Được mẹ chồng chiều chuộng như 'nữ hoàng', nữ y tá tăng cân lên 200kg và gặp nhiều rắc rối đến mức phải xin nghỉ việc
'Con muốn ăn gì, mẹ sẽ làm cho con', 'Con muốn ăn gì nữa, mẹ sẽ mua ngay'... Dưới sự cưng chiều của mẹ và chồng, cô gái này đã nặng 200kg. Cứ thế, những rắc rối cứ nối tiếp nhau xảy đến với cô.
Vương Hà (tên nhân vật đã được thay đổi) là một y tá. Tại nơi làm việc, cô thường xuyên phải di chuyển để cấp cứu bệnh nhân, có lúc còn phải mang theo những vật nặng như bình ôxy. Thế nhưng, dần dần, cô cảm thấy mệt ngay cả khi không di chuyển, thậm chí cô còn thực sự không thể làm được công việc của mình một cách bình thường. Đến giữa năm nay, cô phải xin nghỉ phép dài hạn để tìm cách kiểm soát cân nặng của mình.
Từ 150kg tăng lên 200kg trong 3 năm
Vương Hà sinh ra và lớn lên ở Hàng Châu. Cô có dáng người tương đối vạm vỡ ngay từ nhỏ, với chiều cao 1,65m và nặng khoảng 150kg. Tuy nhiên, vóc dáng này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của cô. Cô vẫn làm việc, kết hôn, sinh con... Mọi sự kiện trọng đại trong đời cô đều hoàn thành tốt đẹp trước 30 tuổi. Và điều đáng ghen tị hơn là cô còn được gia đình nhà chồng cưng chiều như "bà hoàng", nhất là từ khi cô mang bầu cách đây 3 năm.
Kể từ khi mang thai, gia đình đã luôn tìm cách thay đổi các món ăn để Vương Hà ăn được nhiều hơn - tốt cho em bé. Đáng nói, cô luôn cảm thấy ngon miệng. Ngoài 3 bữa một ngày, cô còn thích ăn các loại đồ ăn nhẹ do mẹ chồng làm, nào là bánh hấp, bánh cuốn, bánh bông lan... và các loại trái cây. Không quá lời khi nói rằng cô nàng không có sức đề kháng với những món ăn ngon. Chồng cô cũng chiều chuộng cô như báu vật, thấy cô ăn vui vẻ thì anh sẽ mua bất cứ khi nào cô muốn ăn.
Trong thời gian mang thai, cân nặng của Vương Hà tăng từ 150kg lên 200kg. Và số cân nặng đã duy trì ở mức này sau khi cô sinh con, đến nỗi mọi người đã quá quen với việc nhìn thấy cô béo lên.
Cuối năm ngoái, Vương Hà bắt đầu thấy xuất hiện những bất tiện như sức khỏe ngày càng sa sút, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, đi được một lúc thì khó thở, người to lớn không thể ôm được đứa con trai 3 tuổi, không thể làm được công việc cấp cứu bệnh nhân trong bệnh viện... Sau sáu tháng trì hoãn, cuối cùng cô phải xin bệnh viện cho nghỉ dài ngày để tập trung giảm cân.
Béo phì không đơn giản là chỉ ảnh hưởng đến gan
Là một y tá có kiến thức về y khoa nhất định, Vương Hà biết chính xác vấn đề của mình nằm ở đâu. Thật ra trước đây cô ấy đã tốn rất nhiều tiền để tìm cách giảm cân nhưng không thành công. Sau khi nghỉ việc, Vương Hà tìm đến bác sĩ Ưng Tuệ Mẫn, trưởng khoa Gan nhiễm mỡ, béo phì và tiểu đường, tại một bệnh viện ở Hàng Châu.
Kết quả khám nghiệm thực sự khiến gia đình Vương Hà hoảng sợ. Cô bị gan nhiễm mỡ nặng lên khiến chức năng gan không còn ở mức bình thường. Ngoài ra, cô còn mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, nặng thì ban đêm ngủ không ngon giấc thì ban ngày sẽ mất sức. Vì vậy, trước tình hình bệnh phức tạp, các bác sĩ đã xây dựng kế hoạch điều trị toàn diện cho cô từ hạ đường huyết, bảo vệ gan, can thiệp dinh dưỡng, tư vấn tâm lý.
Không khó để hợp tác với bác sĩ nhưng trở ngại lớn nhất của quá trình giảm cân của Vương Hà là cảm giác thèm ăn. Bản thân Vương Hà cũng lo lắng chuyện "nhịn miệng". Mẹ chồng cô biết không thể cản con dâu ăn nên bà chỉ có thể giao lại "nhiệm vụ" này cho con trai 3 tuổi của cô. Mỗi lần thấy mẹ ăn nhiều, con trai cô lại ngăn cản và nói: "Mẹ ơi, mẹ béo quá, mẹ phải giảm cân!".
Theo cách này, kiên trì thực hiện trong 4 tháng, cân nặng của Vương Hiểu đã giảm được 30kg, chức năng gan, đường huyết và huyết áp cũng được kiểm soát về mức bình thường, không bị ngưng thở quá nhiều vào ban đêm. Sau khi bước đi mà không thở hổn hển, cuối cùng Vương Hà đã lại bế được con trai của mình và trở lại làm việc. Tuy nhiên, xét về sức khỏe lâu dài của cô ấy thì đây mới chỉ là bước khởi đầu, cô vẫn cần phải kiên trì một lối sống lành mạnh.
Béo phì tiềm ẩn nhiều bệnh nguy hiểm
Béo phì là một thuật ngữ có nghĩa là bạn có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên. Nó làm cho bạn có nhiều khả năng mắc các điều kiện bao gồm:
Bệnh tim và đột quỵ: Cân nặng tăng thêm khiến bạn dễ bị huyết áp cao và cholesterol cao. Cả hai điều kiện đó đều làm cho bệnh tim hoặc đột quỵ dễ xảy ra hơn.
Bệnh tiểu đường loại 2: Bạn có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách giảm cân, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và tập thể dục nhiều hơn. Bởi đó là cách tốt nhất để kiểm soát lượng đường trong máu.
Ung thư: Ung thư ruột kết, ung thư vú (sau khi mãn kinh), ung thư nội mạc tử cung, ung thư thận và thực quản... đều có liên quan đến béo phì. Một số nghiên cứu cũng đã báo cáo mối liên hệ giữa béo phì và ung thư túi mật, buồng trứng và tuyến tụy.
Bệnh túi mật: Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh ở túi mật và sỏi mật hơn nếu bạn thừa cân.
Viêm xương khớp: Thoái hóa khớp là một bệnh khớp phổ biến thường ảnh hưởng đến đầu gối, hông hoặc lưng. Trọng lượng cơ thể tăng thêm sẽ tạo thêm áp lực lên các khớp này và làm mòn sụn (mô đệm khớp) vốn thường bảo vệ chúng. Giảm cân có thể làm giảm căng thẳng ở đầu gối, hông và lưng dưới, từ đó cải thiện các triệu chứng của viêm xương khớp.
Bệnh Gút: Bệnh Gút là một bệnh ảnh hưởng đến khớp. Nó xảy ra khi bạn có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric dư thừa có thể tạo thành các tinh thể lắng đọng trong khớp. Bệnh gút phổ biến hơn ở những người thừa cân, bạn càng cân nặng, bạn càng có nhiều khả năng mắc bệnh gút.
Chứng ngưng thở lúc ngủ: Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng thở có liên quan đến tình trạng thừa cân. Ngưng thở khi ngủ có thể gây buồn ngủ vào ban ngày và dễ mắc bệnh tim và đột quỵ. Giảm cân thường xuyên giúp cải thiện chứng ngưng thở khi ngủ.
T. Liên
Theo Thehour, WebMD