Dùng vũ lực với tên trộm khi bị chống trả là việc làm cần thiết
Bạn đọc hỏi: Nghe tiếng tri hô của hàng xóm, tôi cùng một số người đuổi theo để bắt giữ tên trộm. Khi áp sát, tôi bị tên trộm quay lại dùng dao chống trả nên tôi dùng gậy vụt lại làm gãy tay hắn. Trong trường hợp này, tôi có bị xử lý gì không? Hoàng Minh Khuê (Hải Phòng)
Luật sư Giang Hồng Thanh trả lời:
Tại Điều 4 - Bộ luật Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Cụ thể là: “Cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, cá nhân phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng. Cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ giáo dục những người thuộc quyền quản lý của mình nâng cao cảnh giác, ý thức bảo vệ và tuân theo pháp luật, tôn trọng các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa; kịp thời có biện pháp loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm trong cơ quan, tổ chức của mình. Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm".
Như vậy, với quy định nêu trên thì phòng chống tội phạm không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân. Đối với trường hợp của bạn thì tại Điều 24 Bộ luật này cũng quy định về việc gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội.
Theo đó, “Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự".
Đối chiếu với quy định này, theo quan điểm của luật sư, việc bạn dùng gậy vụt vào tay cầm dao của người trộm cắp tài sản để ngăn chặn, bắt giữ người đó là một việc làm đáng khen ngợi, biểu dương. Người phạm tội bị gẫy tay là điều nằm ngoài mong muốn của bạn. Tại thời điểm đó, bạn không thể có đủ thời gian để lựa chọn những giải pháp khác an toàn cho tất cả các bên (cho bạn, cho người phạm tội và cho những người xung quanh) mà vẫn bắt giữ được người phạm tội.
Xin nói thêm là quy định tại Điều 24 - Bộ luật Hình sự 2015 là một quy định mới nhằm khuyến khích công dân tích cực tham gia phòng chống tội phạm. Do đó chúng tôi tin rằng các cơ quan pháp luật sẽ không xử lý bạn về việc bạn dùng vũ lực gây gẫy tay người phạm tội. Tuy nhiên theo khoản 2, Điều 24 nêu trên, nếu giả sử sau khi người phạm tội bị gẫy tay và không còn khả năng chống cự nhưng bạn vẫn tiếp tục dùng vũ lực đối với người đó thì bạn vẫn có thể bị xử lý về hành vi "Cố ý gây thương tích". Chế tài hành chính hay hình sự tùy thuộc vào tỉ lệ tổn thương cơ thể của người phạm tội.