Dùng xe điện nên biết các bí kíp sạc ắc quy dưới đây để tránh gây, gặp họa do cháy nổ
Có nhiều vụ cháy nổ xe điện dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Vậy sạc điện cho xe như thế nào để vừa đảm bảo an toàn vừa kéo dài tuổi thọ của pin?
Nguyên nhân dẫn đến cháy xe điện? (xe đạp điện, xe máy điện)
Theo tư vấn của các chuyên gia hàng đầu đến từ một hãng xe điện ở Việt Nam cho biết: "Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ xe điện là do sạc điện ắc quy, pin của xe dẫn đến cháy, nổ". Cụ thể:
- Sử dụng ắc quy, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc đã bị sửa chữa, làm thay đổi thông số kỹ thuật của nhà sản xuất; lắp đặt thêm hoặc thay thế thiết bị tiêu thụ điện so với thiết kế (lắp đặt thiết bị báo động, còi, đèn tăng công suất so với thiết kế của nhà sản xuất…) hoặc chở quá tải sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, giảm tuổi thọ ắc quy, pin, khi sạc điện sẽ gây hiện tượng ắc quy, pin bị phồng lên có thể gây nổ.
- Bộ đổi điện từ dòng điện xoay chiều sang một chiều và ngược lại cũng là nguyên nhân gây ra cháy nổ ở xe điện, do mối hàn, đầu nối của những linh kiện không được cách điện tốt, nó có thể gây ra hiện tượng phóng điện hoặc chập điện, dẫn đến cháy.
- Việc thay thế, sửa chữa, sử dụng bộ sạc không bảo đảm đúng thông số kỹ thuật của nhà sản xuất, không bảo đảm chất lượng hoặc không đồng bộ với ắc quy, pin của phương tiện khi sạc có thể gây chập điện hoặc nổ ắc quy, pin.
- Việc sạc điện không đúng hướng dẫn: Sạc điện thời gian quá dài, tần suất sạc điện quá cao; sạc trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng, ắc quy chưa kịp nguội tự nhiên; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt hoặc gần, bên trên các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ, đồng thời ắc quy, pin tự tỏa nhiệt mà không được thoát nhiệt cũng là nguyên nhân gây nổ ắc quy, pin, gây cháy.
- Khi sạc không ngắt khóa điện nguồn điện (vừa sạc và vừa xả điện), thiết bị báo động sẽ tiêu thụ điện năng sẽ làm chức năng điều khiển của bộ sạc cảm biến sai, quá trình điều khiển tại dòng chuyển đổi không được, gây ra hiện tượng sạc không chuyển sang dòng sạc duy trì (không nhảy đèn) từ đó làm mất kiểm soát trong điều khiển của sạc, có thể gây hư hỏng, chập điện bộ sạc. Đồng thời, làm tăng nhiệt độ ắc quy, pin có thể gây đoản mạch bên trong (Cell pin đoản mạch) hoặc đoản mạch bên ngoài (bộ pin được kết nối với thiết bị điện tử công suất, động cơ và cả các phụ kiện khác bị đoản mạch) sẽ gây cháy xe.
- Một số trường hợp do tác động ngoại cảnh cũng dẫn đến chập cháy: Ổ sạc bị ẩm ướt, sạc nơi không thông thoáng để thiết bị có thể tản nhiệt; dây dẫn điện được đấu nối không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật hoặc sử dụng thời gian dài hoặc bị va đập, chuột cắn bị mất khả năng cách điện gây phóng điện, chập điện.
Làm sao để hạn chế tối đa cháy nổ khi sạc xe điện?
Để ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ trong quá trình sử dụng xe điện, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã đưa ra khuyến cáo người dân một số kỹ năng phòng tránh như sau:
1. Lựa chọn, sử dụng xe điện bảo đảm chất lượng, đã được cơ quan quản lý có thẩm quyền kiểm định theo quy định; tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
2. Thực hiện sạc điện theo đúng hướng dẫn và khuyến cáo của nhà sản xuất để đảm bảo độ bền và an toàn khi sử dụng; không sạc điện cho phương tiện khi phát hiện thiết bị sạc hoặc phương tiện gặp lỗi; khi ắc quy, pin có dấu hiệu phù, nứt… cần thay thế ắc quy, pin mới. Đồng thời lưu ý:
- Sạc điện lúc ắc quy, pin gần hết, dùng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp nhà sản xuất khuyến cáo) và ổn định; sau khi sử dụng phải chờ bình điện nguội khoảng 20 phút rồi mới bắt đầu sạc, không sạc ngay sau khi chạy xe, không sạc quá 8 giờ liên tục, khi sạc điện cần ngắt khóa điện nguồn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quá trình sạc điện… Nếu lâu không dùng xe, nên sạc ắc quy, pin đầy rồi tháo rời khỏi xe; không để ắc quy, pin ở khu vực nóng, ẩm; bảo quản bình điện ở nơi cao ráo, thoáng mát…
- Sạc điện ở nơi khô ráo thoáng mát, khi sạc trong phòng cần tránh nơi kín đảm bảo điều kiện thông thoáng gió tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 0℃ - 35℃, nếu không phải có các biện pháp bảo ôn hoặc giảm nhiệt; khi sạc điện không để xe, ắc quy, pin, bộ sạc bên trên hoặc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ gần nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt.
- Trong quá trình sạc điện phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý ngay khi có sự cố; ngừng sạc điện trước khi ra khỏi nhà hoặc đi ngủ, tuyệt đối không sạc qua đêm và không có người lớn ở nhà.
3. Không được tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của phương tiện, thiết bị khác so với yêu cầu kỹ thuật của phương tiện; khi thay thế các thiết bị, linh kiện, ắc quy, pin, bộ sạc… cần lựa chọn đúng chủng loại ắc quy, pin phù hợp, đồng bộ với các thông số quy định của sạc điện, động cơ và bộ điều khiển, không sử dụng loại không rõ nguồn gốc; không tự ý thay đổi kết cấu xe, không lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm ắc quy, pin phát nổ). Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng theo quy định của nhà sản xuất.
4. Đối với xe ô tô điện:
- Sạc tại những trạm sạc xe điện dành cho ô tô đã được cấp phép theo quy định (tại trạm xăng, điểm dừng nghỉ, trong nhà và công trình...) hoặc sử dụng bộ sạc tại nhà bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Các trạm sạc điện phải được duy trì yêu cầu về giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan đối với các khu vực xung quanh (cửa hàng kinh doanh xăng dầu, khu vực gara để xe...) và trang bị phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; có phương án xử lý tình huống cháy nổ tại khu vực sạc điện.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống điện, phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại trạm sạc để kịp thời phát hiện, thay thế các thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động.
Những lưu ý khi sạc xe đạp, xe máy điện cần ghi nhớ
- Đợi cho xe đạp, xe máy điện nguội rồi mới sạc, không nên sạc ngay sau khi vừa đi xe về, vì khi đó bình ắc quy và pin vẫn còn đang nóng, nếu cắm điện ngay rất dễ dẫn đến tình trạng chai, phồng và nhanh hỏng. Tốt nhất là để nguội khoảng 1 tiếng rồi mới cắm sạc.
- Trong quá trình sạc điện nên tắt động cơ của xe. Khi pin báo đầy 100% thì bạn mới rút sạc ra, sau đó khởi động lại động cơ. Điều này giúp đảm bảo an toàn cho bạn và nhwunxg người xung quanh
- Trong quá trình sạc có thể sẽ xảy ra nhiều sự cố không mong muốn. Do vậy bạn cần lựa chọn nơi khô ráo, thoáng mát, đặc biệt là tránh xa tầm tay của trẻ em để tránh con trẻ hiếu kì nghịch không may sẽ có những sự việc đáng tiếc xảy ra.
- Đặc biệt cần lưu ý sử dụng sạc pin chính hãng, mỗi một dòng xe khác nhau sẽ tương ứng với một bộ sạc khác nhau, không nên mua những sạc trôi nổi trên thị trường. Khi sử dụng những bộ sạc không chính hãng sẽ tạo ra sự chênh lệch giữa nguồn điện, dễ gây ra tình trạng chập, cháy.
Có nên sạc xe điện qua đêm
Sạc xe điện qua đêm với điều kiện xe đạp điện, xe máy điện của bạn phải được trang bị tính năng tự tắt nguồn điện khi đầy. Chính vì vậy, việc sạc qua đêm là bình thường bởi bạn không cần lắng pin sẽ bị quá tải.
Tuy nhiên, nếu xe đạp điện, xe máy điện của bạn không được trang bị tính năng này, việc sạc qua đêm là không nên. Vì nếu không có hệ thống tự ngắt nguồn điện khi đầy, pin của bạn sẽ bị quá tải do một lượng điện lớn được nạp suốt đêm. Dễ gây tình trạng chai pin, phồng pin hoặc thậm chí là gây cháy nổ.
Để hạn chế tối đa tình trạng cháy nổ khi sạc xe điện, theo một chuyên gia về lĩnh vực xe điện cho biết, người dân chỉ nên sử dụng pin chính hãng, sử dụng tế bào pin của các hãng uy tin, pin phải được Cục Đăng kiểm kiểm định và cấp chứng nhận. Sạc pin phải tuân theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuyệt đối không sạc khi pin đã bị rơi, va chạm mạnh hoặc có dấu hiệu chai, phồng… Vị trí sạc pin nên để những nơi cách xa các vật liệu dễ cháy, nổ...