Đừng vui, hay chấp nhận được vì chỉ thua Nhật Bản 2 bàn!

Nếu hài lòng vì thua Nhật Bản 2-4 thì bóng đá Việt Nam sẽ khó tiến bộ trong tương lai.

Tuyển Việt Nam thua Nhật Bản liệu có gì để vui nếu nhìn vào tình thế ở bảng D? Cánh cửa đi tiếp của tuyển Việt Nam đã hẹp đi một ít, vì trận đấu sắp tới phải đá thắng Indonesia. Trường hợp không có điểm thì Việt Nam có đến 99% bị loại. Kết quả hòa cũng đẩy thầy trò HLV Troussier xa dần cánh cửa đi tiếp.

Hai bàn thắng vào lưới Nhật Bản chỉ có ý nghĩa giải quyết đi một phần niềm tin cho tuyển Việt Nam, đặc biệt sức ép dành cho HLV Troussier. Không ai nói về kết quả 1 trận đấu thua cuộc để nhận xét đẳng cấp và tương lai cho một đội tuyển. Ví dụ Việt Nam từng đánh bại Hàn Quốc 1-0 ở vòng loại Asian Cup vào năm 2003, nhưng chỉ đơn giản là cột mốc đáng nhớ. Đẳng cấp Việt Nam chưa thể vươn tầm châu Á, cũng không thể lấy kết quả đó để nói Việt Nam có đẳng World Cup, vì Hàn Quốc đi đến bán kết World Cup 2002.

Về kết quả thua Nhật Bản, Việt Nam đã khởi đầu Asian Cup 2023 có kết quả tệ hơn so với quá khứ, chúng ta từng thắng UAE 2-0 ở Asian Cup 2007, thua ngược Iraq 2-3 ở Asian Cup 2019. Cũng đừng quên rằng Việt Nam hòa Nhật Bản 1-1 ở vòng loại World Cup 2022 vào năm ngoái, hay thua sít sao 0-1 ở tứ kết Asian Cup 2019. Do đó, thật ngạc nhiên khi trang chủ VFF dùng các cụm từ như trận thua chấp nhận được, màn trình diễn đầy ấn tượng sau trận Việt Nam thua Nhật Bản 2-4.

Nếu hài lòng vì thua Nhật Bản 2-4 thì các cầu thủ Việt Nam sẽ khó tiến bộ trong tương lai. Ảnh: VFF

Nếu hài lòng vì thua Nhật Bản 2-4 thì các cầu thủ Việt Nam sẽ khó tiến bộ trong tương lai. Ảnh: VFF

Vấn đề của bóng đá Việt Nam có thể thấy là hay bằng lòng với kết quả thua không đậm trước đội bóng mạnh, khi có bàn thắng đáng xem thì nhận xét chấp nhận được, hay các mỹ từ màn trình diễn đầy ấn tượng. Tư tưởng đó khiến bóng đá Việt Nam chưa bước ra khỏi “ao làng”, nhiều cầu thủ cũng không thể bứt lên so với giới hạn và sa sút dần về phong độ. Lứa U23 châu Á 2018 bây giờ chỉ ở độ tuổi 26-28 nhưng không khó để thấy năng lực chững lại, hoặc mất dần chỗ đứng ở tuyển Việt Nam.

Hãy thử so sánh với các cầu thủ Nhật Bản để thấy khác biệt. Trong suốt 20 năm qua, bóng đá Việt Nam có một số cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng như Huỳnh Đức, Công Vinh nhưng cái mác đi đá bóng theo kiểu quảng cáo và dự bị vẫn chưa thể thay đổi. Những cầu thủ có khát vọng xuất ngoại như Công Phượng, Quang Hải, Văn Toàn không thể hiện được bản thân, không có suất đá chính. Cầu thủ Nhật Bản cũng từng có giai đoạn được các đội bóng lớn châu Âu mua về vì mục đích quảng bá hình ảnh đến châu Á - một thị trường rộng lớn để tăng doanh thu. Bây giờ trị giá đội hình Nhật Bản đã lên lên đến 345 triệu USD. Nhật Bản đã có những ngôi sao thi đấu cho các đội bóng hàng đầu ở Anh và chứng tỏ được năng lực.

Tự cường và biết tủi buồn sau mỗi thất bại trước mọi đối thủ, các cầu thủ Nhật Bản và ban huấn luyện thường xuyên duy trì thói quen đáng nể, đó là cúi đầu xin lỗi người hâm mộ. Bóng đá Nhật Bản bây giờ đang trên đường trở thành cường quốc không chỉ ở châu Á, mà họ tham vọng vô địch World Cup.

Với bóng đá Việt Nam, cầu thủ Việt Nam muốn xuất ngoại thành công, tuyển Việt Nam muốn tiến gần đến giấc mơ dự World Cup thì phải biết buồn sau thất bại trước Nhật Bản. Chỉ khi nào không bằng lòng với kết quả thua cuộc trước mọi đối thủ ở châu Á thì cầu thủ Việt Nam mới có động lực bước ra khỏi “ao làng”. Nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam mới vận động mạnh mẽ để thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Đúng hơn, bóng đá Việt Nam muốn vươn tầm châu Á, mơ về World Cup thì phải thay đổi tư duy về cách đón nhận thất bại trước những đội bóng như Nhật Bản. Hàn Quốc.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/dung-vui-hay-chap-nhan-duoc-vi-chi-thua-nhat-ban-2-ban-202401150121455009.html