Đừng vô ý thức, phá hoại nỗ lực chống COVID-19

Bạn đọc bức xúc trước những hành vi thiếu ý thức trong việc phòng, chống dịch.

Trong tuần qua, một số hành vi sai trái trong phòng, chống dịch nhận được nhiều bình luận phản ứng của bạn đọc.

Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều quán nhậu tại TP.HCM vẫn có lượng khách đông hơn quy định. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhiều quán nhậu tại TP.HCM vẫn có lượng khách đông hơn quy định. Ảnh: HUỲNH TRƯỜNG GIANG

Cụ thể là những hành vi gây phản ứng của bạn đọc như việc đăng văn bản giả mạo thông báo cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk; việc các quán nhậu ở TP.HCM vẫn còn tụ tập quá số người quy định…

Giả mạo thông tin về COVID: Phá hoại

Phần lớn ý kiến của bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm trước hành động thiếu ý thức của những người đăng văn bản giả mạo cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19.

Bạn đọc Thái Hòa bình luận: “Trong thời điểm dịch bệnh vẫn còn căng thẳng, mọi thông tin liên quan đều rất quan trọng và ảnh hưởng đến không ít người dân. Vậy mà không hiểu những người này nghĩ gì lại đưa ra những thông tin sai trái như thế. Họ muốn nổi tiếng, thích làm trội thì phải phạt thật nặng. Thông tin liên quan đến phòng, chống dịch không thể đem ra đùa vui. Thực chất đó là hành động phá hoại”.

Một số bạn đọc cũng thắc mắc hành vi đăng văn bản giả mạo cho học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19 sẽ bị phạt như thế nào.

Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc một số người có hành vi như giả mạo văn bản của cơ quan có thẩm quyền, sau đó đưa lên mạng xã hội liên quan đến dịch bệnh COVID-19 gây dư luận hoang mang là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Điều 101 Nghị định 15/2020 quy định đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc…; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân… thì người vi phạm bị phạt tiền 5-10 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Cho rằng mức phạt như vậy còn chưa đủ sức răn đe, bạn đọc Nguyễn Long nêu ý kiến: “Đã hơn một năm qua kể từ ngày dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, có rất nhiều người bị xử phạt với hành vi đăng tin liên quan đến dịch bệnh sai sự thật trên mạng xã hội. Vì sao những người này không sợ, hay vì mức phạt quá thấp nên họ không ngán? Họ hành động kiểu “điếc không sợ COVID-19” thì làm sao ngành chức năng và người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Theo tôi, phải tăng mức xử phạt cho hành vi sai trái thì họ mới sợ”.

Đừng để vỡ trận, mệt dài dài

Trong giai đoạn đang phòng, chống dịch COVID-19, UBND TP.HCM đã có chỉ đạo yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo khoảng cách giữa hai người từ 1 m trở lên và không phục vụ quá 30 người trở lên cùng một lúc. Thế nhưng sau những ngày nghỉ tết, nhiều quán nhậu ở TP vẫn kê bàn ghế san sát nhau, cùng lúc phục vụ rất đông người, không đảm bảo khoảng cách để chống dịch. Điều này khiến nhiều bạn đọc lo lắng.

Bạn đọc Huỳnh Toàn bình luận: “Việc mưu sinh thì ai cũng cần nhưng trong giai đoạn dịch còn phức tạp thì các hàng quán cũng nên chung tay với chính quyền để phòng dịch. TP đã có công văn hướng dẫn thì cứ theo đó mà làm, hạn chế số khách, giữ đúng khoảng cách, thực hiện 5K… Không thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch, lỡ có xảy ra chuyện gì thì chủ quán phải chịu thiệt hại trước tiên”.

Bạn đọc Đoàn Hà chia sẻ: “Tôi cũng là chủ một quán hải sản, mấy ngày nay tôi cũng chỉ bán cầm chừng, không dám để khách vào một lúc quá 30 người. Ai cũng phải mưu sinh nhưng hãy tuân thủ các chủ trương phòng, chống dịch để cộng đồng được trở lại làm việc, học tập như trước đây, chứ chủ quan tụ tập đông người, lỡ vỡ trận là còn mệt dài dài”.•

Ai cũng khó khăn, hãy cùng nhau chống dịch
Tuần qua, bài viết “Lãnh đạo TP.HCM kiểm tra quán nhậu phòng dịch COVID-19” trên báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều bình luận của bạn đọc kêu gọi ý thức phòng, chống dịch của chủ quán nhậu và thực khách tại TP.HCM.
- ““Quan điểm của TP là tạo điều kiện cho bà con làm ăn nhưng cơ sở phải cố gắng vì mình, vì mọi người. Ví dụ không may có một ca nhiễm ở đây thì quán phải đóng cửa 14 ngày, thiệt hại còn nhiều hơn” - nghe vị lãnh đạo nhắc nhở chủ quán khi đi kiểm tra, tôi thấy chí tình. Thôi thì ai cũng nên ráng tuân thủ, chờ tình hình dịch ổn hơn rồi làm ăn thoải mái. Tôi cũng vậy, ngán dịch lắm rồi!” - bạn đọc Mỹ Khê.
- “Một năm dịch bệnh hoành hành chưa đủ khổ hay sao? Năm nay vẫn tiếp tục bất chấp lệnh của TP mà ăn nhậu chốn đông người nữa thì mệt mỏi quá!” - bạn đọc Vĩ Văn Tài.
- “Ai cũng khó khăn trong đại dịch, không riêng gì những hộ kinh doanh quán nhậu, cùng ý thức để mọi người được học hành, làm ăn trở lại như thường” - bạn đọc Phan Tính.

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/dung-vo-y-thuc-pha-hoai-no-luc-chong-covid19-968110.html