'Được học' ở nơi chưa có điện

Tối 7/6, một buổi ra mắt sách hiếm có khiến rất nhiều khán giả rơi lệ. Cả khán phòng Không gian Đông Tây đông kín phụ huynh, học sinh. Dịch giả của cuốn sách 'Được học' – một best seller của NXB Phụ Nữ - nhà văn Nguyễn Bích Lan tình nguyện nhường diễn đàn cho 15 thầy cô giáo cắm bản ở Điện Biên phát biểu với tư cách khách mời.

Những câu chuyện dạy và được học ở nơi không có điện của các thầy cô giáo trẻ thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Không có điện, không có nước sạch, không đủ cơm ăn

15 thầy cô giáo được nhóm từ thiện Niềm tin mời về Thủ đô lần này đều đến từ những điểm trường mầm non, tiểu học xa xôi, hẻo lánh nhất Điện Biên. Nhiều người trong khán phòng thậm chí chưa một lần nghe đến những địa danh như Huổi Lích, Hua Sin, Tà Té, Chua Ta, Pá Vạt, Co Mỵ...

Người lớn tuổi nhất trong số họ là thầy Khoàng Văn Vướn (sinh năm 1979), người trẻ nhất là cô giáo Sùng Thị Mua (sinh năm 1996), những người còn lại như thầy Pừ Cố Vư (1989), thầy Pờ Hừ Ly (1990), thầy Sùng A Thề (1989), cô Lò Thị Na (1986), cô Quàng Thị Hoa (1994), cô Lò Thị Phương (1995), thầy Lò Văn Văn (1993), cô Tòng Thị Sơi (1992)... đều là những người có thâm niên bám bản ở những nơi được gọi tắt là ba không: không điện, không nước, không đủ cơm ăn.

Thầy Hà Mạnh Dũng (1988) giáo viên tiểu học tại điểm trường Huổi Lích 2 kể: “Bản tôi dạy cách trung tâm xã 15 cây số, từ đó đến trung tâm huyện cách 20 cây số nữa. Đường vào bản là đường đất đỏ, đi lại rất khó khăn, vào mùa mưa thì phải đi bộ. Mỗi tuần tôi chỉ được về nhà vào thứ bảy, chủ nhật, còn thì cắm ở bản với học sinh. Tôi dạy lớp 1, có 34 học sinh nhưng đầu năm ra lớp chỉ có 20 em. Thời gian bắt đầu năm học chúng tôi đều phải nhờ bà con chặt tre nứa lợp lại nhà tạm cho các em mới học được”.

Cô giáo Lường Thị Ngọc (1984), giáo viên mầm non điểm trường Tà Té B cho biết: “Trong trường 100% học sinh là người dân tộc Mông. Trẻ đông, học trong lớp tạm lợp tranh tre nứa. Đa số các em thiếu ăn, thiếu ghế ngồi, đồ dùng thiết bị dạy học càng thiếu. Vào mùa đông, có khi lạnh đến độ âm nhưng các em vẫn chỉ có độc một cái áo mỏng, người tím tái vì lạnh”.

Thương học sinh thiếu ăn, cô Ngọc và các giáo viên khác đã trích tiền lương mua cá hộp, mì tôm về nấu thành canh để các em có đồ chan cơm.

Các thầy cô nhận quà tặng là 15 chiếc xe đạp

Các thầy cô nhận quà tặng là 15 chiếc xe đạp

Cô Ngọc cũng kể, mỗi lần đi vận động học sinh đến lớp là một lần rơi nước mắt. Ví dụ trường hợp em Lầu A Hù, sinh năm 2016, cả gia đình chen chúc trong một căn “nhà” chưa đầy 10 mét vuông. Trong nhà chỉ có một cái giường và một cái nồi dùng để nấu cơm, canh. Ba ngày đầu vận động Hù ra lớp, các cô đều bỏ tiền nuôi cháu. Sau đó bố Hù ra xin cho con về vì không có gạo cho con ăn, muốn cho con cùng lên nương để có thể kiếm thêm củ sắn củ mài làm thức ăn.

Cô giáo Tòng Thị Ngân (1982) dạy tại điểm trường mầm non Chua Ta chia sẻ: trường cô dạy chưa có điện, chưa có nước sạch, chưa có sóng điện thoại. Mỗi lần muốn gọi điện về nhà hoặc về trường chính thì phải đi bộ 2km mới dò được cột sóng.

Hy vọng các em đến trường không chỉ vì bữa ăn

Bắt đầu từ năm 2013 nhóm thiện nguyện Niềm Tin đã lập ra dự án “Nuôi em” hỗ trợ bữa trưa giá 8.500đ/em cho các học sinh mầm non và tiểu học ở một số điểm trường đặc biệt khó khăn tại Điện Biên.

Ý tưởng ra đời của dự án xuất phát từ những công trình xây trường từ thiện mang tên “Ánh sáng núi rừng” trước đó. Điều đáng buồn là có trường lớp mới nhưng học sinh vẫn bỏ học vì đói. Một số bé có cơm nhưng chỉ có thể ăn với muối. Đa số các bé khác phải đi đào măng về để luộc ăn.

Dự án “Nuôi em” hoạt động trên cơ sở gây quỹ cộng đồng. Theo đó các nhà hảo tâm sẽ đăng ký nhận nuôi một hoặc nhiều học sinh với chi phí trung bình 150.000đ/ tháng. Đến năm 2018, hơn 5.000 học sinh ở Điện Biên đã được nhận nuôi. Ngoài ra, trích từ tiền ăn thừa trong những ngày nghỉ, lễ, Tết, nhóm còn vận động mua thêm máy lọc nước và huy động tủ đồ chơi cũ cho các em.

Cô Lường Thị Ngọc kể: “Sau khi có tin dự án “Nuôi em” phối hợp với phòng giáo dục huyện hỗ trợ cơm trưa cho các cháu, bố của Lầu A Hù đã đồng ý cho con đi học với nhắn gửi: “Mày chăm con cho tôi đi, để tôi đi làm nương”. Lúc ấy Hù gầy xanh xao, chỉ nặng 6 cân rưỡi. Ba tháng sau cháu lên 7 cân, đến nay đã được 11 cân”.

Thầy Giàng A Lếnh (1989) dạy tại điểm trường Nậm Nhừ là người dân tộc Mông. Cả trường có 21 học sinh cả lớp 1 và 2. Hàng ngày ngoài giờ lên lớp, thầy Lếnh phải xuống bếp nấu cơm trưa cho cả thầy và trò. “Thường dạy đến 10 rưỡi thì thầy trò cùng nhau nấu cơm. Thầy nấu thức ăn và canh, học sinh giúp thầy nhóm bếp, rửa rau. Khi cơm chín, học sinh lớn phụ thầy mang thức ăn ra bàn chia cho các bạn. Từ khi được hỗ trợ cơm trưa, học sinh tích cực đi học hơn. Trưa ăn xong các em đều ngủ tại lớp chứ không chạy ra suối chơi hoặc đi đào măng”. Thầy Lếnh nói thêm.

Kinh phí để hỗ trợ các thầy cô xuống Hà Nội cũng được nhóm Niềm Tin vận động từ nguồn xã hội hóa. Theo lịch trình, các thầy cô sẽ được đi xem phim, ăn phở Hà Nội, được đi thăm Vịnh Hạ Long, và mỗi điểm trường sẽ được tặng một thiết bị năng lượng mặt trời để có điện sáng và... sạc pin điện thoại. Một nhóm doanh nghiệp tặng mỗi thầy cô một chiếc xe đạp. NXB Phụ Nữ tặng sách, vé xe từ tiền trích từ việc bán sách “Được học” (cuốn tự truyện của tác giả Tara Westover, Dịch giả: Nguyễn Bích Lan). Đây là câu chuyện của một cô gái sống ở miền núi nước Mỹ bị bố cấm đến trường. Tara Westover 17 tuổi mới được đến trường ngày đầu tiên. Nhưng khát vọng được học đã đưa cô tới một trong những giảng đường đáng mơ ước nhất của nước Anh - đại học Cambridge, và trở thành tiến sĩ sử học. Cuốn sách đã gây chấn động toàn nước Mỹ, đứng đầu danh sách sách bán chạy của New York Times, Wall Street Journal và Boston Globe.

“Được học” sẽ thay đổi cuộc đời

Dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ: nhờ vào việc học mà chị đã thay đổi cuộc đời. Bị bệnh loạn dưỡng cơ bẩm sinh và chỉ có 15% sức khỏe, Bích Lan đã tự học tiếng Anh, trở thành nhà văn, dịch giả ăn khách. Nhờ có công việc, chị Lan khẳng định: “Tôi không trở thành gánh nặng cho gia đình như vốn có thể như thế. Ngược lại, tôi không khác những người bình thường. Tôi độc lập về suy nghĩ và tài chính. Tôi hy vọng nhờ các dự án hỗ trợ, các học sinh miền núi sẽ được đến trường, không chỉ vì bữa cơm, mà vì nhu cầu được học”.

Cô Lường Thị Ngọc nhiều lần nghẹn ngào khi kể chuyện về quá trình vận động học sinh đi học

Cô Lường Thị Ngọc nhiều lần nghẹn ngào khi kể chuyện về quá trình vận động học sinh đi học

Bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ Nữ) nhấn mạnh ý kiến “không ai có thể cứu mình ngoài bản thân”, và rằng, chỉ có giáo dục, học, thay đổi nhận thức mới thay đổi số phận chúng ta.

Một số tín hiệu vui cũng được chia sẻ. Cô giáo Sùng Thị Tằng (1993) dạy tại điểm trường Huổi Lích 2 cho biết, trường cô không có điện, nước, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn nhưng cô vẫn trụ lại vì tình thương của phụ huynh và học sinh. Được dự án hỗ trợ cơm, các em đã đi học đều hơn. Ngày 20/10 biết mang hoa tặng cô, tuy là hoa rừng đã héo nhưng vẫn là một động lực để động viên thầy cô bám bản.

Thầy Hà Mạnh Dũng kể câu chuyện cảm động về học sinh Lù A Đông. Khai giảng hai tuần nhưng Đông chưa đi học. Thầy Dũng đến tận nhà thì thấy một nồi cơm trên bếp đang sôi, trên bàn có một đĩa muối trộn ớt và năm em nhỏ cầm thìa đứng xung quanh. Đông lúc ấy nằm ở góc nhà vì bị bỏng, vết thương đã nhiễm trùng. Hỏi ra mới biết, bố Đông đã mất, một mình mẹ phải làm nương nuôi sáu đứa con. Thầy Dũng đã đưa Đông về trường, xuống trạm xá xin thuốc chữa vết thương cho em. Cuối năm em Đông có kết quả học tốt, môn Toán được điểm 9, môn tiếng Việt cũng được điểm 9. Thầy Dũng đính chính: “Đây là điểm 9 trong bảng chất lượng vùng cao. Nhưng thành quả ấy đã khiến chúng tôi rất vui mừng”.

HẠNH ĐÔ

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/duoc-hoc-o-noi-chua-co-dien-1426204.tpo