Dùng trụ tre, gỗ kéo điện, người dân tự đảm bảo an toàn

Một đoạn đường người dân dùng trụ điện bằng gỗ kéo dây điện vượt quốc lộ 25, đoạn qua huyện Sơn Hòa khiến nhiều người lo ngại. Ảnh: NGÔ XUÂN

Hiện nay, vấn đề an toàn lưới điện được rất nhiều người dân quan tâm; nhất là khi mùa mưa bão đến gần. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Thái Minh Châu, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Yên quanh vấn đề này.

* Thưa ông, hiện trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều trụ điện bằng cọc tre, trụ gỗ. Vì sao đến nay, ngành Điện vẫn để tồn tại những trụ điện loại này?

- Theo Quyết định 34/2006 của Bộ Công nghiệp, các loại cột điện bằng tre, gỗ đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn, về kích thước, độ cao (với cột điện vượt đường) vẫn được phép tồn tại hợp pháp. Vấn đề là chủ sở hữu phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo các điều kiện an toàn, đặc biệt là trước mùa mưa bão để tránh gây nên các sự cố hư hỏng, tai nạn.

Sau khi ngành Điện hoàn thành tiếp nhận lưới điện nông thôn năm 2012, lưới điện nông thôn Phú Yên cơ bản hoàn thiện. Toàn bộ lưới điện do ngành Điện quản lý đã được nâng cấp, đảm bảo các điều kiện về an toàn. Tuy nhiên, riêng phần lưới điện sau công tơ của người dân tự đầu tư, quản lý thì vẫn còn nhiều bất cập do hệ thống điện nông thôn cũ để lại từ rất lâu đời.

Hiện nay, tại các khu vực nông thôn, miền núi, người dân sống theo từng cụm dân cư không tập trung nên việc đầu tư lưới điện sau công tơ có phần khó khăn hơn do ngành Điện mới chỉ đủ kinh phí đầu tư lưới điện dọc một số trục đường chính, các khu dân cư tập trung. Với những hộ dân ở sâu trong các thôn xóm thì vẫn phải kéo điện sau công tơ về nhà khá xa. Thêm vào đó, ở nông thôn, điện không chỉ phục vụ chiếu sáng, sinh hoạt mà nhiều hộ còn kéo dài đường dây điện phục vụ sản xuất, bơm tưới, canh tác hoa màu… nên gây nguy cơ mất an toàn.

Ông Thái Minh Châu

Ông Thái Minh Châu

* Ai là người chịu trách nhiệm về an toàn đối với các trụ điện này?

- Theo Luật Điện lực và các thông tư hướng dẫn mua bán điện do Bộ Công thương quy định, ngành Điện phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, đầu tư cải tạo, nâng cấp sửa chữa đến công tơ mua bán điện. Phần từ sau công tơ về nhà thì khách hàng tự có trách nhiệm đầu tư và đảm bảo an toàn. Người dân, doanh nghiệp có thể thuê các đơn vị sửa chữa hệ thống điện khi có hư hỏng.

Năm 2016, Công ty Điện lực Phú Yên đã triển khai dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng thi công, sửa chữa đường dây sau công tơ điện. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 90% khách hàng sử dụng điện đồng ý để các điện lực hỗ trợ dịch vụ sau công tơ. Số còn lại vẫn muốn tự thi công để tận dụng nhân công, vật tư nhằm giảm chi phí. Đối với những đường dây mới, ngành Điện luôn kiểm tra; đảm bảo yêu cầu, các tiêu chuẩn kỹ thuật mới được đấu nối, cấp điện.

* Vậy vai trò, trách nhiệm của ngành Điện trong việc quản lý hệ thống điện sau công tơ như thế nào?

- Hiện nay, việc kiểm tra, kiểm soát an toàn điện do 3 cấp quản lý: cấp tỉnh do Sở Công thương quản lý; cấp huyện do các phòng kinh tế, kinh tế hạ tầng quản lý và cấp xã do cán bộ xã quản lý. Riêng đối với các trục đường thì còn có lực lượng thanh tra giao thông. Khi chủ đầu tư muốn trồng trụ điện trên các tuyến quốc lộ thì yêu cầu phải có thiết kế, xin cấp giấy phép thi công… Với những công trình trồng cột điện có khối lượng dưới 1km thì phải xin Cục Đường bộ cấp phép; khối lượng trên 1km thì phải xin phép Tổng cục Đường bộ với rất nhiều thủ tục.

Đối với hệ thống điện sau công tơ, ngành Điện thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân đảm bảo các điều kiện an toàn. Vào mùa mưa bão, khi có sự cố trên lưới điện, ngành Điện sẽ cô lập lưới điện và yêu cầu người dân khắc phục sự cố mới khôi phục cấp điện.

* Với những hộ dùng trụ điện bằng tre, gỗ có nguy cơ mất an toàn cao, ngành Điện có quyền xử phạt và từ chối cấp điện không, thưa ông?

- Với những hộ dùng trụ điện bằng tre, gỗ đã bị ngã đổ, mục nát, có nguy cơ mất an toàn cao thì ngành Điện được phép lập biên bản, yêu cầu người dân khắc phục. Nếu người dân không chấp hành thì ngành Điện có thẩm quyền ngưng cấp điện cho khách hàng vi phạm.

Tuy nhiên, muốn xác định một đường dây điện mất an toàn để ngưng cấp điện, kiểm tra viên điện lực phải chứng minh về độ mất an toàn của đường dây; lập được biên bản vi phạm hành chính và gửi về chính quyền địa phương ban hành quyết định xử phạt. Điều này sẽ rất khó khăn và cần sự đồng tình, ủng hộ rất cao của chính quyền địa phương.

* Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra từ những trụ điện gỗ, tre mất an toàn. Về lâu dài ngành Điện có kế hoạch thay thế, xóa bỏ những trụ điện này không, thưa ông?

- Đối với ngành Điện, để đầu tư nâng cấp toàn bộ lưới điện nông thôn thì cần một nguồn vốn rất lớn; trong khi khả năng thu hồi vốn rất lâu. Nếu đầu tư nâng cấp thì nguồn vốn này sẽ tính vào chi phí sản xuất điện; từ đó người dân sẽ phải gánh giá thành điện tăng cao. Điều này cũng không khả thi.

Năm 2015, tỉnh được phê duyệt dự án Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia. Dự án có quy mô xây dựng mới gần 78km đường dây trung áp, 377km đường dây hạ áp, 127 trạm biến áp với tổng công suất 14.555kVA; tổng mức đầu tư gần 285 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa bố trí được nguồn vốn. Do vậy, việc đầu tư, nâng cấp lưới điện sau công tơ ở các khu vực nông thôn, miền núi vẫn rất khó khăn. Ngành Điện đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án nhằm xóa bớt các điểm mất an toàn, các đường dây sau công tơ kéo dài gây nhiều nguy hiểm cho người dân.

* Trong khi chờ hỗ trợ của Chính phủ, ngành Điện có những giải pháp gì để đảm bảo an toàn lưới điện; đặc biệt là khi mùa mưa bão đang đến gần?

- Hàng năm, ngành Điện vẫn chủ động bố trí hơn 100 tỉ đồng để nâng cấp, cải tạo cũng như phát triển lưới điện sâu rộng hơn, đến gần với các hộ dân hơn. Đến nay, về cơ bản, lưới điện Phú Yên đã đảm bảo cung ứng điện cho khách hàng. Hiện 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn.

Chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, ngành Điện sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn lưới điện. Đặc biệt, năm nay, Công ty Điện lực Phú Yên yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ lưới điện nông thôn; xác định những vị trí trụ, cột bằng tre, gỗ mất an toàn để yêu cầu người dân sửa chữa, thay thế. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường các giải pháp tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp cho khách hàng trong việc quản lý, vận hành, sửa chữa hệ thống điện sau công tơ đảm bảo an toàn theo quy định.

Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Phú Yên được phê duyệt năm 2015 với mục tiêu đưa điện đến tất cả các thôn buôn, xóm mà hiện lưới điện vẫn chưa đảm bảo an toàn. Dự án này đã được phê duyệt bằng vốn ngân sách nhưng chưa bố trí được kinh phí. Ngành Điện đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án nhằm xóa bớt các điểm mất an toàn, các đường dây sau công tơ kéo dài gây nhiều nguy hiểm cho người dân.

NGÔ XUÂN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/241347/dung-tru-tre-go-keo-dien-nguoi-dan-tu-dam-bao-an-toan.html