Đứng vững trên đôi chân tật nguyền

Người thanh niên ngồi xe lăn Hoàng Văn Lịch, thôn Lăng Quăng nổi tiếng cả xã Tri Phú (Chiêm Hóa). Nổi tiếng là bởi anh không lệ thuộc vào ai, tự đứng lên bằng đôi chân tật nguyền, không chỉ nuôi được bản thân mà trở thành trụ cột của gia đình.

Năm 1998, căn bệnh quái ác ập đến khiến đôi chân của chàng thanh niên 16 tuổi hoàn toàn bị bại liệt. Bao hoài bão, ước mơ của anh Lịch tan biến. Không còn đi lại được, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh đành bỏ học giữa chừng. Bố anh lâm bệnh nặng, tất cả các công việc đều đổ lên đôi vai mẹ. Thương mẹ tần tảo nuôi 5 anh em, để không trở thành gánh nặng của gia đình, anh tự tập đi bằng đôi bàn tay, việc sinh hoạt hàng ngày anh đều tự làm, anh còn đan cót kiếm tiền nuôi thân.

Anh Hoàng Văn Lịch, thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) trạm khắc gỗ.

Anh Hoàng Văn Lịch, thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) trạm khắc gỗ.

Hồi còn đi học, anh Lịch nổi tiếng vẽ tranh đẹp. Khi mới 13 - 14 tuổi anh đã “học mót” được nghề cắt tóc. Sẵn có ngón nghề trong tay, năm 2000 anh mở tiệm cắt tóc tại nhà cùng với dịch vụ vẽ tranh, xăm hình nghệ thuật để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Không dừng lại ở đó, năm 2012 anh tìm hiểu qua mạng và biết đến nghề chạm khắc gỗ, thấy khả năng mình có thể làm được anh bắt đầu tìm tòi học hỏi. Anh Lịch chia sẻ, những lúc rảnh rỗi anh lại mang bộ đồ nghề mộc của ông nội ra loay hoay đục, tạo hình trên gỗ, rồi nhờ người nhà đưa đến cơ sở chạm khắc gỗ tại xã Yên Nguyên để học hỏi thêm. Anh nhớ như in sản phẩm đầu tiên mình làm ra là bức tượng hình rồng cuốn bán được 500.000 đồng, anh mừng lắm.

Khéo tay lại tỉ mỉ, tay nghề của anh ngày càng nâng cao, những sản phẩm chạm khắc gỗ do anh làm ra được nhiều người biết đến. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở các tỉnh miền xuôi mang gỗ đến tận nhà thuê anh tạo hình. Có thêm thu nhập, cuộc sống gia đình bớt khó khăn, năm 2014 anh đã tích cóp được hơn 100 triệu đồng xây dựng ngôi nhà gỗ cho riêng mình. Năm 2017 anh bén duyên với chị Lù Thị Hoa, ở huyện Yên Sơn. Chị cảm thông hoàn cảnh và khâm phục nghị lực của anh, vượt qua sự phản đối kịch liệt của gia đình, anh chị đã đến với nhau nên nghĩa vợ chồng. Để có thêm thu nhập gia đình anh mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ người dân trong thôn, từ nghề cắt tóc, chạm khắc gỗ mỗi tháng gia đình anh cũng có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng. Không những vậy, anh Lịch còn sẵn sàng giúp đỡ, đào tạo nghề miễn phí cho những bạn trẻ trong vùng mong muốn có nghề lập nghiệp.

Dù không có được một cơ thể lành lặn nhưng anh Lịch luôn cố gắng vượt qua số phận, tự đứng vững trên đôi chân tật nguyền của mình. Đó là một tấm gương rất đáng trân trọng.

Bài, ảnh: Cao Huy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nguoi-tot-viec-tot/dung-vung-tren-doi-chan-tat-nguyen-132414.html