượng xấu rất dễ lợi dụng để can thiệp vào các hoạt động như chuyển khoản tiền gửi ngân hàng hoặc quảng cáo lừa đảo qua điện thoại”.
Giao dịch tiền ảo là vi phạm pháp luật
Theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, ngày 1/7/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, các phương tiện thanh toán có thể sử dụng gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phương thức thanh toán không có trong danh sách trên sẽ không hợp pháp tại Việt Nam. Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng cũng nêu rõ: Những người "phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự” sẽ bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng. Để lách luật, người dùng Pi đã dùng từ "trao đổi” thay cho "thanh toán”.
Hiện, nhiều người vẫn tin rằng với số Pi miễn phí trên một app điện thoại, một ngày nào đó có thể có giá nghìn USD như Bitcoin nên cùng ra sức tung hô, tạo giao dịch ảo trên khắp các diễn đàn, MXH, rất giống với cơn sốt lan đột biến từng khiến nhiều người tan cửa nát nhà. Tiền ảo Pi được các chuyên gia nhận định là vô giá trị, dù cho phát triển đến mức nào đi nữa, bởi chỉ được lưu trên điện thoại người dùng hoặc trên máy chủ, hoàn toàn có thể can thiệp, thay đổi, tạo ra số lượng vô hạn, bao nhiêu tùy thích. Mặc dù giá trị của Pi Network bằng 0 nhưng nhà sáng lập vẫn thu lợi nhuận thường xuyên bằng cách yêu cầu người dùng xem quảng cáo khi khởi động ứng dụng, số lượt tải ứng dụng trên điện thoại hoặc thậm chí bán dữ liệu người dùng.
"Đồng Pi được tạo ra từ một ứng dụng trên điện thoại di động, không có cạnh tranh hoặc số lượng giới hạn nên chắc chắn nó vô giá trị. Người dùng không chỉ mất thông tin cá nhân, tốn thời gian, tài nguyên trên điện thoại mà còn mất công sức để lôi kéo thêm người khác, có thể lại rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo sau đó. Người dùng Pi đang nuôi sống những người sáng lập chứ không phải từ tiền ảo do họ tạo ra” - anh K.K.T chia sẻ.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/180157/dung-tro-thanh-nan-nhan-cua-tien-ao-pi.htm