Dược Nhất Tín hưởng lợi nhuận 500% liệu có vô can trong vụ 100 tấn TPCN giả?
Vụ 100 tấn TPCN giả được công an TP Hà Nội triệt phá mới đây, trong đó công ty dược Nhất Tín tại Tân Phú, TP.HCM là đơn vị hưởng lợi đến 500% trên mỗi sản phẩm giả được bán ra, tuy nhiên, ông chủ này lại cảm thấy lợi nhuận ở mức đó là bình thường và cho rằng mình chỉ là nạn nhân.
Theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Tổng Bí thư về việc đấu tranh mạnh với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt là thuốc chữa bệnh và thực phẩm, lực lượng Công an Hà Nội đã lật tẩy thủ đoạn tinh vi, quy mô lớn của ổ nhóm do Phạm Ngọc Tiến và vợ là Đoàn Thị Nguyệt cầm đầu.
Điểm đáng kinh ngạc không nằm ở số lượng thuốc giả bị thu giữ mà nằm ở chính quy trình sản xuất ra chúng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam, nhà xưởng sản xuất thực phẩm chức năng giả được đặt tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Bên trong khuôn viên một công ty dược phẩm, có dãy nhà được Tiến và Nguyệt thuê lại làm nơi đặt xưởng. Không có dây chuyền công nghệ, không có chuyên môn dược – mọi thứ bắt đầu từ tấm bạt trải giữa nền xi măng ẩm thấp và những chiếc xô, chậu nhựa.


Các đối tượng sản xuất thuốc bằng công nghệ xô chậu
Mỗi mẻ sản xuất được thực hiện bởi hai công nhân – một người từng làm bảo vệ, người còn lại là xe ôm – không có bất kỳ kiến thức nào về dược phẩm, thậm chí có người đang điều trị HIV. Những bao nguyên liệu được ghi toàn tiếng Trung, tiếng Anh, không rõ nguồn gốc. Họ trộn bột màu trắng, màu vàng vào chậu, dùng gáo múc để pha theo công thức do ông chủ viết tay trên giấy A4.
Một công nhân cho biết: “Em học hết lớp 12. Các loại bột này bên trên gửi xuống, có ghi rõ khối lượng rồi. Em đong rồi trộn thôi. Làm cũng gần một năm rồi”.

Những mẻ thuốc rởm tiền triệu được ra lò
Đặc biệt, để tạo hạt cho viên nang, nhóm đối tượng đổ cồn 90 độ trực tiếp vào hỗn hợp bột. “Mỗi mẻ 100.000 viên thì đổ khoảng 8 lít cồn. Mục đích là để tạo hạt và khử khuẩn” – công nhân này giải thích. Sau khi trộn đều, hỗn hợp được đưa vào công đoạn sấy lạnh rồi tiếp tục sang khâu đóng viên, ép vỉ và dán nhãn.
Từ một công thức trộn tay, hàng nghìn viên nang mang mác hàng nhập khẩu từ Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha... được ra lò. Tất cả đều được đóng vỉ bằng máy thủ công, rồi đóng hộp với thiết kế in sẵn tem phụ, nhãn dán tiếng nước ngoài – hệt như hàng thật.
Theo Đại úy Nguyễn Duy Tuấn Minh, Đội trưởng Đội 7 – Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội: “Quy trình sản xuất hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, tá dược lưu chứa bừa bộn trên nền đất. Một số bao tải chứa bột có nhãn ghi tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc”.
Tổng số tang vật thu giữ trong chuyên án này lên tới hơn 100 tấn hàng hóa giả – tương đương hơn 100 mã sản phẩm khác nhau. Trong đó gồm hàng chục nghìn lọ, hộp, vỉ thực phẩm chức năng và thiết bị y tế.
Để hợp pháp hóa hành vi buôn bán, Tiến chỉ đạo cấp dưới thành lập 17 công ty bình phong – 6 công ty chuyên nhập khẩu hàng hóa, 11 công ty phân phối trong nước. Nhập khẩu chỉ là hình thức để lấy thương hiệu. Thực tế, 99% sản phẩm đều được sản xuất tại Việt Nam, ngay tại xưởng ở Hưng Yên.
Theo điều tra, Tiến và Nguyệt còn thuê Công ty in Âu Việt (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) để in màng nhôm ép vỉ. Các loại vỏ hộp được đặt in từ Hà Nội, tem phụ được dán thủ công tại kho hàng 114 Xa La, Hà Đông. Khi phát hiện bị theo dõi, nhóm này tẩu tán hàng hóa đi khắp nơi: về nhà mẹ của Nguyệt ở Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nhà mẹ của Yến và nhà người giúp việc ở Bắc Giang.
Dược Nhất Tín – đầu mối tiêu thụ tại TP.HCM, lợi nhuận 500%
Ngày 9/5, tổ công tác Công an Hà Nội phối hợp với các lực lượng TP.HCM tiến hành kiểm tra khẩn cấp nhiều địa điểm ở quận Tân Phú.

Lực lượng chức năng kiểm tra căn nhà số 2 Chu Văn An, quận Tân Phú

Những kho TPCN khổng lồ đang chờ đưa đến các nhà thuốc, và bệnh viện

Kho thuốc của Dược Nhất Tín tại số 2 Chu Văn An, Tân Phú, TP.HCM
Tại địa chỉ số 2 Chu Văn An, Quận Tân Phú, bề ngoài là căn nhà dân bình thường, treo biển Công ty Dược Nhất Tín. Qua khe cửa, phóng viên phát hiện bên trong chất đầy thùng thuốc, thực phẩm chức năng; ngôi nhà được trang bị camera theo dõi nghiêm ngặt.
Sau hơn 2 tiếng, nhân viên công ty Nhất Tín mới chịu mở cửa cho lực lượng chức năng kiểm tra. Căn nhà gần 100m² chia thành 6 phòng, không gian chật chội, bí bách, nhưng đầy thuốc và thực phẩm chức năng giả. Có những căn phòng vừa là chỗ ở của nhân viên, vừa là kho chứa thuốc.
Tiếp tục kiểm tra một căn biệt thự ở phường Tây Thạnh – nơi cũng chất đầy thuốc. Nhân viên bảo vệ cho biết, họ không biết thuốc thật hay giả, chỉ làm nhiệm vụ giao hàng cho các phòng khám, bệnh viện theo lệnh. Đây cũng là địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty Dược Nhất Tín.
Một căn nhà 4 tầng trên đường S1 (Tây Thạnh, Tân Phú) – được xác định là trụ sở chính của Công ty Dược Nhất Tín tại TP.HCM – cũng bị Công an TP Hà Nội khám xét. Toàn bộ căn nhà 4 tầng với hàng ngàn m² sàn đều chất đầy thuốc từ sàn tới trần; các tầng được liên kết với nhau bằng thang máy để vận chuyển thuốc và thực phẩm chức năng. Tại đây, các cán bộ đã nhanh chóng thu giữ điện thoại, dữ liệu máy tính để phục vụ điều tra..
Giám đốc Công ty Dược Nhất Tín khi xuất hiện vẫn giữ vẻ mặt bình thản. Ông này cho biết: “Tôi thấy giấy tờ đầy đủ thì cứ bán thôi. Nguyệt từng là trình dược viên, quen biết cũ, giới thiệu sản phẩm có giấy tờ nên tôi tin tưởng”.
Giám đốc công ty Dược Nhất Tín trả lời phỏng vấn
Từ dữ liệu hóa đơn, phóng viên phát hiện có rất nhiều sản phẩm giả được công ty này mua từ đối tượng Nguyệt thông qua 10 công ty khác nhau. Sản phẩm được phân phối cho hàng trăm nhà thuốc, bệnh viện tại TP.HCM, có thể kể đến như: Bệnh viện 30/4, hệ thống nhà thuốc An Phước...
Nhờ có mạng lưới phân phối rộng khắp, Dược Nhất Tín đã bán hàng cho đối tượng từ cuối năm 2020, với số lượng hàng hóa cực lớn, thu lợi nhuận khoảng 500% trên mỗi sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm Astramin – công ty này nhập từ Nguyệt với giá 157.000 đồng/hộp nhưng bán lại cho nhà thuốc với giá 777.000 đồng – sau đó được khuyến nghị bán tới tay người tiêu dùng với giá gấp 1,5–2 lần. Trong thời gian từ 1/1/2024 đến ngày 9/5, tổng cộng hơn 3.600 sản phẩm được công ty này nhập vào.
Khi được hỏi về lợi nhuận gấp 5 lần, ông Tuấn nói: “Thị trường thực phẩm chức năng có giá như vậy và em mua độc quyền của Nguyệt. Các sản phẩm khác họ bán tận 1,5 triệu đồng một hộp, thị trường đã chốt như vậy rồi, bán rẻ hơn không được”.
Luật sư Đoàn Hữu Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: “Tất cả các sản phẩm là thuốc, thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh, là những sản phẩm đặc thù nên cơ quan nhà nước quản lý rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thể không xem xét trách nhiệm của các đơn vị phân phối. Đặc biệt, với những khoản lợi nhuận bất thường, mua từ các nhà cung cấp được xác định là sản phẩm giả, vai trò của họ là đưa hàng từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng – cần phải xem xét liệu họ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình chưa, có hành vi thiếu trách nhiệm hay không? Cơ quan điều tra sẽ làm rõ”.
Hệ lụy khôn lường, ai chịu trách nhiệm?
Với danh sách đối tác phân phối là hàng trăm nhà thuốc, bệnh viện lớn, đường dây của Tiến và Nguyệt đã tồn tại hơn 4 năm, “chui lọt” các quy trình kiểm duyệt nhờ giấy tờ giả mạo tinh vi. Người bệnh những người đặt niềm tin vào thuốc đắt tiền, thuốc ngoại – đã vô tình trở thành nạn nhân trong một mạng lưới trục lợi sức khỏe khổng lồ.
Theo Công an TP Hà Nội, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của các đối tượng đã đủ căn cứ để khởi tố về các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Phòng PC03 đã ra lệnh giữ người, tạm giữ hình sự đối với Phạm Ngọc Tiến, Đoàn Thị Nguyệt, Lương Thị Yến, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thành Tâm (SN 2000), Nguyễn Thành Tâm (SN 1978), Nguyễn Hữu Tuấn. Hiện vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.
Với quy mô đặc biệt lớn, hàng chục công ty trung gian, hàng trăm điểm tiêu thụ, lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng, câu hỏi đặt ra là: Ngoài những đối tượng trực tiếp sản xuất và phân phối, ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sự tiếp tay, buông lỏng quản lý để thuốc giả “chui” vào bệnh viện, nhà thuốc, đến tận tay người bệnh?