Đừng tự mãn
Trong những báo cáo của giới phân tích kinh tế về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2018, Goldman Sachs và Barclays lạc quan nhất: dự báo tăng trưởng 4%, trong đó các nền kinh tế khối G7 sẽ tăng trưởng cao hơn dự đoán lần đầu tiên kể từ năm 2010.
Tỷ lệ 4% là mức cao nhất kể từ năm 2011, và cao hơn mức 3,7% của năm 2017 theo ước tính của Goldman Sachs. Đa số các nền kinh tế lớn thậm chí sẽ vượt qua các mức trung bình của giai đoạn trước khủng hoảng tài chính, theo báo cáo Triển vọng kinh tế hồi tháng 11-2017 của tổ chức này. Nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs nói rằng tăng trưởng toàn cầu năm 2018 “không còn gì tốt hơn”.
Trong một báo cáo hồi tháng 11 của Barclays, hai nhà kinh tế Ajay Rajadhyaksha và Michael Gavin nhận định rằng sự tăng trưởng kinh tế đang diễn ra có đà tăng tiến đáng kể, không quá phụ thuộc vào một vùng địa lý, ngành, hay nguồn cầu duy nhất nào, và dường như không tạo ra sự thừa thãi kinh tế hay tài chính nào có thể gây nguy hại trước mắt.
Morgan Stanley có quan điểm vừa phải hơn. Báo cáo Triển vọng vĩ mô toàn cầu năm 2018 của ngân hàng này tiên đoán năm tới sẽ là năm của hồi phục kinh tế toàn cầu, được hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ có tính điều chỉnh cho hài hòa và thêm biện pháp kích thích bằng chính sách tài khóa.
Tuy dự báo tăng trưởng cao như vậy, giới phân tích kinh tế không nghĩ là lạm phát sẽ tăng mạnh, mà hầu hết tiên đoán, là sẽ tăng từ từ. Goldman Sachs có dự báo mạnh dạn nhất, cho rằng Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm tới.
Trong báo cáo bán niên công bố hôm 28-11-2017, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo sản lượng toàn cầu sẽ tăng 3,7% trong năm 2018, mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, trước khi giảm xuống còn 3,6% vào năm 2019. Kinh tế Mỹ sẽ đạt tới đỉnh điểm năm tới, còn khu vực đồng euro, Nhật và Trung Quốc có thể sẽ tăng trưởng chậm lại trong cả năm 2018 lẫn 2019. Vương quốc Liên hiệp Anh hiện đã có chiều hướng đi xuống. Còn Ấn Độ và Brazil được dự đoán sẽ tránh được xu hướng toàn cầu đó, với GDP dự báo sẽ tăng tới năm 2019.
Đừng tự mãn
Trong một bài đăng trên blog hồi tháng 12-2017, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nói, “khoảng hai phần ba dân số thế giới đang có mức tăng trưởng nhanh hơn”. Thành quả này đã khiến nhiều nhà kinh tế lạc quan. Hãng Nomura nằm trong số lạc quan nhất: “Tăng trưởng toàn cầu hiện nay có nhiều đặc điểm tự củng cố hơn bất cứ lúc nào khác trong vòng 20-30 năm qua”.
Tuy nhiên, OECD cảnh báo giới đầu tư về tâm lý lạc quan quá mức. Giá tài sản đầu tư đã lên mức quá cao đối với nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2018, và nếu thị trường tụt dốc thì có thể tác hại tới tăng trưởng. Theo OECD, do chỉ số chứng khoán thế giới MSCI World Index đã tăng khoảng 18% trong năm 2017 và hơn gấp đôi vào tháng 2-2009, vì vậy xác suất có những điều chỉnh “đột ngột” là khá cao.
Stephen S. Roach, nguyên Chủ tịch Morgan Stanley Asia, nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley, nay là Giáo sư Đại học Yale, cảnh báo rằng tâm lý tự mãn do sự thống nhất trong dự báo tăng trưởng cao có thể bị thử thách trong năm 2018. Viết trên trang Project Syndicate hôm 23-12-2017, ông bình luận rằng phép thử đó có thể xuất phát từ một cú sốc, đặc biệt nếu xét tới rủi ro đang tăng về một cuộc chiến tranh thực sự (với CHDCND Triều Tiên), một cuộc chiến thương mại (giữa Mỹ và Trung Quốc), hay vỡ bong bóng tài sản đầu tư (như Bitcoin).
Nhưng theo ông, phép thử thực sự có thể là một yếu tố mang tính hệ thống. Kinh tế thế giới sắp chứng kiến ba xu hướng lớn: chính sách tiền tệ khác thường, nền kinh tế thực (hàng hóa và dịch vụ thực) quá phụ thuộc vào tài sản đầu tư (hiện đang tăng giá quá cao), và bức tranh tiết kiệm toàn cầu thay đổi theo hướng gây bất ổn. Tỷ lệ tiết kiệm ở Mỹ chỉ có 17% và còn giảm nữa do kích cầu bằng chính sách tài khóa, trong khi tiết kiệm ở Trung Quốc đã giảm từ mức cao 52% năm 2010 xuống còn 46% năm 2016 và còn giảm nữa trong năm năm tới. Tiết kiệm thặng dư ở Trung Quốc đang ngày càng hướng nội dành cho giới tiêu dùng trung lưu đang tăng, nên giảm bớt nguồn vốn dành cho những nước khác cần vay). Ông nhận định rằng ít nhất một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho sự tự mãn này có thể sụp đổ trong năm 2018.
Ba rủi ro lớn
Tuy nhiên, có nhiều rủi ro chính trị và kinh tế thách thức hiện trạng kinh tế toàn cầu, đáng kể nhất là ba rủi ro về ngân hàng trung ương, thương mại, và các bong bóng đầu tư.
Thứ nhất là mối nguy cơ sai lầm về chính sách, đẩy người vay nợ vào thế khó khăn.
Thành tựu kinh tế toàn cầu năm 2017 phần nào là do sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ hết sức nới lỏng và việc các ngân hàng trung ương khéo léo quản lý các nỗ lực giúp thế giới “cai” tín dụng lãi suất thấp trong thời gian dài.
Năm 2018, Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu đang từ từ cắt giảm mua tài sản và Trung Quốc cũng đang tăng lãi suất.
Tất cả những hành động này đang được giới hoạch định chính sách thực hiện thận trọng, nhưng sai lầm có thể xảy ra và bất cứ thay đổi lớn nào cũng có thể làm giảm mạnh chi tiêu tiêu dùng và chi đầu tư của doanh nghiệp.
Chetan Ahya, đồng Trưởng ban Kinh tế của Morgan Stanley, viết trong báo cáo triển vọng năm 2018: “Rủi ro ổn định tài chính gây nguy cơ lớn cho sự tiếp tục chu kỳ (tăng trưởng) hơn rủi ro ổn định giá”, và nhận định rằng doanh nghiệp Mỹ chịu tác động lớn nhất do lãi suất cao hơn. Như vậy, có nghĩa là chính sách tiền tệ siết chặt để hạn chế tăng trưởng quá nóng hay rủi ro lạm phát có thể dẫn tới tình trạng thiếu tín dụng.
Rủi ro thứ hai liên quan tới việc Mỹ trở lại chủ trương bảo hộ hoặc bất bình về kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đến nỗi trả đũa bằng các rào cản thương mại bóp nghẹt tăng trưởng.
Từ khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tiếp tục khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” như đã hứa khi lúc tranh cử, và có những hành động nhân danh lợi ích Mỹ để làm phật lòng giới chủ trương đa phương. Ví dụ, Mỹ đã mở cuộc điều tra về thép nhập khẩu, cản trở việc bổ nhiệm các thẩm phán ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), rút khỏi hiệp định TPP.
Những biện pháp khác chưa tiến triển bao nhiêu, nhất là lời dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và lời hứa trừng phạt Trung Quốc về những tập quán thương mại không công bằng.
Trong chuyến công du châu Á hồi tháng 11-2017, ông Trump viết trên Twitter, “những khoản thâm hụt thương mại đó phải nhanh chóng giảm xuống”. Nếu luận điệu đó biến thành hiện thực, môi trường kinh tế năm 2018 có thể nhanh chóng u ám.
Theo tổ chức nghiên cứu Conference Board ở Mỹ, hoạt động kinh tế của Trung Quốc liên quan tới thị trường Mỹ cao gần 5 lần so với mức của Mỹ liên quan tới thị trường Trung Quốc. Do vậy, bất cứ rào cản thương mại nào cũng có thể ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng của Trung Quốc, mà tăng trưởng của Trung Quốc lại góp phần lớn vào tăng trưởng của những nước xuất khẩu như Đức.
Như vậy không chỉ là chuyện Mỹ-Trung. Ngân hàng Thế giới ước tính thương mại toàn cầu chiếm 52% GDP thế giới, hơn gấp đôi so với tỷ lệ cách đây 50 năm.
Thứ ba là thị trường đột ngột sụp đổ, làm giảm cầu.
Giới kinh tế đã rút ra bài học kinh nghiệm là những cú sụp đổ thị trường tài chính trong thế kỷ này thường kéo cả nền kinh tế xuống theo.
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu đã giảm từ mức khoảng 4,4% năm 2000 xuống còn khoảng 1,9% năm 2001, khi bong bóng dot.com bị vỡ, và cuộc khủng khoảng tài chính đã khiến tăng trưởng giảm từ khoảng 4,3% năm 2007 xuống còn 1,7% năm 2009. Những thua lỗ thình lình của công cụ đầu tư tài chính khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng ngừng chi tiêu, dẫn tới tăng trưởng giảm, tăng thất nghiệp, và vỡ nợ.
Phạm Vũ Lửa Hạ
Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/267240/dung-tu-man.html