Được gặp Bác Hồ làm thay đổi đời tôi

Đó là tâm sự của người cựu chiến binh 92 tuổi đời, 75 tuổi Đảng hiện sống ở thôn 3, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Tên thật của ông là Nguyễn Thế Thân, sinh năm 1932, quê ở xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Khi tham gia cách mạng, ông đổi họ tên thành Huỳnh Thế Thiện và giữ cho đến bây giờ.

Hơn 16 giờ chiều ngày cuối mùa khô năm 2023, nắng còn rất gắt, cả đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ của tỉnh Bình Phước trong chuyến đi thực tế sáng tác ở huyện Bù Đốp vô cùng ngạc nhiên khi gặp người cựu chiến binh 92 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, khi di chuyển phải dùng chiếc khung sắt cho vững đang lui cui ngoài vườn nhổ cỏ, mặt và lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi. Gặp chúng tôi, ông rất vui khi có người muốn tìm hiểu những năm tháng chiến trận hào hùng và kỷ niệm không thể nào quên về mỗi lần được gặp Bác Hồ của ông. Trong căn nhà đơn sơ bên sườn đồi ở xã Thiện Hưng, người lính già với chòm râu dài bạc phơ, đôi mắt vẫn ánh lên những tia sáng tinh anh và dào dạt tự hào khi nhớ lại những ngày còn mang trên mình bộ quân phục bộ đội Cụ Hồ.

17 tuổi, lứa tuổi hừng hực sức sống và khát khao cống hiến, ông Huỳnh Thế Thiện xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Huyện đội Càng Long - địa bàn cửa ngõ của tỉnh Trà Vinh. Là chiến sĩ trẻ mưu trí, dũng cảm nên Huỳnh Thế Thiện đã lập nhiều chiến công. Nhập ngũ tròn một năm, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 18 tuổi. Ông bồi hồi nhớ lại: “Hai lần được vinh dự gặp Bác Hồ giống như chất xúc tác diệu kỳ giúp tôi vượt qua mọi cam go thử thách trong công tác, chiến đấu. Ở tuổi “gần đất xa trời”, nghĩ về những tháng ngày đã qua, tôi chẳng những không hối tiếc mà luôn cảm thấy tự hào”.

Các văn nghệ sĩ chụp hình lưu niệm cùng đảng viên Huỳnh Thế Thiện - Ảnh: Quang Thỉ

Lần đầu ông Huỳnh Thế Thiện được gặp Bác Hồ là một ngày mưa tầm tã giữa tháng 4-1960, khi Nhà máy phân đạm Hà Bắc khởi công xây dựng và Sư đoàn 338 là đơn vị được chỉ định làm nhiệm vụ xây dựng nhà máy. Dù biết Bác Hồ rất giản dị, gần gũi nhưng việc được gặp Bác là điều ông không dám mơ tới. Vậy mà giấc mơ ấy đã thành sự thật. Ông kể: Ngày hôm ấy trời mưa rất lớn, không ai nghĩ Bác đến giữa lúc mưa lớn như thế nên khi Bác xuất hiện thì mọi người rất bất ngờ. Khi xe của Bác tiến vào lễ đài, Tỉnh ủy Hà Bắc vội cử người căng bạt che mưa. Bác nhẹ nhàng bảo: “Bác đứng cùng bộ đội được rồi”. Hôm ấy, Bác đứng suốt hơn 2 giờ, kể cho chúng tôi nghe về công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa; về tính chất quan trọng cả về quân sự lẫn kinh tế khi xây dựng Nhà máy phân đạm Hà Bắc. Rồi Bác quay sang trò chuyện với anh em Sư đoàn 338. Bác động viên anh em công tác tại nhà máy và nói về tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với tiền tuyến, đối với sự nghiệp xây dựng và kiến thiết đất nước. Ông nói được nhìn vị Cha già dân tộc bằng xương bằng thịt, nghe giọng nói trầm ấm của Người là một vinh dự lớn lao mà không phải ai cũng may mắn có được.

Lần thứ hai, ông được gặp Bác Hồ vào năm 1961. Khi đó, Bác yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương mời 6 học viên xuất sắc của miền Nam tập kết ra Bắc học tập đến dự lễ mít tinh nhân Ngày quốc tế lao động (1-5). Và ông Thiện vinh dự là một trong số đó. Ông hào hứng kể: Tôi may mắn được ngồi cùng hàng ghế với Bác. Giữa tôi và Bác chỉ cách 2 chuyên gia người Liên Xô và Trung Quốc. Buổi lễ diễn ra khoảng 45 phút. Lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, nghe Bác nói ở một vị trí gần như thế, tôi xúc động run lên. Giữa hàng trăm người dự lễ, tôi vẫn cảm nhận rõ tình thương yêu dạt dào của vị Cha già dân tộc tỏa ra bởi sự gần gũi, ấm áp lạ thường.

Ký ức về 2 lần được gặp Bác Hồ với ông Thiện thật sâu đậm, thiêng liêng. Hình ảnh Bác đứng dưới mưa cùng bộ đội để nói chuyện; những lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác về chủ nghĩa xã hội, về nhiệm vụ xây dựng kinh tế và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc in đậm trong tâm trí ông. Ông Thiện xúc động nói, nếu không có 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, được trực tiếp nghe Người giảng giải, động viên bằng những lời lẽ giản dị, ân cần như người cha, không hẳn cuộc đời ông sẽ diễn ra như thế. Sau này, trong những lần được mời nói chuyện với thanh - thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện Bù Đốp, ông Huỳnh Thế Thiện luôn khẳng định: Học Bác đâu cần những việc to tát, chỉ cần làm thật tốt những điều nhỏ nhặt hằng ngày, như chấp hành giờ giấc, làm việc nghiêm túc, không quan liêu, lãng phí. Là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm và gần dân, trọng dân, vì nhân dân phục vụ.

92 tuổi đời, 75 tuổi Đảng, từng nhiều phen vào sinh ra tử, ông Huỳnh Thế Thiện vẫn giữ nếp sống lành mạnh, giản dị. Hằng ngày, ông vẫn ra vườn nhổ cỏ, cắt tỉa cây như một thú vui để quên đi tuổi già. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, những tấm bằng khen, giấy khen, huy hiệu được ông treo ở vị trí trang trọng nhất. Dẫu đi lại khó khăn do tuổi già và căn bệnh xương khớp, ông vẫn không nghỉ buổi sinh hoạt đảng nào. Ông nói: “Dù tôi không nói được nữa thì tôi vẫn đến để nghe các đồng chí nói”. Vì thế, không ai còn nhắc đến việc miễn sinh hoạt đảng cho ông nữa. Ông Lê Văn Công, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thiện Hưng, người phụ trách Chi bộ thôn 3 cho biết: “Bác Thiện là tấm gương sống động về tinh thần tiên phong gương mẫu của người đảng viên. Trong các cuộc họp chi bộ, bác vẫn thường xuyên đóng góp xây dựng tổ chức đảng”.

Chia tay người cựu chiến binh già, trong tôi vẫn văng vẳng câu nói của ông: “Dù tôi không nói được nữa thì tôi vẫn đến để nghe các đồng chí nói”. Những đảng viên cao tuổi như ông Huỳnh Thế Thiện chính là mạch nguồn sáng đẹp kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Suốt cuộc đời, ông đã tận tụy cống hiến, sẵn sàng hy sinh cho dân tộc và khi sức tàn lực kiệt vẫn đau đáu với Đảng, với dân.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/144324/duoc-gap-bac-ho-lam-thay-doi-doi-toi