Dược phẩm: Sản xuất và bán lẻ đều lãi cao

Trong khi kết quả kinh doanh nhiều ngành giảm tốc, thậm chí thua lỗ trong những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp khối dược phẩm lại cho thấy bức tranh tăng trưởng cao.

Dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm sẽ tăng từ mức 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng năm 2026.

Dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm sẽ tăng từ mức 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng năm 2026.

Sản xuất dược lãi lớn

Kết thúc quý đầu năm 2023, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã chứng khoán DHG) đạt doanh thu thuần gần 1.229 tỷ đồng, tăng 15%; lợi nhuận sau thuế 361 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022 và là quý ghi nhận mức lãi cao nhất kể từ khi thành lập.

Dược Hậu Giang cho biết, lợi nhuận nhuận quý I/2023 tăng nhờ doanh thu sản phẩm tự sản xuất gia tăng. Công ty tập trung bán các sản phẩm chiến lược và chủ lực, đặc biệt là sản phẩm kháng sinh, giảm đau, hạ sốt như Hapacol, Klamentin,

Haginat…, đồng thời chủ động tăng dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Công tổ chức chặt chẽ hệ thống phân phối và kết nối tốt với khách hàng.

Tương tự, Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội (mã chứng khoán DTP) đạt doanh thu 234 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng trong quý I/2023, lần lượt gấp đôi và gấp 7 lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty cho hay, năm nay, doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới được sản xuất và tiêu thụ trên thị trường, giúp doanh thu bán hàng tăng mạnh. Trong năm qua, Công ty đã triển khai thêm nhiều kênh bán hàng, phân phối sản phẩm theo nhóm hàng, đặc biệt chú trọng đến sản phẩm hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng. Sự thay đổi này giúp Công ty cải thiện mức tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.

Với Công ty cổ phần Dược Việt Nam (mã chứng khoán DVN), kết thúc quý I/2023, Công ty ghi nhận doanh thu tăng 16%, đạt 1.299 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 111 tỷ đồng.

Tại Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar, mã chứng khoán DBD), doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023 lần lượt tăng 15% và tăng 33,7% so cùng kỳ năm trước.

Theo Bidiphar, trong quý đầu năm 2023, doanh thu tăng 15% giúp lợi nhuận sau thuế đạt hơn 68 tỷ đồng, nhờ cơ cấu lại các mặt hàng kinh doanh, đẩy mạnh bán các sản phẩm do Công ty sản xuất, đồng thời kiểm soát tốt về chi phí. Ba nhóm sản phẩm chủ lực của Bidiphar là thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân.

Hai doanh nghiệp dược khác là Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (mã chứng khoán DHT) và Công ty cổ phần Dược Danapha (mã chứng khoán DAN) đạt mức tăng trưởng lợi nhuận 30% trong 3 tháng đầu năm 2023.

Bán lẻ dược phẩm cũng lãi cao

Không chỉ các nhà sản xuất dược phẩm “ăn nên, làm ra”, mà doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm như Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail, mã chứng khoán FRT) với chuỗi nhà thuốc Long Châu (FPT Long Châu) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Trong quý I/2023, FPT Retail ghi nhận lỗ 5 tỷ đồng, nhưng bán lẻ dược phẩm là mảng sáng trong bức tranh kinh doanh của Công ty khi doanh thu tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.284 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng doanh thu.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu đã mở thêm 119 cửa hàng trong quý đầu năm 2023, nâng tổng số lên 1.056 cửa hàng và mục tiêu của FPT Retail là mỗi nhà thuốc sẽ có lãi sau 6 tháng hoạt động. Năm ngoái, chuỗi nhà thuốc Long Châu lãi 52 tỷ đồng. Năm nay, FPT Retail kỳ vọng, lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc này có thể gấp đôi năm ngoái.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail cho biết, năm 2023, dự kiến doanh thu của FPT Long Châu đóng góp khoảng 41% trong tổng doanh thu của FPT Retail.

“FPT Long Châu vẫn sẽ là động lực tăng trưởng của FPT Retail trong thời gian tới. Chúng tôi đánh giá, tiềm năng thị trường vẫn còn, Công ty mong muốn mở thêm nhiều ngành hàng mới, đưa ra nhiều dịch vụ nhằm hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện sức khỏe cho khách hàng và người thân, không chỉ dừng lại ở việc bán lẻ”, bà Điệp chia sẻ.

Theo lãnh đạo FPT Retail, sau hơn 5 năm vận hành, FPT Long Châu đã đạt được những thành công bước đầu khi trở thành chuỗi nhà thuốc có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam.

Với mục tiêu tiếp tục vươn xa, tăng nhận diện về vùng phủ, FPT Long Châu sẽ mở thêm ít nhất 400 nhà thuốc, dự kiến nâng tổng số nhà thuốc lên 1.400 - 1.500 vào cuối năm 2023.

Đồng thời, hệ thống tiếp tục tập trung củng cố vị thế nhà thuốc số 1 về thuốc, đặc biệt là thuốc kê đơn, nhằm mang đến cho khách hàng những lựa chọn tốt nhất với mức giá phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, FPT Long Châu sẽ đưa vào dịch vụ cộng thêm, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào vận hành, để khách hàng có được những trải nghiệm tốt nhất về tư vấn, mua sắm, giao hàng, chăm sóc sức khỏe. Song song với việc phát triển hệ thống và tối ưu vận hành, FPT Long Châu sẽ liên tục tuyển dụng, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng phục vụ của đội ngũ dược sĩ để mang lại niềm tin và sự phục vụ tận tình nhất cho khách hàng.

Triển vọng trung và dài hạn

Năm 2023, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu đạt doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.130 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 3% so với năm 2022. Với kết quả quý I/2023, Công ty đã hoàn thành hơn 24% kế hoạch doanh thu và gần 35% kế hoạch lãi trước thuế cả năm.

Dược Hậu Giang hiện nằm trong nhóm 3 công ty dược lớn nhất cả nước tính theo thị phần. Công ty đang tích cực tham gia vào các thị trường tiềm năng như kênh bệnh viện và xuất khẩu, với mục tiêu đạt 20% doanh thu đến từ kênh bệnh viện và doanh thu xuất khẩu đạt hơn 100 tỷ đồng, chiếm 2,5% tổng doanh thu.

Theo SSI Research, đối tác chiến lược Taisho với tư cách là một công ty đa quốc gia sẽ giúp sức cho Dược Hậu Giang trong việc bán hàng ra nước ngoài. Taisho dự kiến sẽ triển khai cùng Dược Hậu Giang trong một dự án xuất khẩu sang 5 quốc gia lớn.

Với Công ty cổ phần Traphaco (mã chứng khoán TRA), doanh nghiệp này đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng 8% về doanh thu và 11,2% về lợi nhuận, lần lượt đạt 2.600 tỷ đồng và 326 tỷ đồng.

Tại Bidiphar, kế hoạch năm nay là đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng, tăng 11% và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.

Theo Ban lãnh đạo Bidiphar, động lực tăng trưởng doanh thu dược phẩm năm 2023 sẽ đến từ kênh điều trị, hàng nguyên lô. Kết thúc quý I/2023, tỷ trọng doanh thu kênh ETC chiếm 60%, kênh OTC là 40%. Nhà máy thuốc chữa ung thư có dây chuyền tiêm đã đi vào hoạt động, dây chuyền thuốc viên ung thư đã hoàn thành lắp đặt, hiện đang thẩm định theo dõi độ ổn định sản phẩm để nộp hồ sơ đăng ký thuốc.

Dân số Việt Nam đang già hóa, các vấn đề về sức khỏe dần xuất hiện nhiều hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng các sản phẩm thuốc cao hơn.

Fitch Solutions dự báo, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam sẽ tăng trưởng đều đặn với mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 6,7% trong giai đoạn 2022 - 2026 nhờ vào tăng trưởng trong chi tiêu cho sức khỏe của người dân, nhất là khi quy mô dân số lớn và đang trong quá trình già hóa.

Trong đó, kênh ETC đạt mức tăng trưởng 8%, dựa trên cơ sở về việc mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và dự báo tốc độ tăng trưởng nhanh của thuốc biệt dược gốc, thuốc generics đã được cấp giấy phép sản xuất. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản pháp luật giúp khơi thông tình trạng thiếu thuốc và tạo điều kiện cho kênh ETC phát triển trong dài hạn.

Fitch Solutions nhận định, chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm của người dân Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kép 7,8%/năm trong giai đoạn 2022 - 2026, tăng từ mức 1,46 triệu đồng năm 2021 lên 2,12 triệu đồng năm 2026, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành dược được coi là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhưng nhóm cổ phiếu này có diễn biến giá phân hóa. Ngày 31/5 so với đầu năm 2023, mã DHG, DBD, DTP tăng giá, trong khi mã DVN, TRA giảm giá.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/duoc-pham-san-xuat-va-ban-le-deu-lai-cao-post323041.html