Dừng xuồng hỏi đường, bị ném đá rớt xuống sông
TAND tỉnh Bạc Liêu vừa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Dương G (SN 1974) về tội cố ý gây thương tích…
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 20 giờ ngày 22-4-2018, sau khi đã có rượu trong người, trên đường điều khiển vỏ lãi (xuồng máy) về nhà thì Trần Văn Đ cùng vợ là chị X và một người bạn bị lạc đường. Đ dừng vỏ tại Miễu bà Chúa Xứ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu để hỏi đường về nhà.
Lúc này, chị X đang hỏi thăm đường từ một người dân thì Dương G đi bộ qua, nói “Ăn nhậu chi không biết đường về”.
Từ đó, giữa G và Đ xảy ra tranh cãi. Lúc này, chị X đang bơi vỏ ra giữa sông để giật máy chạy vỏ về nhà thì anh Đ giật lấy cây dằm bơi vỏ về phía G...
Trong lúc đang cự cãi với anh Đ thì G khom người xuống nhặt cục đá ở lề đường ném trúng mặt anh Đ, làm Đ té ngã xuống sông, còn G bỏ về nhà.
Liền sau đó, Anh Đ được kéo lên vỏ đưa đến bệnh việc cấp cứu, bị thương tích tỉ lệ 19% và phải nằm viện nhiều ngày.
Ngày 23-4-2018, anh Đ trình báo sự việc với Công an và có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.
Dương G bị tòa sơ thẩm xử phạt 2 năm tù về tội Cố ý gây thương tích. Ngày 30-10-2018, bị cáo G kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.
HĐXX phúc thẩm nhận định: Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo đã gây thương tích cho anh Đ với tỷ lệ tổn thương cơ thể 19%. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích… Tuy nhiên, bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có ông ngoại ruột là người có công cách mạng được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất và bị cáo đã bồi thường khắc phục toàn bộ thiệt hại cho anh Đ và anh Đ cũng có ý kiến xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do đó, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 2 năm tù là quá nghiêm khắc so với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo mặc dù không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới, nhưng trong hồ sơ vụ án đã thể hiện chú ruột của bị cáo là người có công với cách mạng đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhất chưa được cấp sơ thẩm đề cập áp dụng, cũng như bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trong trường hợp có 4 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Cho nên, cần phải được xem xét quyết định mức hình phạt dưới khung thấp nhất. Vì thế, cấp phúc thẩm có căn cứ để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, sửa bản án sơ thẩm về nội dung này.
Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo HĐXX xét thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần áp dụng loại hình phạt tương xứng nghiêm minh, nghĩa là phải áp dụng hình phạt tù để cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định mới đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội. Do đó, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.
Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo G 1 năm 6 tháng tù.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/dung-xuong-hoi-duong-bi-nem-da-rot-xuong-song-817161.html