Đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch

Không quản vất vả, hiểm nguy, các y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng hằng ngày vẫn âm thầm hy sinh, căng mình chiến đấu giành giật sự sống cho người bệnh.

Không chỉ điều trị, các y, bác sĩ phải chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, đến mọi sinh hoạt cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Không chỉ điều trị, các y, bác sĩ phải chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, đến mọi sinh hoạt cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng

Số bệnh nhân Covid-19 nặng gia tăng gây áp lực rất lớn cho công tác điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh. Không quản ngại vất vả, hiểm nguy, những y, bác sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch ngày đêm giành giật sự sống cho các bệnh nhân.

Sát sao từng phút, từng giờ

"Em không tưởng tượng được các y, bác sĩ ở đây bận như thế nào đâu", đó là câu nói của bác sĩ Phan Thị Hoài Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hải Dương khi tiếp chuyện chúng tôi. Gần 2 tháng nay, đơn vị là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận, điều trị những ca bệnh Covid-19 nặng nhất của tỉnh. Trong số gần 40 bệnh nhân đang điều trị tại đây thì có quá nửa số trường hợp phải thở oxy bằng máy dòng cao, thở máy xâm nhập. Số bệnh nhân nặng ngày một tăng khiến các giường bệnh thở máy đều vượt quá công suất. Bệnh viện đã phải huy động tới 170 y, bác sĩ, điều dưỡng chủ chốt có chuyên môn tốt tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Hằng ngày, 45 bác sĩ, điều dưỡng chia làm 4 kíp làm việc 4 ca cả ngày lẫn đêm. Mỗi khu điều trị bệnh nhân Covid-19 như một khoa của bệnh viện nhưng nguồn nhân lực ít hơn, công việc nặng nhọc hơn, nhiều hơn, đòi hỏi y, bác sĩ phải có kỹ năng làm việc cao, cường độ làm việc lớn, sát sao từng phút, từng giờ để theo dõi, điều trị, chăm sóc các bệnh nhân.

"Phần lớn người bệnh được chuyển vào đây đều có thể chuyển biến nặng và tử vong bất cứ khi nào. Mọi người phải làm việc không ngừng nghỉ, vừa phải thực hiện các thủ thuật cấp cứu bệnh nhân nặng, chăm sóc toàn diện, vừa liên tục theo dõi để phát hiện sớm, xử trí kịp thời những ca bệnh nặng có diễn biến đột ngột. Việc điều trị càng khó khăn, vất vả hơn đối với những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm và chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19", bác sĩ Thu chia sẻ.

Từ hệ thống camera giám sát của bệnh viện, chúng tôi nhìn thấy rõ khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Bao trùm các phòng bệnh là âm thanh phát ra từ những chiếc máy thở, tiếng thở khó nhọc của những bệnh nhân đang giành giật sự sống với tử thần. Trong những bộ đồ bảo hồ bí bách, như được lập trình sẵn, các y, bác sĩ phối hợp nhịp nhàng, mỗi người một việc từ thăm khám, động viên đến chăm sóc cho từng bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Công Đại, Phó Trưởng Khoa U bướu cho biết: “Diễn biến bệnh nhân Covid-19 thay đổi rất phức tạp, có thể nặng lên rất nhanh nên chúng tôi luôn phải theo dõi rất sát sao, cả trực tiếp và thông qua hệ thống camera để kịp thời đánh giá, can thiệp. Có lần 3 bệnh nhân cùng lúc diễn tiến nặng, trong đó 2 cụ ngừng tim, 1 cụ suy hô hấp đe dọa tính mạng. Cả kíp trực đã phải rất vất vả, huy động tất cả nhân lực và thiết bị để xử lý, cứu chữa bệnh nhân”.

Từ khi Bệnh viện Phổi Hải Dương nhận nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Đại liên tục phải thường trực tại khu điều trị. Không có những ngày nghỉ Tết, không có ngày nghỉ trực. Trong suốt hơn một tháng, bác sĩ Đại chỉ gặp gỡ, trò chuyện với gia đình qua những cuộc gọi video ngắn ngủi khi hết ca làm việc.

“Ai ở đây cũng đều xác định làm nhiệm vụ lâu dài nên mọi việc chăm sóc con cái, gia đình đều do vợ hoặc chồng ở nhà cáng đáng. Có người cả hai vợ chồng đều làm trong ngành y thì lại giao con cho ông bà hoặc thuê người làm. Như tôi nhận nhiệm vụ ngay từ đầu còn chủ động được chứ một số bạn được điều động gấp do số bệnh nhân tăng đột ngột còn không kịp sắp xếp công việc gia đình”, bác sĩ Đại chia sẻ.

Với đặc thù là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên từ lúc bệnh nhân Covid-19 nhập viện, cùng với điều trị, mọi công việc chăm sóc người bệnh từ động viên, hỗ trợ tâm lý đến cho ăn uống, đánh răng, rửa mặt, thay bỉm… rồi khi không may tử vong đều do các nhân viên y tế đảm nhiệm. “Ám ảnh và khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi bệnh nhân không vượt qua được. Các nhân viên y tế phải vệ sinh tử thi rất cẩn thận, kỹ lưỡng để vừa bảo đảm an toàn tránh lây nhiễm, vừa theo thủ tục tâm linh. Đây là công việc chúng tôi hầu như không phải làm khi điều trị những bệnh khác. Không tránh khỏi tâm lý bất lực nhưng đó cũng là động lực để chúng tôi quyết tâm hơn, cố gắng hơn nữa để cứu sống người bệnh", giọng bác sĩ Đại trầm xuống.

Các y, bác sĩ luôn phải làm việc hết công suất trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Hải Dương

Các y, bác sĩ luôn phải làm việc hết công suất trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Phổi Hải Dương

Niềm vui hồi sinh

Ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh hiện có 2 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với mức độ trung bình và nặng. Ở khu điều trị bệnh nhân nặng, các kíp y, bác sĩ, điều dưỡng được chia thành 2 ca trực. Nhưng việc chia ca làm việc ở đây cũng chỉ là tương đối. Mỗi khi khoác lên mình bộ đồ bảo hộ vào khu điều trị, đối với bác sĩ Nguyễn Văn Thọ ở Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc, cùng các đồng nghiệp dường như không có khái niệm về thời gian bởi guồng quay khắc nghiệt, căng thẳng của công việc. "Chúng tôi thường tranh thủ chợp mắt, nghỉ ngơi được lúc nào hay lúc đó. Khi có bệnh nhân diễn biến nặng thì không phải ca trực anh em cũng đều lập tức vào khu điều trị để hỗ trợ, kịp thời xử trí", bác sĩ Thọ chia sẻ.

Được tin tưởng phân công tham gia điều trị từ những ca bệnh đầu tiên trong tỉnh, đối với bác sĩ Thọ, mọi khó khăn, vất vả nay đã dần trở thành điều bình thường trong công việc. Trong một lần tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Thọ đã từng không may nhiễm SARS-CoV-2. Khi được hỏi về lần trực tiếp chống chọi với bệnh, dường như không muốn nhắc nhiều đến những áp lực căng thẳng từ công việc, bác sĩ Thọ tâm sự ngay từ khi ngồi trên giảng đường và được theo nghề y thì bản thân anh đã xác định là phải đối mặt với khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm. Anh và đồng nghiệp thường động viên nhau nghề của mình không chỉ là công việc mà còn là trách nhiệm thiêng liêng cần làm tốt. Mỗi khi vào khu điều trị phải phục vụ, chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, còn việc không may bị nhiễm bệnh cũng phải chấp nhận.

Theo bác sĩ Thọ, vì là căn bệnh mới, số lượng bệnh nhân tử vong cao, nhất là đối với những người bệnh nền, chưa tiêm vaccine nên bệnh nhân Covid-19 thường có tâm lý hoang mang, lo lắng. Cùng với các phương pháp điều trị bệnh thì việc trò chuyện, hỗ trợ tâm lý để người bệnh vui vẻ, lạc quan chống chọi với bệnh tật rất quan trọng.

Bác sĩ Thọ cho biết: "Ở đây khá nhiều bệnh nhân cao tuổi. Cụ thì nặng tai, cụ thì hay quên nên rất khó để yêu cầu, hướng dẫn các cụ chấp hành theo đúng quy định điều trị. Yếu tố tâm lý rất quan trọng, nhất là khi bệnh nhân không có người thân bên cạnh. Chính vì vậy, chúng tôi vừa điều trị, vừa luôn phải gần gũi, động viên, thường xuyên trò chuyện để bệnh nhân bớt lo âu, tích cực hợp tác điều trị".

Những ngày này, nụ cười đã dần trở lại trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của phố Lê Quý Đôn, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) của gia đình bà Vũ Thị Xá (75 tuổi). Vào một buổi chiều cuối năm ngoái, bà Xá bỗng thấy người gai gai sốt rồi húng hắng ho. Không có yếu tố dịch tễ lại tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, bà Xá nghĩ mình chỉ bị cảm thông thường nên nhờ chồng mua lá về xông. Xông không đỡ mà những cơn ho, khó thở càng nặng thêm, vợ chồng bà chở nhau lên Trung tâm Y tế huyện thăm khám. Qua xét nghiệm sàng lọc, vợ chồng bà đều bị mắc Covid-19. Nếu như ông Ngạn (chồng bà Xá) không có triệu chứng rõ ràng thì bệnh tình của bà Xá bỗng chuyển xấu nhanh, suy hô hấp nghiêm trọng. Ngay lập tức, bà Xá được làm thủ tục chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, còn ông Ngạn được đến khu cách ly tập trung của huyện. Kể từ khi được đưa lên xe cấp cứu, bà Xá chìm sâu vào mê man do cơ thể thiếu oxy. Không còn tỉnh táo để nhận biết, tự sinh hoạt được, suốt 5 ngày ở phòng cấp cứu, mọi sinh hoạt, từ miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân của bà đều do các y, bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc.

"Có những lúc tôi nghĩ mình sẽ không vượt qua được. Cứ tỉnh được một lúc rồi lại lịm đi vì không tài nào thở được", bà Xá nhớ lại. Sức khỏe còn yếu, thỉnh thoảng những cơn ho lại kéo lên vì hậu Covid-19 nhưng được sum họp với con cháu thực sự là niềm hạnh phúc vô bờ đối với bà. Trong câu chuyện của vợ chồng bà Xá, điều chúng tôi cảm nhận không phải là nỗi sợ hãi sau khi đối diện với cái chết mà là tình cảm đong đầy, chân thành với các y, bác sĩ, điều dưỡng hết sức, hết lòng đưa bà về từ cõi tử. Bà Xá vẫn nhớ rõ tên của từng y, bác sĩ, điều dưỡng Thọ, Thành, Trang, Vượng, Nhung... và những lời động viên, thúc giục "bà thở đi, bà thở đi", "bà cố ăn nhiều vào"... của họ.

"Phải mấy ngày sau tôi mới liên hệ được với gia đình qua điện thoại. Đứa con gái cứ gào khóc nghẹn ngào: Mẹ ơi, con nghe thấy tiếng mẹ rồi. Tôi cũng một vài lần phải nằm viện vì bệnh tật nhưng chưa thấy ở đâu mà bác sĩ, y tá lại vất vả, tận tình như những bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19", bà Xá nghẹn ngào tâm sự.

Việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 như hiện nay sẽ không thể tránh được số ca bệnh gia tăng. Chiếc "áo giáp" vaccine giúp mỗi chúng ta tự tin hơn để vượt qua đại dịch. Nhưng nỗi lo về những cuộc điện thoại báo chuyển tuyến bệnh nhân nặng vẫn thường trực đối với bác sĩ Đại, bác sĩ Thọ và các đồng nghiệp. Gác mọi niềm riêng, âm thầm hy sinh từ sức khỏe đến những điều giản dị nhất của bản thân, các y, bác sĩ, nhân viên y tế vẫn ngày đêm chiến đấu để hồi sinh những cuộc đời không may nhiễm bệnh nặng. Vượt qua hiểm nguy, vất vả, khó nhọc, "người lính áo trắng" vẫn đứng vững nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19.

HẠO NHIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/dung-vung-noi-tuyen-dau-chong-dich-196623