Được Công an tư vấn, người đàn ông mãn hạn tù vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế vườn

Thời gian qua, công tác chăm lo, tạo điều kiện cho người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng đã được tỉnh Hậu Giang triển khai hiệu quả. Trong đó, việc triển khai Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm.

Sau thời gian chấp hành án, ông Nguyễn Văn Chiến (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) trở về địa phương sống cùng gia đình. Làm lại cuộc đời và phát triển kinh tế gia đình, ông Chiến cùng các con mở cơ sở cho thuê, sửa chữa các loại máy nông cụ. Tuy nhiên, do mới chấp hành án xong, vốn liếng không có nên ông Chiến chỉ mở cơ sở nhỏ, ai thuê gì thì làm thêm.

Ông Chiến chia sẻ: “Có đợt, tâm sự cùng các anh, các chú Công an ở địa phương và được sự hướng dẫn, động viên, tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo hình thức tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù”.

Có được vốn, một phần ông Chiến mở rộng phát triển cửa hàng, một phần ông dùng để cải tạo vườn, trồng mít, trồng rau theo mô hình “lấy ngắn nuôi dài”. Đến nay, kinh tế gia đình ông Chiến đã ổn định.

Công an tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang ký kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Công an tỉnh Hậu Giang và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang ký kết chương trình phối hợp thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Đại úy Phùng Thanh Phú, Phó trưởng Công an xã Vị Trung (huyện Vị Thủy) tỉnh Hậu Giang cho biết, Ban Chỉ huy, cán bộ Công an xã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên đối với những trường hợp lầm lỡ, đã chấp hành xong án phạt. Qua những buổi trò chuyện, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ, Công an xã phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn để họ tiếp cận nguồn vốn vay cũng như sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả nhất.

Ngày trở về, anh Nguyễn Văn Trắng (ngụ xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy) chỉ mong muốn cố gắng lao động, chăm lo, bù đắp cho gia đình trong những ngày vắng nhà. Tuy nhiên, với mặc cảm của bản thân và những khó khăn lúc đầu khi về địa phương sinh sống, anh Trắng đã giam mình trong căn phòng bốn bức tường. Được sự động viên của cán bộ Công an xã và Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Trắng tìm hiểu thông tin về vốn ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù. Được gia đình đã bảo lãnh để vay vốn, anh Trắng đã vực dậy tinh thần, quyết tâm làm giàu bằng mô hình nuôi lươn. Đến nay, bể lươn của anh Trắng đang có hơn 5.000 con lươn thương phẩm chuẩn bị xuất bán…

Theo thống kê của Công an tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 980 người lầm lỗi được tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ. Trong đó, vẫn còn những trường hợp phải chật vật vì cuộc sống khó khăn, mất phương hướng trong lao động, sản xuất, nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn ban đầu. Chính vì thế, Ngân hàng Chính sách xã hội đã mở ra “cánh cửa” tương lai tươi sáng cho những ai quyết tâm làm lại cuộc đời, vươn lên trong lao động, sản xuất.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/người/tháng. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, mức vốn cho vay tối đa là 100 triệu đồng/người. Cơ sở sản xuất kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh. Đây là cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người hoàn lương được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống. Đồng thời, cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người đã từng lầm lỡ.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang cho vay vốn đối với các trường hợp chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang cho vay vốn đối với các trường hợp chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

Mới đây, Công an tỉnh Hậu Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang. Công an các cấp tiến hành rà soát, xác định danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn chuyển Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay theo đúng quy định. Đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh đã phát vay cho 263 người trong diện thụ hưởng với tổng số tiền 11,57 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh Vương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết, qua việc ký kết này có thể nhận thấy các đối tượng thụ hưởng sẽ được rà soát, bổ sung để cho vay kịp thời, thuận lợi, góp phần giúp người hòa nhập cải thiện cuộc sống gia đình.

Thượng tá Đinh Văn Vệ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hậu Giang cho biết, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương ngoài phối hợp, tạo điều kiện cho người lầm lỡ được vay vốn phát triển kinh tế thì phải thường xuyên quan tâm, động viên để họ vươn lên làm lại cuộc đời, chấp hành tốt chính sách pháp luật và định hướng nghề nghiệp phù hợp, tránh trường hợp tái phạm tội.

Trần Lĩnh - Thế Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/duoc-cong-an-tu-van-nguoi-dan-ong-man-han-tu-vay-von-ngan-hang-phat-trien-kinh-te-vuon--i742366/