Đừng vội chê Madam Pang và dàn sao Thái kiều nếu nhìn lại nỗi đau của bầu Đức
Thái Lan và Việt Nam là kình phùng địch thủ của bóng đá Đông Nam Á. Nhưng bằng cách nào đó thì người Thái luôn đi trước tuyển Việt Nam một bước.
Cuối tháng 8/2017, Thái Lan đánh bại Việt Nam 0-3. Trận thua này khiến cho thầy trò HLV Hữu Thắng nói lời chia tay SEA Games 29 ngay từ vòng bảng. 2/3 bàn thua của Việt Nam đến từ sai lầm của thủ môn Phí Minh Long.
Một ngày sau, bầu Đức tuyên bố nghỉ làm chức phó chủ tịch VFF. Bầu Đức giữ đúng lời hứa Việt Nam không có HCV SEA Games 29 thì ông rút lui. Đó chắc chắn là nỗi đau của bầu Đức, thậm chí ông có nhiều đêm mất ngủ. Khi còn gì buồn hơn là thua Thái Lan đến 0-3 tại SEA Games, trong khi bầu Đức luôn ước được thấy Việt Nam thắng Thái Lan.
Nhưng hóa ra thất bại đau đớn trước Thái Lan là may mắn lớn cho bầu Đức và bóng đá Việt Nam. Bầu Đức đã không nỡ buông tay để một công trình bóng đá mười mấy năm của ông phải dang dở. Ông chủ phố Núi đã âm thầm sang Hàn Quốc tìm người giỏi về cho bóng đá Việt Nam.
Nói ngắn gọn rằng, không có trận thua Thái Lan 0-3, hoặc Việt Nam giành HCV SEA Games 29 thì bầu Đức không tìm ra HLV Park Hang Seo - một người phù hợp để góp phần tạo ra sự thành công trong gần 5 năm qua cho bóng đá Việt Nam.
Trường hợp thắng được Thái Lan, hay tấm HCV SEA Games 29 rõ ràng không thể sánh với Á quân U23 châu Á 2018, chức vô địch AFF Cup 2018, hai tấm HCV SEA Games và hành trình đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022.
Nếu không có quyết tâm đến cùng của bầu Đức và cơ duyên với ông Park, bóng đá Việt Nam chưa biết ra sao sau SEA Games 29. Có thể chúng ta sẽ lãng phí đi nhiều cầu thủ giỏi, hoặc đứng yên tại chỗ trước Thái Lan.
Nhìn vào Thái Lan ở hiện tại, những trận thua trước Việt Nam ở cấp độ U23 đã khiến họ thay đổi, nhất là chứng kiến thầy trò HLV Park Hang Seo liên tục thành công. Những cầu thủ Thái kiều đang được Madam Pang thuyết phục về thi đấu ở U23 châu Á 2022 là ví dụ.
Thái Lan đang làm được hai vấn đề quan trọng để phát triển mạnh trong tương lai: Xuất ngoại các cầu thủ giỏi nhất sang Nhật Bản và bổ sung nguồn lực từ những đứa con có 2 dòng máu chơi bóng tại châu Âu.
Ở vế thứ nhất, những cầu giỏi nhất xuất ngoại sẽ mở ra cơ hội cho các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều và phát triển tài năng ở Thai League. Đó cũng làm cách làm của Nhật Bản và Hàn Quốc để trở thành cường bóng đá ở châu Á.
Ở vế thứ 2, Thái Lan giải quyết được bài toán xuất ngoại sang châu Âu. Họ có được những tài năng ăn tập bóng đá ở môi trường có trình độ cao nhất.
Con đường hiện tại mang đến nhiều sự hứa hẹn lớn cho bóng đá Thái Lan, khi tập hợp đủ chiều sâu về lực lượng cầu thủ có trình độ vượt xa tầm Thai League. Nên nhớ, Thái Lan chỉ cần nội lực đã là thế lực đáng sợ nhất ở Đông Nam Á. Họ đang giàu thành tích nhất ở SEA Games và AFF Cup.
Bóng đá Việt Nam đã trải qua 5 năm bất bại cấp U23 trước “voi chiến”. Nhưng tuyển Việt Nam chưa thắng tuyển Thái Lan ở sân chơi chính thức trong 13 năm qua. Người Thái vẫn đang là vua của bóng đá Đông Nam Á nếu nhìn về cấp độ ĐTQG.
Vậy nên, người thua chưa chắc là kẻ thất bại trong một hành trình dài. Vì những trận đấu ở cấp độ trẻ là tiền đề cho cầu thủ trưởng thành ở đội tuyển quốc gia. Bóng đá Việt Nam cần phải thắng Thái Lan ở AFF Cup và nghĩ xa hơn ở sân chơi tầm châu lục, chừng nào làm được thì mới thực sự vượt người Thái.