Đừng tự làm nghèo di sản

Vụ việc chặt hạ cây đa trước cổng đình Chèm được phát hiện trong quá trình tu sửa di tích khiến nhiều người yêu di sản tiếc nuối. Nhiều người cho rằng, với một cái cây lớn đã tồn tại hơn 20 năm tại một di tích quốc gia đặc biệt thì mỗi tác động, dù lớn hay nhỏ đều phải cân nhắc kỹ càng.

Sự việc tại đình Chèm gợi nhớ đến tình huống tương tự từng diễn ra tại đình Voi Phục năm 2009, khi hàng loạt cây xanh, đại thụ cũng đột ngột bị chặt hạ, khiến dư luận bức xúc. Từ vụ việc này, một lần nữa câu chuyện ứng xử với di sản lại được đặt ra.

Đập cũ xây mới

Những vụ việc “đập cũ xây mới” ở các di tích, thậm chí là di tích quốc gia khiến nhiều người yêu di sản bức xúc. Sau thành nhà Mạc cổ kính được tu sửa thành “lò gạch mới”, năm 2018, đình Lương Xá (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) 300 năm bị đập đi xây mới hoàn toàn bằng bê tông cho “khang trang” hơn vẫn tiếp tục được nối dài.

Rồi đình Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) người ta sẵn sàng loại bỏ các thành phần điêu khắc cũ làm lại cái mới; rồi thay cái cổng cũ bằng cổng mới to hơn ở chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Năm 2021, bia đá cổ 342 năm tuổi ở chùa Thổ Hà bị vỡ khi di dời nhằm mục đích nâng cao nền khuôn viên chùa mà không hề có giải pháp tương ứng để bảo vệ một cổ vật của di tích đã được xếp hạng.

Di tích đình Chèm được tu sửa.

Di tích đình Chèm được tu sửa.

Việc sửa chùa theo kiểu “nhiệt tình cộng kém hiểu biết thành phá hoại” một lần nữa gióng lên hồi chuông về sự trùng tu di tích kiểu đập cũ, xây mới. Hầu hết các di tích kể trên đều là di tích quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt nhưng vẫn bị tu sửa tùy tiện.

Trở lại vụ việc đình Chèm, theo ông Nguyễn Mạnh Thìn, trưởng ban khánh tiết đình Chèm, đây là giống cây đa đỏ mới được trồng từ năm 1998 để tạo bóng mát, không phải cổ thụ hay cây di sản. Trước khi bị chặt hạ, cây đa có hiện tượng nghiêng 25 độ về phía nghi môn nội (tàu tượng) và nghi môn ngoại (cột đồng trụ) của đình Chèm, có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Do tâm lý lo sợ mùa mưa bão tới gần, cây sẽ gây nguy hiểm nên ngày 18-3, cây đa đã bị chặt hạ.

Trên thực tế, việc đề nghị chặt hạ cây đa đã bắt đầu từ năm 2021. Ban tế tự, ban khánh tiết của đình Chèm đã có đề nghị gửi lên các cấp chính quyền. Tháng 7-2021, trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích, bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương đã ghi nhận và hứa sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Tuy nhiên, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền quyết định, UBND phường Thụy Phương đề nghị ban khánh tiết đình Chèm giữ nguyên trạng cây đa trước nghi môn, không tự ý chặt hạ cây. Nhưng, việc chặt hạ vẫn xảy ra.

Cây đa ở đình Chèm chỉ còn lại gốc

Cây đa ở đình Chèm chỉ còn lại gốc

Ngày 19-3-2022, trong biên bản kiểm tra hiện trạng, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Thị Thanh Loan kết luận, trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền, việc ban khánh tiết đình Chèm tự ý chặt hạ cây đa trước nghi môn mà không báo cáo UBND phường và các cấp có thẩm quyền là không đúng quy định.

Tu bổ tùy tiện

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, ngày 24-3, Cục đã có văn bản yêu cầu Sở VH-TT Hà Nội kiểm tra thực tế, báo cáo UBND TP Hà Nội và gửi Bộ VH-TT&DL về việc chặt cây đa và tu sửa tại di tích như báo chí đã nêu. Chiều 25-3, Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Phòng VH-TT quận Bắc Từ Liêm tiến hành thanh tra những nội dung này.

Bia đá chùa Thổ Hà bị vỡ khi tu bổ.

Bia đá chùa Thổ Hà bị vỡ khi tu bổ.

Ông Trần Đình Thành cho biết, trước nay không có nhiều đề nghị chặt hạ, loại bỏ cây xanh trong các di tích. Trong hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích do Bộ VH-TT&DL thẩm định, nhiều dự án đều có phương án di dời dựa trên sự chủ động đề xuất của ban quản lí di tích và ngành văn hóa địa phương cho thấy cái cây đó cần thiết phải di dời. Nếu đánh giá là cây bụi, cây mới, chủng loại cây không phù hợp với tính chất di tích thì cân nhắc giữa hiệu quả di dời với chặt bỏ xem phương án nào hiệu quả. Nếu cây có giá trị cảnh quan thì xem xét việc di dời để bảo vệ cảnh quan và hiệu quả về kinh tế. “Quan điểm nhất quán là phải đặt di sản lên trên hết”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Về sự việc ở đình Chèm, theo ông Thành, hiện Cục đang chờ kết quả báo cáo từ Sở VH-TT Hà Nội. Việc này cần thận trọng, cân nhắc và đánh giá tổng thể các khía cạnh. “Theo báo cáo và đánh giá từ ban khánh tiết, cây đa không phải loại đa truyền thống cũng như không phải yếu tố gốc của di tích, tuy nhiên ban khánh tiết đã đột ngột chặt hạ cây đa khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền cũng như có thêm thông tin, động thái cần thiết để tránh sự bất ngờ với người dân...”, ông Thành nói.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đình làng Việt, các di tích quốc gia đặc biệt ở Hà Nội đang được chính quyền quan tâm đầu tư thích đáng để tu bổ, phát huy giá trị. Nhưng, trong thời gian qua, công tác quản lý, tu bổ ở các di tích kiến trúc cổ có nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là các di tích được xếp hạng, thường xuyên diễn ra sự tùy tiện trong quá trình tu bổ, sửa chữa. “Nhiều di tích khi tu bổ bị sai lệch so với nguyên gốc, chỉ khi truyền thông lên tiếng thì sự việc mới vỡ lở, các cơ quan chức năng mới vào cuộc. Đây là lỗ hổng rất lớn trong việc quản lý tu bổ di tích, lỗ hổng này đã có từ lâu và cần được các cơ quan quản lý sớm có giải pháp khắc phục...”, ông Bình nói.

Cần chuyên nghiệp hóa đội ngũ tu bổ di tích

Ngày 1-7-2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2016/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó quy định khá đầy đủ và chi tiết về điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích nhằm chuyên nghiệp hóa đội ngũ thực hiện công việc này. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn còn rất nhiều địa phương, nhiều di tích bị tu bổ theo kiểu đập cũ làm mới.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hiện tượng nơi này, nơi kia vẫn còn để xảy ra tình trạng làm sai lệch giá trị vốn có của di tích, bỏ di tích gốc để xây dựng công trình mới hơn, hoành tráng hơn, thậm chí xây dựng không phép giữa vùng lõi của di sản thế giới đã làm nghèo đi giá trị di tích, ảnh hưởng đến phát triển bền vững trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc di tích bị biến dạng, hư hại và mất mát giá trị trong quá trình thực hiện các hoạt động bảo tồn, trùng tu. Sau các sự cố đáng tiếc đã xảy ra, có thể thấy trong từng trường hợp, trách nhiệm trực tiếp thuộc về chính quyền địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý di tích, đơn vị tư vấn, nhà thầu hay thợ nghề. Như vậy, sai lầm của nhiều khâu đã gây hại cho di tích”, ông Tiêu nói.

Đình Lương Xá hơn 300 tuổi bị bê tông hóa

Đình Lương Xá hơn 300 tuổi bị bê tông hóa

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) cho rằng, hoạt động bảo tồn di tích, di sản ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Để cải thiện thực trạng này, có nhiều việc phải làm nhưng trong đó vấn đề thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và những người thực thi là tối quan trọng.

Theo ông Vinh, công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ làm công tác trùng tu di tích cũng như chuyên nghiệp hóa đội ngũ này đang làm là việc cấp thiết hiện nay. Việc bảo tồn di tích là việc phức tạp, đôi khi người dân có ý thức tốt nhưng không phải ai cũng có đủ năng lực để làm, vì vậy việc trùng tu di tích phải giao cho những người thực sự có nghề thì mới tránh được trùng tu sai lệch, đấy mới là cốt lõi của vấn đề.

Một đơn vị trùng tu di tích chuyên nghiệp là phải có đội ngũ chuyên nghiệp, tức là có cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và thợ chuyên ngành được trang bị kiến thức đầy đủ, có năng lực vận hành những kiến thức đó vào công việc và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trên thực tế, nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ bảo tồn, trùng tu di tích còn rất mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều tổ chức có đủ điều kiện hành nghề trùng tu di tích nhưng không thực sự chuyên nghiệp lại vẫn đã và đang là các nhà thầu nhận nhiệm vụ trùng tu di tích, vì thế mới xảy ra những hệ quả đáng tiếc.

Từ thực tế này, vấn đề đào tạo chuyên ngành bảo tồn di tích phải được nhìn nhận một cách đúng đắn và đầy đủ hơn. Chỉ khi có sự đầu tư thích đáng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản về đào tạo thì mới có thể cải thiện và nâng cao nhận thức của xã hội về lĩnh vực này, một điều kiện tiên quyết để hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam đi vào đúng quỹ đạo của nó và có hiệu quả tốt trong sự phát triển chung của đất nước.

“Với số lượng di tích và nhu cầu trùng tu nhiều như hiện nay thì lực lượng nhân lực của chúng ta còn thiếu và yếu. Nhưng, thà giảm đi một chút khối lượng công việc mà chúng ta đang nỗ lực để tiến hành các việc trùng tu để tập trung vào những cái trọng điểm như là xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp về công tác bảo tồn trùng tu. Còn hơn chúng ta cố gắng đạt được những mức độ nào đó như mong muốn đặt ra nhưng thực tế hiệu quả không tốt”, kiến trúc sư Lê Thành Vinh nêu quan điểm.

Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, UNESCO xác định, di sản văn hóa và thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biết mất, do xuống cấp hoặc bị hủy hoại, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Thảo Nguyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/dung-tu-lam-ngheo-di-san-i649151/