Được mở cửa trở lại, chủ gara vừa mừng vừa lo
Nhiều gara ô tô trên 19 quận, huyện 'vùng xanh' của Hà Nội được mở cửa trở lại sau 2 tháng 'cửa đóng then cài'. Xen lẫn niềm vui, không ít ông chủ gara vẫn tỏ ra lo lắng.
Khách xếp hàng dài chờ sửa xe
Ngay sau thời điểm UBND TP. Hà Nội quyết định nới lỏng và cho phép hoạt động một số dịch vụ thiết yếu, trong đó có sửa chữa phương tiện giao thông, phần lớn các gara ô tô trên một số quận, huyện “vùng xanh” đã mở cửa trở lại. Tại nhiều gara của Hà Nội, ô tô chờ sửa xếp hàng dài ra tận cửa, còn đội thợ luôn tay luôn chân.
Anh Đặng Thanh Bình (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chiếc Toyota Vios của anh đã phải “nằm im” ở bãi xe hơn 2 tháng nay do anh chuyển sang làm việc online và cũng không được ra ngoài trong thời gian giãn cách.
“Chiều 16/9, sau khi được nới lỏng, tôi mới ra bãi kiểm tra xe thì thấy một lốp đã dính đinh từ bao giờ và bẹp rúm, ngoài ra phần điện hoạt động không ổn định, xe rất khó khởi động, điều hòa cũng không còn mát nữa”, anh Bình kể.
Ngay khi biết tin các cơ sở sửa chữa ô tô được mở cửa, anh Bình đã gọi điện cho một gara quen ở quận Cầu Giấy và được hẹn mang xe đến sửa vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, anh tỏ ra khá ngạc nhiên vì gara rất đông và phải chờ gần 1 tiếng sau mới đến lượt được “khám”.
“Xe tôi phải vá lốp, thay ắc-quy và vệ sinh điều hòa. Có lẽ trong thời gian giãn cách, rất nhiều xe bị trục trặc mà không có chỗ sửa nên khi nới lỏng thì ai cũng có tâm lý phải đến ngay gara cho yên tâm.”, anh Bình chia sẻ.
Giống như anh Bình, chiếc xe Mazda 3 của anh Đinh Văn Quý (trú ở quận Bắc Từ Liêm) cũng gần như phải “đắp chiếu” suốt 2 tháng qua. Dù đã đỗ xe ở một vị trí khá cao ráo, thoáng mát gần nhà nhưng cách đây 1 tháng, khi mở nắp capo lên kiểm tra, anh Quý đã tá hỏa khi khoang máy đầy dấu chân chuột. Bên cạnh đó là vô số mẩu xương, thức ăn thừa và cả… phân chuột.
Một đường ống cũng bị những “vị khách không mời” này cắn đứt khiến nước làm mát của chiếc xe bị hụt đáng kể. Để khắc phục, anh Quý đã phải rất vất vả để kích xe lên rồi chui xuống gầm nối tạm đoạn ống nước, sau đó châm thêm nước mát cho đủ.
“May mà mình cẩn thận và phát hiện kịp thời, nếu cứ để xe như vậy đi thì nước làm mát rất nhanh cạn, có thể bó máy rất nguy hiểm. Hôm nay, khi các gara mở cửa, mình phải mang ngay xe đến một gara gần nhà để thay thế đoạn ống khác cho đảm bảo an toàn”, anh Quý chia sẻ.
Từ trưa 16/9 đến nay, những trường hợp mang xe đến sửa tại các gara như anh Bình, anh Quý ở trên không phải hiếm. Phổ biến nhất là các hạng mục về lốp, ắc-quy, hệ thống điện và dịch vụ làm sạch nội ngoại thất. Điều này cũng dễ hiểu bởi đây là những bộ phận dễ gặp vấn đề sau thời gian dài xe phải “ngủ đông”.
Thiếu thợ, chủ méo mặt lo lỗ vốn
Được mở cửa đón khách chắc chắn là điều tuyệt vời nhất sau thời gian nghỉ dịch bất đắc dĩ vừa qua của nhiều gara ô tô. Ở khu vực nội thành Hà Nội, việc được mở cửa kinh doanh càng đáng quý bởi hiện nay, chỉ có 5/12 quận được nới lỏng.
So với các đồng nghiệp ở các quận khác, anh Dương Trung Kiên - chủ gara ô tô tại khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy) cảm thấy may mắn khi được phép mở cửa sau 2 tháng giãn cách. Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại một gara ô tô lại không đơn giản chút nào.
Theo anh Kiên, do đội ngũ thợ, trong đó có nhiều thợ “cứng” đã về quê ngay trước khi Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nay được mở cửa dù rất muốn nhưng cũng chưa thể lên làm việc được, vẫn phải chờ thành phố nới lỏng thêm.
“Nhiều khách gọi điện hẹn đến sửa những hạng mục lớn như về máy hay điều hòa nhưng tôi đành từ chối vì không có người làm. Hiện nay, cả chủ và thợ chỉ có đúng 3 người, trong khi ngày thường gara của tôi không dưới 10 người”, anh Kiên chia sẻ.
Để khắc phục, anh Kiên đã liên hệ “mượn” 2 thợ từ gara của một người bạn tại quận Tây Hồ vì các gara tại quận này chưa được mở cửa. Nhưng theo ông chủ này, đó cũng chỉ là biện pháp tình thế và tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, nhất là về dịch bệnh.
Vấn đề về thợ cũng là khó khăn chung của nhiều cơ sở sửa chữa ô tô khác. Dù được mở cửa từ ngày 16/9 nhưng đến hôm sau, trung tâm sửa chữa chuyên về lốp và đèn của anh Nguyễn Trọng Vỹ tại đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm) vẫn chỉ hoạt động cầm chừng.
Anh Vỹ cho biết, được mở cửa những ngày này anh còn lo hơn là bị đóng hẳn bởi lẽ nhiều quận vẫn phải giãn cách, lượng khách đến thay lốp, độ đèn không có mà chủ yếu là làm các dịch vụ đơn giản như bơm vá lốp. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng đắt đỏ thì vẫn phải đóng.
“Riêng tiền thuê địa điểm của tôi hết 70 triệu/tháng, nộp 6 tháng một lần. Nếu buộc phải đóng cửa do quy định thì còn được bớt tiền, chứ nếu đã được phép mở như mấy ngày hôm nay thì xác định phải đóng đủ. Những ngày này thợ ít, mình lại không thể tăng giá dịch vụ nên mở cửa ra là chấp nhận lỗ để giữ khách.”, anh Vỹ nói.
Gara của anh Lê Hồng Đại tại thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) có lợi thế khi đội ngũ thợ chủ yếu là người địa phương, giá thuê nhà xưởng cũng “nhẹ đô” hơn, do đó ngay từ trưa 16/9, gara này đã có thể hoạt động với 100% công suất. Tuy vậy, anh Đại cho biết, thời gian này vẫn nhiều bất cập.
“Gara được hoạt động nhưng những đại lý bán phụ tùng ô tô vẫn chưa được mở. Các cửa hàng này hầu hết ở các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai vẫn đang thực hiện giãn cách nên rất khó khăn trong việc gửi đồ để thay thế cho khách, bởi không phải phụ tùng nào gara cũng có sẵn.”
Chủ gara này kể, trước đây nếu đặt hàng thì chỉ khoảng hơn 1 tiếng sau đã nhận được với giá cước phí khoảng 80-100 nghìn đồng. Nhưng những ngày này có đặt thì đại lý cũng không dám chắc khi nào nhận được, có thể phải mất vài ngày. Còn nếu gửi xe tải thì phí cực cao, có thể 600-700 nghìn đồng cho một kiện hàng với vài món đồ.
“Với thời gian và chi phí đội lên như vậy, tôi cũng không biết phải nói với khách thế nào. Nhiều lúc mình phải chịu thiệt vì toàn khách quen, không thể tự tiện tăng giá được”, anh Đại chia sẻ.
Ngoài niềm vui vì được lao động, phục vụ khách hàng thì những ngày này, nỗi lo về “cơm áo gạo tiền” và tác động dai dẳng của dịch bệnh vẫn thường trực trong những người chủ gara. Tuy vậy, họ vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều những đồng nghiệp ở các địa phương khác vẫn đang phải đóng cửa bởi dịch bệnh.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy gửi ý kiến dưới phần bình luận của bài viết. Mọi tin bài cộng tác xin gửi tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!