Đừng tự làm xấu mặt mình
Ngày 15-3 vừa qua, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) chính thức thông tin không kinh doanh lĩnh vực taxi, không liên quan đến vụ tài xế hãng taxi Saigontourist (thuộc Công ty Cổ phần Vận chuyển Saigontourist) bắt chẹt du khách người Nhật.
Sự việc khiến chúng ta liên tưởng tới hàng loạt vụ du khách đi taxi bị chèn ép, tính giá đắt thời gian qua. Đáng buồn là dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhiều cảnh báo cũng được đưa ra nhưng du khách nước ngoài và người Việt Nam vẫn bị bắt chẹt như vậy tại các điểm đến du lịch. Không chỉ đi taxi bị tính đội tiền, khách vào nhà hàng, quán trọ, thậm chí đi trên đường... cũng bị các đối tượng tìm cách lừa dùng dịch vụ rồi tính tiền với giá “cắt cổ”.
Với những người này, lừa và chèn ép được càng nhiều du khách thì càng thu được nhiều lợi ích vật chất. Họ quên mất rằng ngoài bị phạt, họ còn khiến cộng đồng kinh doanh cùng mặt hàng mang tiếng xấu, dịch vụ họ cung cấp sẽ bị khách hàng mách nhau “cạch mặt”. Khi ấy, chính họ cũng là những người mất việc. Làm ăn mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, không xây dựng và bảo vệ uy tín, họ đang tự đạp đổ “nồi cơm” của chính mình!
Đáng tiếc rằng trong xã hội của chúng ta, người bán hàng lừa đảo, chèn ép người mua, du khách đã đành, có những người "khôn lỏi” còn làm hàng kém chất lượng, chế biến thực phẩm bẩn, sử dụng thuốc tăng trọng để lừa người tiêu dùng; lấn chiếm đất, vỉa hè, lòng đường; xả thải gây ô nhiễm môi trường làm phương hại cho xã hội. Nguy hiểm hơn, suy nghĩ “lợi mình, kệ người” còn len lỏi cả trong ngành giáo dục. Vẫn còn những người dạy, người học, nhà quản lý giáo dục chỉ lo về điểm số, bằng cấp mà chưa quan tâm đến chất lượng, kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Thậm chí, trong làm chính sách đôi khi vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm chi phối. Những người này đều biết hệ lụy từ việc làm của mình nhưng lại cho rằng hệ lụy ấy ảnh hưởng đến người khác chứ không phải bản thân hay gia đình mình. Họ không suy nghĩ xa hơn, rộng hơn rằng tất cả những hành động đó dù không ảnh hưởng trực tiếp nhưng bằng cách này hay cách khác cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp tới họ và người thân.
Trở lại câu chuyện với khách du lịch, trong tuần qua, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, ban ngành chức năng cùng tìm nguyên nhân, giải pháp để khôi phục du lịch khi năm qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau đại dịch Covid-19 không được như kỳ vọng, số khách quay trở lại đất nước ta lại càng ít hơn. Thế nhưng nguyên nhân về cách làm dịch vụ "được chăng hay chớ" đang làm xấu hình ảnh của Việt Nam dù đã được nhắc đến nhiều, nhưng cải thiện chưa đáng kể. Tài xế taxi chèn ép khách du lịch hay lối suy nghĩ, tư duy chỉ biết đến cái lợi trước mắt đều gián tiếp xua đuổi du khách. Công sức của bao nhiêu người nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, mến khách bị hủy hoại, nhưng vẫn chưa có các biện pháp trừng phạt thích đáng những người cố tình làm sai. Có lẽ, họ vẫn nghĩ rằng hành động của mình là không quá nghiêm trọng. Có lẽ, họ cũng nghĩ rằng còn nhiều người tham lam giống họ; họ còn nghĩ rằng nếu có bị xử phạt rồi cũng qua đi, họ lại vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường mà thôi. Vì thế, thiết nghĩ ngoài giáo dục tuyên truyền, chúng ta cũng cần có những hình phạt nặng hơn, không chỉ đánh vào lợi ích vật chất mà cả lợi ích tinh thần, để mỗi người tự thấy xấu hổ mà tránh xa những hành động sai trái.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/dung-tu-lam-xau-mat-minh-722090