Dùng xe trộm cắp được làm phương tiện đi trộm tiếp: Xử lý thế nào?

Như ANTĐ đã đưa tin, mới đây Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng có hành vi sử dụng xe máy vừa trộm cắp trên địa bàn đi ăn trộm tiếp.

2 đối tượng bị bắt gồm Nguyễn Văn Xương (SN 1987) và Ngô Văn Thắng (SN 1993), trú tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội cùng bị điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Tại cơ quan công an, Thắng và Xương khai nhận, cả hai đã rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Khi đến cửa hàng tạp hóa trên đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, thấy chiếc xe máy của chị C.P.L dựng trước cửa hàng, không có người trông giữ, Xương lấy 1 chiếc kéo mang theo phá khóa điện xe máy rồi nổ máy và bỏ chạy đến cống Chèm chờ Thắng.

Ít ngày sau, Thắng lắp biển kiểm soát của 1 chiếc xe khác vào xe trộm cắp được, chở Xương đi đến phường Liên Mạc định tiếp tục trộm cắp thì bị bắt giữ.

Hai đối tượng Xương và Thắng mới bị bắt giữ

Hai đối tượng Xương và Thắng mới bị bắt giữ

Với thủ đoạn tương tự, trước đó, CAH Bình Chánh, TP.HCM đã nhận được tin báo của ông P.T.H (SN 1982, ở huyện Bình Chánh) về việc bị mất trộm chiếc xe gắn máy.

Điều đáng nói, sau khi trộm chiếc xe gắn máy của ông H, đối tượng dùng chiếc xe này làm phương tiện đi trộm. Khi lấy được một chiếc tay ga xịn, đối tượng bỏ xe ông H lại hiện trường…

Về chế tài xử lý các đối tượng trên, Luật sư Lê Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 173 BLHS 2015 quy định, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng, nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168-172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng…

Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; Trộm cắp tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này…thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Như vậy, với các đối tượng sử dụng xe máy trộm cắp được để làm phương tiện để đi trộm tiếp, có thể bị xử lý về Tội trộm cắp tài sản với tình tiết tăng nặng là “phạm tội 2 lần trở lên”.

Đó là, đối tượng có từ hai lần trở lên phạm cùng một loại tội, trong đó mỗi lần đều đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Song, điều này phải căn cứ và kết quả định giá tài sản mà đối tượng đã trộm cắp.

Còn với trường hợp một người thực hiện hành vi trộm cắp nhiều lần, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu (2 triệu đồng) để truy cứu trách nhiệm hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để xử lý hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện liên tục, kế tiếp nhau về thời gian - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dung-xe-trom-cap-duoc-lam-phuong-tien-di-trom-tiep-xu-ly-the-nao-post498836.antd