Đừng tự trách vì không thể tự phát hiện lỗi chính tả, não bạn chỉ đang tìm 'lối tắt'

Mắc lỗi chính tả không hẳn là vì chúng ta bất cẩn, mà ngược lại, do não đang hoạt động hết công suất.

Cuối cùng bạn đã hoàn thành xong bài viết hoặc hoàn thành email gửi sếp. Bạn đã rất vất vả lựa chọn từ ngữ, đau đầu sắp xếp câu cú chính xác. Bạn đọc đi đọc lại để chắc chắn không bỏ sót một lỗi nào. Tuy nhiên, đến khi người khác (giáo viên, độc giả, sếp) đọc nội dung bạn viết, thứ đầu tiên họ chú ý lại không phải là thông điệp trong bài mà là một lỗi chính tả dễ phát hiện.

Lỗi đánh máy, lỗi chính tả là “kẻ thủ ác” khiến cho toàn bộ những lập luận của bạn trở nên lỏng lẻo, thiếu logic, thiếu thuyết phúc. Khi bạn đang “khẩu chiến” trên mạng với ai đó hay đang cãi nhau qua tin nhắn, chỉ cần đối phương chỉ ra điểm sai của bạn, bạn sẽ cảm giác như mình bị hạ gục ngay lập tức. Nhưng đó là khi chúng ta đang nhắn tin rất nhanh, bỏ sót chữ là hoàn toàn dễ hiểu, vậy tại sao với một bài viết (đủ) chỉn chu và đã được rà soát nhiều lần, ta vẫn lướt qua các chi tiết nhỏ?

Khả năng khái quát hóa của não bộ đang hoạt động hết công suất

Nhà tâm lý học Tom Stafford, Đại học Sheffield, Anh, giải thích lý do mắc lỗi chính tả không hẳn là vì chúng ta bất cẩn, mà ngược lại, đó là vì những gì chúng ta đang làm những việc đòi hỏi tư duy bậc cao, chúng ta đang hoạt động hết công suất để truyền tải ý nghĩa đầy đủ qua lời viết.

Khi thực hiện các công việc cấp cao, bộ não sẽ tự động khái quát hóa các phần đơn giản hơn (ví dụ như từ vựng) để tập trung vào các nhiệm vụ phức tạp (kết hợp, liên kết các câu thành một ý lớn). Stafford nói: “Con người không có khả năng nắm bắt mọi chi tiết, chúng ta không giống máy tính hay cơ sở dữ liệu. Thay vào đó, ta dùng các tri giác để cảm nhận thông tin”.

Hơn nữa, sau khi hoàn thành bài viết và đọc lại bài, chúng ta vốn đã biết trước nội dung nên sẽ chỉ tập trung phân tích xem ý nghĩa đã đủ mạch lạc, trôi chảy hay chưa. Và dĩ nhiên, mọi lỗi nhỏ nhặt ví dụ như thiếu dấu câu sẽ bị bỏ qua.

Khả năng khái quát hóa của bộ não cũng giống cách chúng ta hình dung những nơi quen thuộc, cảm nhận mùi vị thân quen hay đi một đoạn đường mà ngày nào ta cũng đi. Hiểu đơn giản đây là cách bộ não hình thành “lối tắt”. Ví dụ, ngày nào bạn cũng đi làm trên một con đường, bạn đã quá quen đến mức không cần tập trung vẫn có thể đi đúng hướng, nhưng đôi khi cũng gây ra hậu quả là thay vì lái xe đến quán cà phê thì bạn lại lái xe đến công ty.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn viết và đọc lại bài viết. Bạn đã biết đích đến nên chỉ tập trung phân tích xem luận điểm đã được dẫn dắt phù hợp chưa, còn các lỗi chính tả thì chỉ đọc lướt qua. Tuy nhiên, độc giả là người lần mò theo con đường bạn vẽ ra, chính vì là lần đầu tiên đi nên họ có xu hướng để ý đến các tiểu tiết xung quanh để “không bị lạc đường”.

Bộ não có chức năng “sửa từ”

Kể cả khi bạn đã chú ý đến từng chi tiết nhỏ trong câu, bộ não, bằng một cách kỳ diệu nào đó, vẫn không nhìn ra lỗi sai chính tả. Các nhà khoa học khám phá não của chúng ta có thể tự động sửa từ sai thành từ đúng, miễn sao khi đọc vào cả đoạn văn vẫn hiểu ý chính. Ví dụ, ta sẽ sửa từ “khôn” thành “không”, “thườg” thành thường”. Ngay cả khi cấu trúc câu bị lộn xộn một chút thì ta vẫn có khả năng sắp xếp câu chữ lại.

Điều này cho phép ta đọc nhanh và hiệu quả mà không bị khựng lại do lỗi chính tả. Đó là lý do vì sao những người có khả năng đọc nhanh không bao giờ đọc từng từ một nhưng vẫn có khả năng tiếp thu kiến thức.

Làm sao để giảm thiểu “nguy cơ”

Tất nhiên, lỗi chính tả là điều mà ai cũng có thể mắc phải. Tuy vậy, nếu bạn làm nghề viết hoặc liên quan đến việc biên tập câu chữ, chắc chắn “đỉnh cao” mà bạn phải đạt tới là giảm lỗi sai chính tả đến mức tối đa. Dưới đây là một số gợi ý để bạn chuẩn xác hóa bài viết:

- Cách đầu tiên là phải tạo ra một cảm giác không quen thuộc. Đừng chỉ đọc đi đọc lại bài viết của bạn trên màn hình máy tính, hãy thử thay đổi phông chữ, màu nền, hoặc in ra và chỉnh sửa bằng tay.

- Coi bản thân là một độc giả sẽ giúp ta nghiêm khắc hơn với chính mình.

- Đọc bằng miệng bài viết của mình.

- Đọc ngược văn bản.

- Loại bỏ tiếng ồn và những thứ gây mất tập trung xung quanh.

- Nếu không vội vàng, bạn có thể để bài viết ở đó rồi đọc lại sau 2-3 tiếng, thậm chí sau vài ngày.

- Sử dụng các công cụ phát hiện lỗi chính tả tự động.

- Nhờ bạn bè, người thân đọc qua bài viết một lượt.

- Ghi chú lại những lỗi chính tả bạn thường mắc phải.

Hãy thử in tài liệu và tìm lỗi sai thủ công

Hãy thử in tài liệu và tìm lỗi sai thủ công

Đông Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dung-tu-trach-vi-khong-the-tu-phat-hien-loi-chinh-ta-nao-ban-chi-dang-tim-loi-tat-20230118163704515.htm