Đúng và đủ - nhìn từ việc xử phạt lĩnh vực môi trường
ĐTO - Trong lĩnh vực xã hội, đúng và sai thuộc quan niệm về chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Nó được thừa nhận bởi một nhóm người, cộng đồng, dân tộc hay quốc gia. Hầu hết các quy định hay điều luật đều dựa trên những cơ sở nhận thức và thực tiễn được cho rằng chắc chắn đúng và bắt buộc phải thi hành. Trên thực tế, xem xét ở một mặt nào đó, không ít trường hợp có vẻ đúng nhưng không thật trúng. Điểm thiếu ấy chính là “đủ”. Hãy cùng bàn luận quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn để hiểu rõ hơn cái gọi là đúng nhưng cần đủ.
Trước hết, chúng ta nên lướt qua lịch sử của văn bản này. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/ NĐ-CP ngày 7/7/2022 “Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” và có hiệu lực vào ngày 25/8/2022 (gọi tắt Nghị định 45). Nghị định này thay thế Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ và Nghị định số 55/2021/ NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/ NĐ-CP”. Nghị định 45 có 78 Điều với 3 chương. Cũng cần phải hiểu xử lý trên lĩnh vực môi trường trên rất nhiều nội dung (xả nước thải; thải bụi, khí thải; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa; chất thải rắn; chất thải; tái chế sản phẩm, bao bì; nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; nhập khẩu phế liệu; di sản thiên nhiên; biến đổi gen...). Bài viết chỉ “mượn” một nội dung về chất thải rắn làm nền cho câu chuyện về đúng và đủ.
Quy định về xử phạt trong lĩnh vực môi trường nói chung, đối với chất thải rắn nói riêng là hoàn toàn đúng. Không đúng sao được khi sự vi phạm ấy có hại đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người và cộng đồng. Toàn thể loài người trên hành tinh này đang trong cuộc chiến để xây dựng hành tinh của chúng ta xanh. Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26 - The United Nations Climate Change Conference of the Parties). Một lần nữa có thể xác quyết, quy định về xử phạt vi phạm liên quan đến chất thải rắn là đúng, rất đúng. Nhưng, chúng ta sẽ thấy quy định ấy thiếu chữ “đủ” khi xem xét quy định chi tiết của nó bởi thời gian áp dụng. Xin nhắc lại, quy định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 (khi chúng ta bàn luận thì phải tuân thủ rồi). Tại khoản 1, Điều 26 “Vi phạm các quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, đổ, đốt, xử lý chất thải rắn thông thường” nêu: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định”. Có thể dễ dàng nhận thấy, tính đến thời điểm hiện tại, nhiều hộ gia đình, cá nhân là đối tượng bị xử lý. Chúng ta tự hỏi, một quy định đúng lại làm cho nhiều người bị “việt vị” thì quy định ấy có trúng không. Bản thân điều luật, pháp luật có tính bắt buộc thi hành, đến mức cưỡng chế để thi hành. Ngược lại, dễ dãi, tùy tiện thi hành hoặc không thi hành sẽ gây nên trạng thái khinh nhờn pháp luật. Quy định này đang đứng trước tình thế người chấp hành như bị “ép” chấp hành hay “chẳng sao cả” khi không chấp hành. Rõ ràng, trong trường hợp này, Quy định cần có yếu tố “đủ”. Những điểm đủ có thể ghi nhận sau:
- Cần được mọi người nhận thức đầy đủ.
Không “vơ đũa cả nắm” hoặc kết luận hồ đồ, nhưng có thể nhận ra rằng số người hiểu rõ nội dung Khoản 1, Điều 26 không nhiều. Do vậy, thông qua các phương tiện truyền thông và hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cấp cơ sở tập trung tuyên truyền, giải thích để mọi hộ gia đình, mọi người dân thấu hiểu. Đúng như sự khuyến cáo: Nói cho dân hiểu, dân thông, dân làm.
- Cần có thời gian đủ để thói quen trở thành phổ biến.
Cũng như bao hành vi khác, hành vi tốt cần phải có thời gian thực tập, thực hành. Tất cả các phong trào ở cấp cơ sở mà nhất là cuộc vận động xây dựng “Gia đình văn hóa” nên hướng vào việc làm này và thúc đẩy liên tục để thao tác ấy trở thành tự nhiên, thông lệ, phổ biến.
- Cần có điều kiện, phương tiện đối với các chủ thể tiến hành.
Việc phân loại và “bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt” (theo quy định - đến nay cơ quan chức năng chưa có quy định) đòi hỏi phải có các dụng cụ cần thiết đối với gia đình và tổ chức vận chuyển, xử lý. Mặt dù chuyện nhỏ và “quá đơn giản”, nhưng không dễ cho các đối tượng thi hành. Nó cần được trang bị, lắp đặt.
- Cần nhắc nhở, cam kết và xử phạt từng bước.
Một xã hội thượng tôn pháp luật, mỗi người phải có ý thức tìm hiểu và tuân thủ. Không có ngoại lệ, không thể “viện cớ”. Nhưng như phân tích bên trên, Quy định đang như “bẫy việt vị”, số đông mà trong đó không ít người được cho rằng nhóm ưu tú, người tiên tiến trong xã hội cũng rơi vào tình trạng vi phạm. Do vậy, với lợi thế hệ thống chính trị của mình, các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nhắc nhở, cho cam kết trong một thời gian nhất định và tiến dần đến xử phạt theo quy định. Cũng cần nhận thức, bản thân việc xử phạt là một hình thức giáo dục và răn đe cần thiết.
Rác nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng là chuyện quá nhỏ so với nhiều việc có tính đại sự. Nhưng vì là hành vi thuộc lối sống của cộng đồng nên sự thay đổi ấy lại bao chứa “tính cách mạng” (thay cũ đổi mới). Một số điều xem đúng nhưng cần đủ. Một khi đã đúng và đủ, quy định đó “tự nhiên thành” và khi ấy, mỗi người chính vừa là chủ thể tuân thủ, vừa là người xử phạt nghiêm khắc nhất.