Đừng xem nhẹ những vụ án 'con kiến kiện củ khoai'
Số lượng án hành chính mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đang thụ lý nửa đầu năm 2024 tăng cao. Đáng chú ý, phần lớn các vụ án này liên quan đến việc công dân, tổ chức khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện trong các lĩnh vực đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.
Không dự, không ủy quyền hợp pháp
Thống kê của TAND tỉnh cho thấy: Năm 2023, TAND hai cấp của tỉnh thụ lý 50 vụ án hành chính, đã giải quyết được 19 vụ (đạt tỷ lệ 38%). Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng án hành chính mà TAND tỉnh tiếp nhận và thụ lý 58 vụ việc. Trong số này, có 50 vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm hơn 86% tổng số án hành chính.
Số lượng án hành chính 6 tháng đầu năm 2024 ngành tòa án thụ lý, giải quyết bằng 116% so với cả năm 2023. Một phần nguyên nhân là do lượng án năm 2023 chưa xử lý được chuyển qua, nếu tình trạng này không được xử lý thì lượng án tồn đọng càng ngày sẽ càng tăng theo thời gian.
Dù đã có nhiều nỗ lực, TAND tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết án hành chính. Một số cơ quan, tổ chức và UBND chưa phối hợp chặt chẽ với tòa án, thậm chí chưa làm hết trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật trong việc cung cấp đầy đủ, kịp thời các tài liệu, chứng cứ.
Đáng chú ý, ngày 13/6/2024, TAND tỉnh tổ chức buổi đối thoại, hòa giải, nhằm giải quyết vụ án hành chính liên quan đến yêu cầu “thực hiện hành vi hành chính” của người khởi kiện đối với UBND TP. Huế. Trong vụ này, ông T. T. Đ. (trú phường An Cựu. TP. Huế) có đơn yêu cầu tòa án giải quyết “Buộc UBND TP. Huế chấm dứt hành vi từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 29, tờ bản đồ 42 tại đường Nguyễn Khoa Chiêm, phường An Cựu, TP. Huế. Đồng thời, đề nghị tòa án hủy bỏ công văn trước đó của UBND TP. Huế về việc giải quyết đơn của ông. Buộc UBND TP. Huế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất nói trên cho ông T. T. Đ. đứng tên đại diện những người thừa kế”.
Tuy nhiên, buổi đối thoại không thể diễn ra theo kế hoạch do sự vắng mặt của một Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, người đại diện của UBND TP. Huế được yêu cầu tham gia đối thoại. Người được cử thay thế lại không có chức năng, nhiệm vụ, cũng như không có giấy ủy quyền hợp pháp. Sự việc này khiến tiến trình xử lý vụ việc bị gián đoạn và kéo dài. Việc đại diện UBND TP. Huế không tham gia đầy đủ vào quá trình đối thoại và hòa giải không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ của tòa án mà còn gây phiền hà cho người dân, làm mất nhiều thời gian và công sức...
Một vụ án khác được tòa án thụ lý đã 8 tháng, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi kết cũng bởi lý do từ việc chậm trễ cung cấp tài liệu, chứng cứ của UBND TP. Huế. Gần đây, UBND huyện Phú Lộc và UBND TX. Hương Thủy… đôi khi cử người đại diện tham gia tố tụng không đúng đối tượng theo quy định pháp luật, hoặc không cử người tham gia phiên tòa, dẫn đến việc phải hoãn phiên tòa, phiên đối thoại, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.
Cải thiện công tác phối hợp
Án hành chính phần lớn là các khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính của UBND và chủ tịch UBND cấp huyện trong lĩnh vực đất đai, như: Yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), các vụ việc đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Tòa án đã cố gắng, nỗ lực đầu tư thời gian để thu thập chứng cứ và phối hợp với các ngành hữu quan để giải quyết tốt loại án này. Đồng thời, các đơn vị đã chú trọng công tác đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi để các bên đương sự đối thoại để có thể xử lý dứt điểm, không cùng nhau ra tòa.
Hàng năm, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh và UBND tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp nhằm đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt, thống nhất trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đối với các Tòa chuyên trách thuộc TAND tỉnh, TAND cấp huyện trong việc phối hợp cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ phục vụ giải quyết, xét xử các loại vụ án, nhất là án hành chính và dân sự.
Điều này giúp nâng cao hiệu quả công tác, hoàn thành các nhiệm vụ cải cách tư pháp, đem lại lợi ích cho người dân khi tham gia vào các quan hệ tố tụng hành chính. UBND tỉnh cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác phối hợp trong việc tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan tại TAND tỉnh và TAND cấp huyện.
Trong bối cảnh như vậy, TAND tỉnh rất cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ UBND tỉnh đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã nhằm cải thiện công tác phối hợp với hệ thống tòa án, đảm bảo quá trình thu thập chứng cứ và xét xử diễn ra thuận lợi, từ đó giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ án hành chính, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của công tác xét xử đem lại công bằng, công lý cho người dân.