Được cô dâu đến đón về ở rể trong ngày cưới, chú rể khóc lả đi vì lưu luyến gia đình
Cô là con một nên nhà gái đã đề nghị anh về ở rể. Đúng ngày cưới, cô dâu đến đón chú rể về nhà, không nghĩ anh lại tỏ ra đau buồn và lưu luyến gia đình mình tới mức khóc lả cả người.
Sự việc hy hữu xảy ra tại một đám cưới tổ chức tại khu Kiềm Nam, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc), theo Sohu.
Hình ảnh lan truyền trên mạng cho thấy cô dâu chú rể đang rời nhà để lên xe hoa. Tuy nhiên, thay vì nở nụ cười hạnh phúc, chú rể lại không ngừng khóc lóc đau khổ và buồn bã, liên tục ngoái đầu nhìn về phía nhà mình, lưu luyến không nỡ rời đi.
Khuôn mặt anh sưng húp lên vì khóc nhiều, lễ phục cưới trở nên xộc xệch khiến cô dâu lộ rõ vẻ khó chịu nhưng cô vẫn cố gắng cùng phù rể đưa anh lên xe hoa. Những người có mặt tại đám cưới cũng không dám nở một nụ cười nào.
Các nguồn tin tiết lộ, chú rể là con thứ 3 trong gia đình có bốn anh em gồm 3 trai, 1 gái. Do gia cảnh nghèo khó nên hai anh trai của chú rể đã quá tuổi nhưng vẫn chưa thể kết hôn.
Chú rể may mắn tìm được cô bạn gái thấu hiểu và đồng cảm với mình. Tuy nhiên, cô lại là con một, dù kinh tế cũng không khá giả hơn nhà chú rể là bao nhưng thấy gia cảnh của anh, nhà gái đã đề nghị anh về ở rể. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, anh đã đồng ý.
Ngày cưới, cô dâu cùng người thân đến đón chú rể về nhà, không nghĩ anh lại tỏ ra đau buồn và lưu luyến gia đình mình tới mức khóc lả cả người như vậy khiến những người phía nhà gái không hài lòng.
Câu chuyện được đăng tải đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng kết hôn đâu phải chuyện kinh khủng tới mức khiến chú rể suy sụp đến thế, nếu không muốn thì từ chối ngay lúc đầu, trong ngày vui không nên khóc như vậy.
Một số bình luận của cư dân mạng:
- Nhìn bộ mặt đưa đám của chú rể, tôi còn tưởng có ai vừa qua đời cơ. Nếu không thích ở rể thì có thể không cưới mà.
- Lần đầu tôi gặp phải chuyện như thế này. Nếu là cô dâu, chắc tôi còn nổi điên hơn nữa. - Thái độ của chú rể ảnh hưởng đến không khí cả đám cưới.
Vấn đề các cặp đôi cần phải xác định rõ trước khi chính thức kết hôn
Cách hòa thuận với các thành viên trong gia đình của nhau
Hôn nhân không đơn giản là nắm tay ai đó. Nó có nghĩa rằng bạn sẽ trở thành một phần của gia đình người kia. Do đó, bạn cần đảm bảo và thảo luận kỹ lưỡng với đối phương về cách hòa hợp với gia đình của bạn đời. Chẳng hạn như tần suất về thăm nhà bố mẹ, quà cáp ngày lễ Tết hay mức độ bạn có thể chấp nhận nếu như gia đình muốn can thiệp đến tổ ấm nhỏ của bạn.
Thống nhất về cách đón lễ Tết
Nhiều người bỏ qua chủ đề này nhưng các chuyên gia hôn nhân cho rằng nó là điều quan trọng. Có không ít cặp đôi rạn nứt, tan vỡ chỉ vì chủ đề ăn Tết. Bởi vậy, trước khi kết hôn, hai bạn nên thống nhất chuyện ăn Tết như thế nào, về thăm gia đình hai bên ra sao, các ngày nghỉ lễ thì làm những gì... Đôi khi chủ đề nhỏ nhưng ảnh hưởng lại rất lớn.
Đời sống tình dục
Chuyên gia đời sống hôn nhân và gia đình Meyers khuyên bạn nên nói chuyện về tình dục càng sớm càng tốt:
"Nếu hai người không cân bằng về tình dục, thì sự khác biệt về ham muốn, khả năng chấp nhận rủi ro và hứng thú tình dục chắc chắn sẽ nổi lên".
Tình dục là một phần không thể thiếu của hôn nhân. Đừng ngại ngần, bạn cần phải nói rõ ràng và trao đổi với đối phương về vấn đề này.
Phương pháp nuôi dạy con cái
Trước khi kết hôn, đàn ông và phụ nữ thường nói về việc có con hay không, nhưng ít khi thảo luận sâu về cách làm cha mẹ và cách nuôi dạy con cái.
Cả hai nên thảo luận về các chủ đề xoay quanh việc nuôi dạy con: Ví dụ ai là người sẽ dạy con, việc đưa con đi chơi cuối tuần/đi học sẽ như thế nào và liệu cả hai chấp nhận rằng cuộc sống sẽ bị xáo trộn hoàn toàn sau khi có con ra sao...
Lập kế hoạch nghề nghiệp
Hai người nên thảo luận về kế hoạch sự nghiệp sau khi kết hôn, chẳng hạn như sự nghiệp và công việc của ai quan trọng hơn, hoặc cả hai có nên từ bỏ công việc của mình để tìm cơ hội mới.
Cả hai nên nói về việc liệu họ có đang phấn đấu để có những cơ hội tốt hơn hay không và họ sẽ đối phó như thế nào nếu một trong hai người đột nhiên mất việc.
Vấn đề tài chính
Mặc dù một người nam và một người nữ có thể sống chung và tiêu tiền cùng nhau trước khi kết hôn, nhưng hôn nhân có nghĩa là cả hai được hợp nhất về mặt pháp lý đối với tài sản.
Đây là chủ đề nhạy cảm nhưng nó rất đáng để đưa ra thảo luận. Các bạn cần nói chuyện về cách giải quyết vấn đề tiền bạc sau khi kết hôn ví dụ như tiền sinh hoạt thế nào, tiền nên đổ về một mối hay vẫn sống theo kiểu chia đều AA... Ngoài ra, việc biếu xén tiền bạc với bố mẹ hai bên hay quan điểm chuyện cho vay tiền cũng nên được bàn thẳng thắn.