Đừng xác định chung sống lâu dài với ai đó mà không có hợp đồng hôn nhân
'Cái gọi là hợp đồng có thể sẽ khiến hai bên rất khó xử ban đầu nhưng là thứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mỗi người khi xảy ra tranh chấp', luật sư nói.
Đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong đời sống và tình yêu cũng không phải là ngoại lệ, theo Bloomberg.
Tỷ lệ ly hôn tại nhiều quốc gia gia tăng đột biến sau đại dịch. Trước tình trạng này, các luật sư chuyên giải quyết các vụ ly hôn tại Mỹ đang phải đưa ra nhiều lời khuyên cho những ai có ý định kết hôn để tránh xảy ra tranh chấp sau này.
Hợp đồng tiền hôn nhân với nhiều người nghe ra còn rất mới mẻ và xa lạ. Sẽ không ít người phản đối, thậm chí đùng đùng tự ái, tức giận cho rằng, nếu không tin tưởng nhau, nghi ngờ, tính toán kỹ như thế thì cưới nhau làm gì, tình yêu đâu phải mua bán mà hợp đồng hợp điếc. Nhiều người nghiêng về tâm linh còn cho đó là điềm gở, chưa chi đã nói đến chuyện chia tay…
Thật ra, không quá nghiêm trọng và phức tạp như thế. Hợp đồng tiền hôn nhân không liên quan gì đến việc tin tưởng hay không tin tưởng nhau. Cũng không "ăn nhập" gì tới chuyện ly hôn.
Nó giống như việc chúng ta mua bảo hiểm cho chiếc xe, căn nhà hay bảo hiểm nhân thọ. Mua bảo hiểm không có nghĩa là xe sẽ mất, nhà sẽ cháy, người sẽ chết… Hợp đồng tiền hôn nhân cũng thế, nó là một lối thoát hiểm, để phòng khi có sự cố còn có lối mà thoát. Lối thoát hiểm hoàn toàn không có can dự gì tới việc làm ra sự cố cả.
"Lời khuyên tôi thường nói với những khách hàng giàu có của mình là đừng xác định chung sống lâu dài với ai đó mà không có hợp đồng hôn nhân. Đây có thể là câu nói đùa nhưng với nhiều người, việc này hoàn toàn cần thiết, nhất là trong năm nay", Sandra Mendell, luật sư thuộc Jaffe Family Law Group tại Los Angeles (Mỹ), cho hay.
Lập thỏa thuận tiền hôn nhân. Hình thành thỏa thuận tài chính khi hai người về chung sống cùng nhau, ví dụ như ai thanh toán các hóa đơn hoặc các khoản tín dụng, thuế, phân chia tài sản sau khi chết.
Ngoài ra, thỏa thuận hậu hôn nhân - hình thành sau khi kết hôn - cũng cần thiết lập để trình bày rõ ai là người sở hữu những gì trong hôn nhân.
"Cái gọi là hợp đồng có thể sẽ khiến hai bên rất khó xử ban đầu nhưng là thứ cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mỗi người khi xảy ra tranh chấp", luật sư Mendell nói.
"Lời khuyên của tôi là soạn thảo một thỏa thuận sau khi cưới nhau có nội dung 'Tôi sở hữu hoàn toàn hai phần ba tài sản này, phần còn lại là tài sản hình thành sau hôn nhân'", Nancy Chemtob, luật sư tại ở Manhattan (New York), từng xử lý vụ ly hôn của nhiều người nổi tiếng, nói.
Nhà lập kế hoạch tài chính Dana Levit của Paragon Financial Advisors ở Newton, bang Massachusetts cho hay trụ cột chính trong gia đình hay vợ/chồng không đi làm là những người thường cảm thấy bị xâm phạm tài chính nhiều nhất khi ly hôn.