Được sanh hay bị sanh?
GN - Một số bài viết của tôi có dùng chữ “bị sanh” thì có người tỏ vẻ không đồng ý, khó chịu, vì như vậy là bất hiếu, không nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ. Họ đã không hiểu được ý nghĩa sâu xa của chữ “bị sanh” mà tôi đang dùng.
Tôi chưa bao giờ phủ nhận công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ (cha mẹ hiểu theo nghĩa thông thường của thế gian, là hai con người hiện hữu bằng xương bằng thịt). Vì cha mẹ là những người đã có công mang nặng đẻ đau, rồi lại chăm sóc, nuôi dưỡng, chở che để từ đó mỗi người chúng ta mới lớn khôn được. Công ơn đó không gì có thể so sánh, đền đáp. Đức Phật cũng dạy mỗi người con phải nhớ đến công ơn to lớn của cha mẹ và tìm cách đền đáp:
“... Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.
Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha...” (Kinh Tăng chi bộ, chương Hai pháp, phẩm Tâm thăng bằng, HT.Thích Minh Châu dịch).
Vì vậy, đối với các đấng sinh thành và dưỡng dục, tôi luôn tôn kính và luôn mong muốn hướng dẫn cha mẹ đi vào con đường tu tập để giảm bớt khổ trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải cứ muốn là được, vì để hiểu và chứng ngộ được chân lý mà các bậc Thánh đã giác ngộ (Tứ Thánh đế) là điều không phải ai cũng làm được, nó chỉ dành cho một số rất ít người trí mà thôi.
Được sanh và bị sanh
Tại sao tôi dùng chữ “bị sanh” mà không dùng từ “được sanh”, khiến những người khác tỏ ý không hài lòng và phản đối? “Bị sanh” hay “được sanh” thì cũng chỉ là pháp chế định, là ngôn từ quy ước để truyền tải một nội dung cụ thể, nhưng dù là pháp chế định cũng phải diễn đạt chính xác để tránh sự hiểu nhầm cho người đọc. “Bị sanh” hay “được sanh” thì cũng đều là những từ ngữ mang tính bị động, không phải chủ động. Chữ “bị” mang tính tiêu cực, ý chỉ điều không mong muốn, điều tồi tệ, mang đến sự bất an và sầu khổ... xảy ra đối với một người. Chữ “được” thì ngược lại, nó mang ý nghĩa tích cực, là một điều xảy ra mà đối tượng thọ nhận mong đợi, hoan hỷ, thích thú và mang đến sự an vui.
Vậy sự ra đời của một con người có đáng hoan hỷ hay không đáng hoan hỷ?
Cả nhân loại này, ai cũng vậy (chỉ trừ các bậc Giác ngộ) vì Vô minh và Tham ái, cụ thể ở đây là Tham ái đối với sự sống, sự hiện hữu (Hữu ái) mà không hiểu đúng sự thật về Khổ và Nguyên nhân của khổ, nên ai cũng đề cao sự sống, ca ngợi sự sống, ca ngợi sự mầu nhiệm, sự diệu kỳ của sự sống, sự hiện hữu. Ai ai cũng khao khát sống, mong muốn sống, hoan hỷ đối với sự sống. Đối với họ thì sự ra đời của một con người là cao quý, là đáng được hoan hỷ, còn cái chết đối với họ là một bi kịch khủng khiếp, kinh hoàng không gì bằng, là sự đau khổ tột cùng, là điều đáng để sợ hãi. Chính trong sự hiểu biết đó đã có sự mâu thuẫn, sự mâu thuẫn rõ ràng nhưng ít người có thể nhận ra, đó là: đã sanh ra là phải chết đi, làm gì có ai, có sự vật hiện tượng nào là trường cửu, là tồn tại mãi mãi. Vậy thì sự sanh ra và sự chết đi có gì khác nhau đâu, có gì đáng tiếc nuối và buồn phiền đâu khi phải chết đi?
Tôi từng viết bài “Còn hiện hữu là còn Khổ”, với những ai hiểu rõ đúng sự thật về Khổ và Nguyên nhân của khổ sẽ đều công nhận điều đó. Chính vì vậy mục đích của sự tu học theo giáo pháp của Đức Phật là nhằm chấm dứt sự luân hồi tái sinh, chấm dứt sự hiện hữu. Hãy đọc và nghiền ngẫm đoạn kinh sau:
“... Rồi Ác ma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Cha sung sướng vì con,
Người chăn sướng vì bò,
Người sướng vì sanh y,
Không sanh y, không sướng.
(Thế Tôn):
Cha sầu vì con cái,
Người chăn sầu vì bò,
Người sầu vì sanh y,
Không sanh y, không sầu.
Rồi Ác ma biết rằng: “Thế Tôn đã biết ta, Thiện Thệ đã biết ta, liền biến mất tại chỗ”.
(Kinh Tương ưng bộ, tập I - thiên Có kệ, [04] chương IV - Tương ưng ác ma, kinh Hoan hỷ (S.i,107), HT.Thích Minh Châu dịch)
Đoạn kinh trên cần phải được hiểu theo nghĩa ẩn dụ, nhân vật Ác ma không phải là một phi nhân, một hóa sanh nào, một con ma nào, hay một ma quân từ cõi Dạ-ma thiên nào... mà đó chính là những tà kiến, những hiểu biết theo vô minh, không đúng sự thật. Còn Thế Tôn chính là đại diện cho chánh kiến, là trí tuệ, là minh, là hiểu biết đúng sự thật, chính là chân lý tối thượng về sự sanh y, sự hiện hữu.
Như vậy, phải sinh ra đời là điều mà bậc trí không bao giờ hoan hỷ cả.
Vậy nên oán thán cha mẹ vì họ đã sanh ra con cái? Đó lại là một cực đoan, là một tà kiến, một sự nhìn nhận mê lầm tai hại. Tại sao lại như vậy?
Trước hết phải như thật rõ biết cơ chế sanh ra một con người là như thế nào?
Sự ra đời của một con người
Sự hiểu biết của nhân loại hiện nay, kể cả khoa học hiện đại đều công nhận rằng một con người ra đời gồm hai yếu tố là cha và mẹ kết hợp. Điều đó có hoàn toàn chính xác không? Nếu chỉ có hai yếu tố đó mà ra đời một con người thì thuyết luân hồi tái sanh là không đúng sự thật, nó đã phủ nhận việc luân hồi tái sanh. Theo khoa học, một con người ra đời theo cơ chế là tinh trùng của người cha kết hợp với trứng của người mẹ mà thành hợp tử, hợp tử đó được nuôi lớn bởi các dưỡng chất trong tử cung người mẹ mà phát triển thành bào thai, bào thai lớn lên và phát triển thành hình hài một con người, rồi trải qua 9 tháng 10 ngày mà đứa trẻ được ra đời trở thành một con người mới. Hiểu biết đó chưa hoàn toàn đúng, bởi vì nếu đứa bé ra đời chỉ do hai yếu tố là cha và mẹ thì nhất định phải giống cha hoặc giống mẹ hoặc giống cả hai người. Thực tế thì không phải vậy, có rất nhiều những đứa trẻ sinh ra không hề có một nét nào giống cha hoặc mẹ (cũng chẳng giống ông hàng xóm). Điều này cần phải nghi ngờ để đưa đến hiểu biết đúng sự thật.
Trong Kinh tạng Nikaya cũng có đề cập đến việc Đức Phật nói về cơ chế hình thành một bào thai như sau:
“Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình” (Kinh Trung bộ, kinh số 38 - Ðại kinh Ðoạn tận ái, HT.Thích Minh Châu dịch)
Như vậy, sự hình thành một bào thai không chỉ có cha và mẹ mà còn phải có “hương ấm”. Điều cần phải làm rõ ở đây là “hương ấm” là cái gì? Đức Phật cũng không hề giải thích một từ nào về “hương ấm”, bởi vì thời Đức Phật tại thế, khoa học chưa phát triển (hầu như bằng không) nên ngôn ngữ chưa đủ để giải thích cho mọi người hiểu được rõ ràng. Để biết “hương ấm” là gì và sự hình thành “hương ấm” như thế nào, cần phải quay lại tìm hiểu về Thập nhị nhân duyên.
Kinh viết về 12 nhân duyên thế này:
“Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.” (trích Tương ưng bộ kinh, tập II - thiên Nhân duyên, [12] Chương I - Tương ưng nhân duyên (a), Phẩm Phật-đà, Thuyết pháp - (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,1), HT.Thích Minh Châu dịch)
Như vậy, trong chuỗi 12 nhân duyên thì Vô minh dẫn đầu, do Vô minh có mặt mà phát sinh (duyên) Hành, do Hành mà phát sinh Thức, do Thức lại phát sinh Danh sắc... Hãy xem xét 4 mắt xích đầu tiên này trong 12 mắt xích của toàn bộ chuỗi duyên khởi, điều đó nghĩa là như thế nào?
Vô minh chính là hiểu biết không đúng sự thật về Khổ Tập Diệt Đạo, tức là không hiểu biết đúng về Bốn chân lý mà bậc Thánh đã giác ngộ gồm: sự thật về Khổ, sự thật về Nguyên nhân khổ, sự thật về Chấm dứt khổ và sự thật về Con đường chấm dứt khổ (Bát Chánh đạo). Do Vô minh có mặt mà phát sinh hành vi tìm kiếm hỷ lạc chỗ này, chỗ kia như Dục ái, Hữu ái, Phi hữu ái (Theo kinh Chuyển pháp luân, kinh Tương ưng bộ), tức là Vô minh duyên Hành.
Khi một người phàm phu vào lúc sắp chết (hấp hối), do tâm lý tham sống sợ chết (Hữu ái) mà phát sinh sự sợ hãi, hoảng loạn, kinh hoàng đến tột độ, lúc đó 5 nhóm tế bào thần kinh thị giác (nhãn căn), thính giác (nhĩ căn), khứu giác (tỉ căn), vị giác (thiệt căn) và xúc giác (thân căn) đã chết không còn hoạt động, chỉ còn nhóm tế bào thần kinh não bộ (ý căn) là vẫn hoạt động, vậy nên sẽ phát sinh hành vi tìm kiếm sự hiện hữu, bám víu vào sự sống mà khiến cho toàn bộ năng lượng trong cơ thể thoát ra làm phát sinh một dạng vật chất vi tế mang lưỡng tính sóng và hạt, dạng vật chất đó có khả năng sao chép toàn bộ thông tin di truyền và thông tin pháp trần (được lưu giữ trong ADN của người chết), đó chính là Thức tái sanh hay còn gọi là Hóa sanh. Đó là Hành duyên Thức (tái sanh). Tiếp đó chúng sanh là Hóa sanh này (trong kinh chia Hóa sanh làm các nhóm gồm Chư thiên, A-tu-la, Ngạ quỷ và Địa ngục) tùy thuộc vào nghiệp thiện ác đã gieo trong quá khứ mà tồn tại thời gian dài hay ngắn khác nhau, có thể là vài ngày, vài năm hoặc hàng chục, hàng trăm năm thậm chí hàng ngàn năm... cho đến bao giờ nghiệp đó vận hành sinh diệt tới lúc cạn kiệt thì Hóa sanh đó tùy sự tương hợp mà đi vào Thai sanh (sanh từ thai) hoặc Noãn sanh (sanh từ trứng) để hình thành một đời sống mới. Nếu Hóa sanh đó tương hợp với hợp tử trứng và tinh trùng của loài người thì nó sẽ kết hợp với hợp tử đó và hình thành bào thai, rồi bào thai đó được nuôi lớn bằng dưỡng chất trong tử cung người mẹ và dần hình thành một con người. Đó chính là Thức duyên Danh-Sắc. Như vậy, “hương ấm” mà Đức Phật nói trong kinh chính là một Hóa sanh đã cạn nghiệp.
Đến đây thì chúng ta đã thấy được sự ra đời của một con người không chỉ có cha và mẹ (hợp tử trứng và tinh trùng) mà còn phải có sự nhập thai của một Hóa sanh đã cạn nghiệp (hương ấm) nữa. Đứa trẻ ra đời sẽ mang bốn lượng thông tin, gồm: Thông tin di truyền của cha, thông tin di truyền của mẹ, thông tin di truyền của người chết (Hóa sanh) và thông tin pháp trần của người chết. Thế thì cha và mẹ theo như cách gọi của người đời mới chỉ là một nhân tố thôi, nhân tố còn lại là Hóa sanh nữa. Như vậy sự thật cha mẹ của chúng sanh không phải là cha mẹ mà người đời vẫn gọi, mà căn nguyên sâu xa sản sinh ra cái vòng luân hồi tái sinh, để hình thành nên một con người chính là do Vô minh và Hữu ái. Chính vì vậy, kinh Pháp cú mới viết:
“Sau khi giết mẹ cha,
Giết hại vua Sát-lỵ,
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, Phạm chí sống.”
(Kinh Tiểu bộ - Khuddhaka Nikaya, kinh Pháp cú, phẩm Tạp lục, kệ 294, HT.Thích Minh Châu dịch)
Mẹ cha trong câu kinh này chính là Vô minh và Hữu ái. Chính vì Vô minh và Hữu ái mà con người phải chịu luân hồi tái sanh để mãi chìm đắm trong khổ đau của sinh, già, bệnh, chết không bao giờ thoát ra được. Vô minh chính là hiểu biết không đúng sự thật về Tứ Thánh đế, cũng chính là hiểu biết không đúng sự thật về lý Duyên khởi mà đưa đến đau khổ cho chúng sanh như trong kinh Đức Phật cũng có nói:
“Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử”.
(Kinh Trường bộ - Digha Nikaya, kinh Ðại duyên (Mahànidàna sutta), số 15, HT.Thích Minh Châu dịch)
Đến đây thì chắc là các bạn đã hiểu rằng chúng ta “bị sanh” ra chứ không phải “được sanh” ra?
Nhân loại vì Vô minh và Tham ái nên vẫn luôn đề cao sự sống, sự hiện hữu, xem sự sống là nhiệm mầu, là quý giá nên ai cũng ca ngợi sự sống, bảo vệ sự sống, kêu gọi phóng sinh, làm phước để được phước báu, để được khỏe mạnh, xinh đẹp, để đời sau được tái sanh tốt đẹp, đó là biểu hiện của tham, tham ái dục lạc, tham ái sự hiện hữu.
Những chủ trương nhập thai để tái sinh ở kiếp sau, hay chủ trương tu để được sanh về một cõi giới Niết-bàn, Cực lạc nào đó với đầy đủ hạnh phúc... cũng chính là biểu hiện của tâm lý tham ái đối với sự sống, sự hiện hữu.
Chính do tâm Hữu ái, yêu thích sự sống, sự hiện hữu mà nhân loại vẫn thường bày biện ra các ngày lễ mừng sinh nhật hay mừng thọ hàng năm.
Những điều đó là pháp thế gian, hoàn toàn đi ngược lại với giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng. Các bậc giác ngộ thực sự không bao giờ như thế, mà họ ai cũng chủ trương chấm dứt sự tái sanh:
“Ðêm dài cho kẻ thức,
Ðường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp”.
(Kinh Tiểu bộ - Khuddhaka Nikaya, kinh Pháp cú, phẩm Kẻ ngu, kệ 60, HT.Thích Minh Châu dịch).
Vậy nên, nhân loại ai cũng bị sanh mà vẫn tìm cầu cái bị sanh, điều đó gọi là Phi thánh cầu.
Một người khi đã có hiểu biết đúng sự thật rằng còn sanh y là còn khổ, còn hiện hữu là còn khổ, hiểu được rằng là “bị sanh” chứ không phải “được sanh”, thì phải làm thế nào? Đương nhiên là phải tìm cầu cái không “bị sanh”, đó gọi là Thánh cầu:
“... Thế nào là Thánh cầu? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị già, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị già, tìm cầu cái không già, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị bệnh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị bệnh, tìm cầu cái không bệnh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị chết, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị chết, tìm cầu cái bất tử, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị sầu, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sầu, tìm cầu cái không sầu, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; tự mình bị ô nhiễm, sau khi biết rõ sự nguy hại của ô nhiễm, tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, như vậy, gọi là Thánh cầu”.
(Trích Kinh Trung bộ - Majjhima Nikaya, kinh Thánh cầu (Ariyapariyesanà sutta), số 26, HT.Thích Minh Châu dịch)
Từ việc hiểu đúng việc “bị sanh” như trên, khi ai đó nếu có rơi vào đau khổ và bất hạnh trong cuộc sống, thì cũng đừng bao giờ oán trách cha mẹ đã sinh ra mình, nếu có trách hãy trách chính mình, do mình Vô minh và Tham sống sợ chết (Hữu ái) từ tiền kiếp mà mình mới bị sanh ra đời ở kiếp này thôi. Đối với cha mẹ, người đó hãy nên biết ơn cha, hãy hiếu kính với mẹ, hãy dẫn dắt cha mẹ đi đến con đường đoạn tận khổ đau, đoạn tận sự tái sanh trong tương lai, đoạn tận Vô minh và Hữu ái, vì cha mẹ là những người đã có công mang nặng đẻ đau, đã nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng ta lớn khôn. Con đường đó chính là sự tu tập Bát Chánh đạo nhằm mục đích để thân chứng được Bốn sự thật (Tứ Thánh đế) mà bậc Thánh đã giác ngộ. Mình sẽ là người gieo duyên, tạo duyên cho cha mẹ, hướng dẫn cho cha mẹ, nhưng cha mẹ có tu tập được hay không thì cũng do duyên nghiệp của họ, không thể bắt ép được.
Sakya Sông Lam / Báo Giác Ngộ
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//phathoc/2020/12/18/13c4ca/